“Ðặc sản” của cộng đồng
Không biết ra đời tự bao giờ, nhưng trong tâm hồn người dân Lệ Thủy luôn thấm đẫm điệu hò khoan mộc mạc, sâu lắng, lay động lòng người. Không chỉ là một hình thức diễn xướng dân gian, hò khoan Lệ Thủy còn là nét sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật truyền thống độc đáo của người Lệ Thủy nói riêng và Quảng Bình nói chung. Từng nhiều năm gắn bó với hò khoan Lệ Thủy, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết: Tiến sĩ Dương Văn An (1514 - 1591), đời Mạc, người quê làng Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình ngày nay đã để lại cho hậu thế tác phẩm địa lý - văn hóa nổi tiếng Ô Châu cận lục viết năm 1553. Ðây là tài liệu quý, mở đầu cho việc mô tả, khảo cứu vùng duyên hải miền trung từ Ðèo Ngang đến Quảng Nam, trong đó chủ yếu là Tân Bình (Lệ Thủy và Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình ngày nay). Chúng ta gặp trong tác phẩm của ông những hội hè bơi thuyền lúc xuân sang, tục hát đưa linh, chèo cạn… Như vậy là trước cả quá trình nam bắc phân tranh diễn ra, nơi đây đã rất dày dặn về văn hóa và mang bản sắc vùng rõ rệt.
Một vùng mà về địa lý là liền kề giữa núi rừng - sông suối - đồng ruộng - đầm phá - biển, được những người phía bắc đi về phương nam mở cõi, tụ cư, mở rộng cơ đồ quốc gia Ðại Việt. Ðáng lưu ý, Dương Văn An viết rằng, thổ âm vùng này tương tự thổ âm vùng Hoan Diễn (Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay). Thổ âm là một trong những chất liệu hàng đầu làm nên đặc sắc của dân ca. Những người xưa đã mang theo trong hành trang mở cõi của mình những câu hò điệu hát từ quê hương bản quán và phát triển nó trong quá trình khai ấp, lập làng ở đây. Có thể thấy, phảng phất trong hò khoan Lệ Thủy có sự mạnh mẽ của hò sông Mã; sự diết da, mượt mà và dung dị của điệu hát ví sông Lam.
Vùng đất “địa linh nhân kiệt” tạo cho hò khoan Lệ Thủy cả bề sâu và chiều rộng, đa dạng về nhạc điệu, phong phú về ngôn từ. Hò khoan Lệ Thủy trải rộng từ ngàn xanh đến sông sâu, từ đồng bằng ra biển lớn. Trên núi, có sự vang vọng, vút cao đầy uy lực mà tình cảm của điệu hò “lỉa trâu”. Dưới biển, có sự dẻo dai, kiên trì nhưng vững chãi của mái “hò khơi”; sự rộn ràng, phấn chấn của mái “hò nậu xăm”. Vùng đồng bằng chiêm trũng thì có sự sinh động, ân tình nghĩa nặng của sáu mái hò với thể biến hóa linh hoạt, phóng khoáng của người hát. Hò khoan Lệ Thủy ra đời trong môi trường lao động sản xuất nhưng trong từng giai đoạn lịch sử, môi trường diễn xướng có sự thay đổi phù hợp với thực trạng phát triển kinh tế - xã hội. Trước đây, hò khoan diễn xướng trong môi trường “lỉa gỗ” của thợ sơn tràng, chèo đò, đi cấy, giã gạo, quết vôi, nện đất, cất nhà, hò tiễn đưa người quá cố... và “hò khơi”, “hò nậu xăm” của cư dân miền biển. Ðến những năm kháng chiến, hò khoan hiện hữu trong môi trường mới là tuyên truyền địch vận, lúc tiếp lương cho kháng chiến, nói chung là hò cách mạng. Trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước, môi trường diễn xướng của hò khoan Lệ Thủy được sân khấu hóa phục vụ đắc lực công tác tuyên truyền việc xây dựng nông thôn mới, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, phê phán thói hư tật xấu và được đưa vào giảng dạy trong trường học. Hò khoan Lệ Thủy biến hóa linh hoạt trong mọi môi trường, phù hợp với vai trò chuyển tải tâm tư nguyện vọng của người dân. Ðiều đáng nói, dù ở môi trường nào nó vẫn giữ được gốc của mình, đó là các mái hò (tức điệu hò) vẫn nguyên bản và ngày càng được bảo tồn, gìn giữ.
