Cuốn sách “Trần Văn Khê - Trăm năm Tâm và Nghiệp” dày 360 trang, với sự góp mặt của 50 tác giả và 58 bài viết, chia thành 2 phần: “Trần Văn Khê - Trăm năm Tâm và Nghiệp” và “Di sản Trần Văn Khê”.
Bên cạnh phần lớn các bài viết lấy từ sách đã in năm 2016 là các bài viết, hình ảnh, tư liệu mới được bổ sung vào cuối năm 2021 đã làm đầy đặn thêm tình cảm, sự đánh giá của các nhà hoạt động văn hóa, đặc biệt là hoạt động âm nhạc dành cho con người và sự nghiệp đáng trân trọng của Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê - Người mà cả cuộc đời chỉ có một tâm nguyện là góp phần đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam ra khắp 5 châu, sâu trong dân tộc, nhất là lớp trẻ. Bởi vì theo ông, “Âm nhạc của dân tộc Việt Nam mình rất đẹp, rất quý, rất độc đáo”.
Các tác giả viết bài trong sách “Trần Văn Khê - Trăm năm Tâm và Nghiệp” đã cố gắng lột tả được nhiều khía cạnh đặc biệt của chân dung Trần Văn Khê. Đó là chân dung một trí thức, nghệ sĩ uyên bác, tài năng, khiêm nhường, rất yêu đất nước và văn hóa của dân tộc mình.
Hơn nửa đời sống ở nước ngoài, các chuyên đề nghiên cứu và đào tạo của Trần Văn Khê về đờn ca tài tử, về cải lương Việt Nam trong đối sánh với các loại hình âm nhạc, kịch nghệ của các quốc gia châu Á (Pansori của Triều Tiên, kinh kịch của Trung Quốc, Noh và Kabuki của Nhật Bản) đã được giới âm nhạc quốc tế đánh giá rất cao.
Từ sự đánh giá đó, nhiều bộ môn văn hóa-nghệ thuật dân tộc của Việt Nam với sự góp sức trực tiếp và gián tiếp của Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới như “Nhã nhạc Cung đình Huế”, “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên”, “Ca trù, Quan họ Bắc Ninh”, “Đàn ca tài tử Nam Bộ”…
Trong sự nghiệp hoạt động âm nhạc hơn 60 năm của mình, Giáo sư Trần Văn Khê đã được nhận nhiều sự vinh danh cao quý: Huy chương bội tinh hạng nhất của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, Giải thưởng Âm nhạc của UNESCO (1981), Huân chương Nghệ thuật, Văn chương của Bộ Văn hóa Pháp (1991), Viện sĩ Thông tấn của Viện hàn lâm Khoa học, Văn hóa, Nghệ thuật châu Âu (1993), Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch Nước cấp (1999), Giải thưởng Đào Tấn (2005), Giải thưởng Phan Châu Trinh về nghiên cứu (2011)…
Gần 10 năm cuối đời, Giáo sư Trần Văn Khê đã chuyển về ở hẳn tại Việt Nam. Từ hàng chục nghìn cuốn sách, báo, sổ ghi chép, băng từ ghi hình và tiếng cùng nhiều kỷ vật ông mang về sau hơn nửa thế kỷ sống ở Pháp, Giáo sư Trần Văn Khê đã góp phần quan trọng xây dựng Thư viện Trần Văn Khê và một địa chỉ giao lưu văn hóa có giá trị tại ngôi nhà ông sống ở 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh. Ngôi nhà mang đầy đủ dáng dấp của một nhà lưu niệm danh nhân ấy đến nay rất tiếc vẫn còn là mong ước của nhiều người.
Sách “Trần Văn Khê - Trăm năm Tâm và Nghiệp” có sự góp mặt của nhiều nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, môn sinh. Bìa sách là hình do kiến trúc sư Võ Thành Lân vẽ theo phong cách vector-art với tất cả lòng trân trọng đối với một bậc thầy theo ông vừa có sự uyên thâm tri thức, vừa có tài nghệ diễn xướng và một phong cách giao tiếp đầy sự duyên dáng xen lẫn vẻ lịch thiệp. Tấm hình này của Võ Thành Lân cũng đã được nhà thiết kế Sỹ Hoàng chọn là hình chủ đạo trong chương trình “99 năm Trần Văn Khê - Tâm và Nghiệp” tổ chức tháng 7/2020.