Tham quan trực tuyến - Lối ra của Bảo tàng mùa Covid

NDO -

Những ngày giãn cách, các hoạt động tập trung đông người phải dừng lại, không gian của các bảo tàng vắng bóng khách tham quan. Khi ấy, các tour tham quan online, các triển lãm, trưng bày trực tuyến trở thành một công cụ giúp cho bảo tàng duy trì hoạt động, đồng thời cũng là cách để nhiều khách tham quan có thể thưởng thức sản phẩm mới của bảo tàng ngay trong ngôi nhà của mình trong thời gian giãn cách. 

Hình ảnh trong tour 3D tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)
Hình ảnh trong tour 3D tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)

Cuối tháng 8 vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã cho ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour. Tại bất kỳ nơi nào, với các thiết bị điện tử được kết nối Internet, chỉ cần truy cập vào địa chỉ 3d.vnfam.vn là du khách có thể tự do khám phá mọi ngóc ngách trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bằng công nghệ 3D sống động.

Tham quan trực tuyến – Lối ra của Bảo tàng mùa Covid -0
 Tham quan hiện vật ảo tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)

Nở rộ chương trình tham quan online

3D Tour cũng liên kết với ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA với 100 hiện vật tiêu biểu cùng với video giới thiệu 2 bảo vật quốc gia được đầu tư kỹ lưỡng về hình ảnh và câu chuyện, giúp du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp và cảm nhận giá trị lịch sử, nghệ thuật của những kiệt tác lưu giữ trong bảo tàng. Công nghệ hiện đại với hình ảnh đẹp đem đến cho người xem trải nghiệm như đang trực tiếp tham quan tại bảo tàng. 3D Tour được thiết kế với tiếng Việt và tiếng Anh, hoàn toàn miễn phí sử dụng để mọi người đều có thể tiếp cận.

Giữa tháng 9, Câu lạc bộ Tình nguyện viên Bảo tàng Lịch sử quốc gia nghiên cứu xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình tham quan bảo tàng trực tuyến với chủ đề: "Theo dòng lịch sử: Văn hóa Đại Việt thời Lý - Trần". 

Ngay từ khi mở đăng ký, chương trình tham quan bảo tàng trực tuyến đã lập tức thu hút gần 100 khách tham dự, phải mở đến 2 phòng zoom. Tour tham quan online được kết hợp giữa thuyết minh với ứng dụng công nghệ 3D trên website Bảo tàng, cùng các phần mềm PowerPoint, Menti, trình chiếu video... đem tới nhiều góc nhìn và trải nghiệm mới cho khách tham quan.

Những người làm tour đã sử dụng các câu hỏi giao lưu và trò chơi mini game để giúp người xem bổ sung thêm kiến thức, sự hiểu biết về sự hình thành, phát triển, vai trò của các triều đại Lý, Trần trong lịch sử dân tộc. 

Trên cơ sở kinh nghiệm và thành công của chương trình thử nghiệm trên, Bảo tàng đang tiếp tục ứng dụng thực hiện giới thiệu các nội dung trưng bày tiếp theo.

Tham quan trực tuyến – Lối ra của Bảo tàng mùa Covid -0
 Triển lãm song hành “Italian Routes - Phong cảnh núi, leo núi, biến đổi khí hậu". (Ảnh: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cung cấp)

Đây là hai chương trình tham quan ảo nổi bật nhất của các bảo tàng ở Hà Nội trong thời gian giãn cách. Cùng với các chương trình này, một số bảo tàng, trưng bày, triển lãm cũng đã xây dựng các trưng bày online, như “Italian routes - Phong cảnh núi Italy, Leo núi, Biến đổi khí hậu” của Bảo tàng Dân tộc học phối hợp với Đại sứ quán Italia tổ chức hồi cuối tháng 7 đầu tháng 8, triển lãm “Giáo dục triều Nguyễn - Vang vọng còn lại” của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I vào đầu tháng 9.

thời điểm giãn cách xã hội, các hoạt động vui chơi giải trí bị ngưng trệ, những chương trình tham quan trực tuyến, trưng bày trực tuyến này của các bảo tàng đã góp phần rất nhiều vào việc cung cấp thêm món ăn tinh thần cho người dân vượt qua đại dịch.

Trực tuyến kết hợp trực tiếp

Trong thực tế, từ trước khi có đại dịch, một số bảo tàng đã ứng dụng công nghệ tham quan ảo để phục vụ những du khách không có điều kiện đến trực tiếp, và cũng là một công cụ hữu hiệu để thông tin, quảng bá về bảo tàng. 

Từ năm 2013, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D giới thiệu 2 trưng bày chuyên đề, tiếp theo đó (năm 2016) là một số phần nội dung trưng bày thường trực được giới thiệu trên website của Bảo tàng. Đây cũng là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ trong các hoạt động giới thiệu trưng bày, giáo dục…

Tham quan trực tuyến – Lối ra của Bảo tàng mùa Covid -0
 Hiện vật được giới thiệu online tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Năm 2020, Bảo tàng tiếp tục phối hợp với Công ty Vietsotfpro nghiên cứu, nâng cấp ứng dụng 3D và cập nhật, bổ sung nội dung thông tin, hoàn thiện chuyên đề giới thiệu bảo tàng ảo 3D chuyên đề "Bảo vật quốc gia" lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Nội dung giới thiệu được cập nhật, bổ sung, cách thức tiếp cận người xem được đổi mới.

các trưng bày ảo, thông tin được giới thiệu với các cấp độ khác nhau để phục vụ đa dạng nhu cầu của công chúng, phù hợp với điều kiện thời gian, nhu cầu tra cứu thông tin từ khái quát đến trải nghiệm, tương tác 3D hoặc khai thác tư liệu phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu (cấp độ giới thiệu chi tiết với các tài liệu, hình ảnh, clip, các bài nghiên cứu liên quan một cách sâu sắc, phong phú). Nhiều chương trình online đã được Bảo tàng thực hiện và nhận được phản hồi tốt từ phía khách tham quan như “Tham quan bảo tàng trực tuyến” (Tourday online); “Giờ học lịch sử online”... 

Ngoài ra, nhiều trưng bày thực tế được lưu giữ lại dưới hình thức trực tuyến sau khi kết thúc, nhằm kéo dài thời gian tham quan, đồng thời cung cấp chi tiết hơn cho khách tham quan về tư liệu, hiện vật trưng bày. Chẳng hạn, với nhiều hiện vật, bảo vật quốc gia, vì lý do bảo mật, khách tham quan chỉ có thể ngắm nhìn từ một khoảng cách nhất định. Nhưng với tham quan trực tuyến, thậm chí khách có thể bấm chuột nhìn từng chi tiết trang trí trên hiện vật dù là nhỏ nhất.

Đặc biệt, các tư liệu, hiện vật được lưu giữ, thông tin cụ thể trong các trưng bày còn hướng tới một mục tiêu lớn hơn, đó là xây dựng một di sản số (E- Heritage) cho di sản văn hóa Việt Nam. 

Tham quan trực tuyến – Lối ra của Bảo tàng mùa Covid -0
 Trưng bày của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam về nữ Anh hùng Nguyễn Thị Định. (Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Trên trang web của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nhiều trưng bày vẫn còn được lưu giữ để người xem vào tham quan, như “Gắn kết bằng trái tim” ghi lại hành trình đi tìm hạnh phúc, một mái ấm bình yên trọn vẹn của các thành viên gia đình; trưng bày “Nữ tướng khăn rằn” kỷ niệm 100 năm ngày sinh bà Nguyễn Thị Định; “Những trái tim vì hòa bình” về cuộc đấu tranh kháng chiến, chống Mỹ xâm lược Việt Nam của nhân dân yêu hòa bình trên toàn thế giới; “Vị giọt mồ hôi” nêu kết quả qua ba năm tổ chức “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (2017-2020); “24 giờ trên phố” giới thiệu những câu chuyện chân thực dung dị nhất do trẻ em thực hiện.

Ngoài ra, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam còn giới thiệu các chương trình của Bảo tàng thông qua kênh Youtube, với cách làm dung dị, hiện đại, gần gũi và tăng tương tác với người xem. 

Có thể thấy, số hóa là hướng đi mà hầu hết các bảo tàng đang hướng tới. Nếu trong thời kỳ xảy ra đại dịch, các chương trình tham quan ảo góp phần thu hút người xem, giới thiệu các sản phẩm văn hóa của các bảo tàng tới công chúng, thì khi đại dịch qua đi, đây lại là những công cụ quảng bá, tăng tương tác với người xem, giúp các bảo tàng thúc đẩy sự sáng tạo và phát huy tốt giá trị các sưu tập hiện vật thông qua khai thác thế mạnh của phương tiện truyền thông xã hội.