Ðã trên dưới 100 tuổi, nhưng khi nghe chúng tôi nhắc đến hò khoan Lệ Thủy, đôi mắt lão nghệ nhân Nguyễn Hữu Sào, ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy vẫn ánh lên niềm vui. Ông tâm sự, hò khoan đã ngấm vào con người mình lúc nào không hay. Là loại hình diễn xướng dân gian, nên bất cứ ở đâu có làm việc tập thể, ở đó có hò khoan. Người ta hát như để vơi đi sự nhọc nhằn trong lao động, để giao duyên, truyền dạy kinh nghiệm sản xuất, lối sống cho con trẻ và gửi gắm tình cảm đôi lứa… Bây giờ sức khỏe không cho phép, ông ít hát, nhưng tình cảm sâu nặng với làn điệu dân ca quê hương được ông trao truyền cho các con, trong đó có Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Hải Lý. Hải Lý chân thành chia sẻ, hò khoan Lệ Thủy không chỉ là tình yêu, đam mê, mà với chị còn là trách nhiệm lưu truyền, phát huy vốn quý của văn hóa quê hương. Năm 2013, câu lạc bộ (CLB) hò khoan đầu tiên do chị khởi xướng ra đời, với 15 thành viên luyện tập thường xuyên ba buổi mỗi tuần, kinh phí tự túc. Hoạt động của CLB là điểm nhấn trong các chương trình văn hóa, văn nghệ địa phương. Vừa tìm lại các lời hát cũ, sáng tác tác phẩm mới để phục vụ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị tại địa phương, chị còn đề xuất với lãnh đạo huyện đưa dân ca vào trường học. Các thành viên CLB nhận trách nhiệm dạy hát cho giáo viên và học sinh, phối hợp tổ chức các hội thi đàn hát dân ca tạo ra nhiều sân chơi bổ ích, được đông đảo lớp trẻ hưởng ứng.
Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao huyện Lệ Thủy Dương Ngọc Liên, hò khoan Lệ Thủy có chín mái, được chi phối bởi các yếu tố: tiết nhịp (có thể là 2/4, 4/4 hoặc nhịp tự do), tiết tấu (nhanh, chậm, tùy hoàn cảnh lao động, môi trường lĩnh xướng mà biến đổi linh hoạt) và luật (lĩnh xướng - xố - chầu riêng của từng mái hò). Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ nhận xét, trong dân ca vùng duyên hải miền trung, hò khoan Lệ Thủy vừa có tính tương đồng, vừa khác biệt, chứng tỏ sự tồn tại vững bền của nó trong cộng đồng. Hầu như lĩnh vực lao động nào trong đời sống cũng có mặt hò khoan. Khó có nơi nào trong làn điệu dân ca, yếu tố hò đậm đặc như nơi đây. Hầu hết các mái hò đều có mở có kết, có xướng và có xố. Chính vì đặc tính đó nên hò khoan Lệ Thủy có tính phổ biến cộng đồng rất cao. Hầu như ai cũng có thể cất lời hò và nhất là tất cả mọi người đều có thể xố theo trong mọi cuộc hát. Nhạc phẩm Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân cho thấy rất rõ điều đó.
Ðể điệu hò vang mãi cùng tháng năm
Nhiều năm nay, công tác bảo tồn và phát huy giá trị hò khoan Lệ Thủy luôn được đưa vào Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện Lệ Thủy. Toàn huyện hiện có 10 CLB hò khoan, thu hút hàng nghìn nghệ nhân và diễn viên không chuyên biểu diễn thường xuyên phục vụ quần chúng. Ðặc biệt, làn điệu dân ca này đưa vào giảng dạy trường học tại Lệ Thủy mang lại hiệu quả cao. Ngay khi mới bắt đầu, Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các giáo viên âm nhạc mà người truyền dạy là những nghệ nhân. Như mạch nguồn ấm nóng, hò khoan dần len lỏi vào trường học, trở thành phong trào văn hóa - văn nghệ sâu rộng. Ðây chính là môi trường nuôi dưỡng quan trọng nhất để hò khoan Lệ Thủy được kế thừa, vang mãi với thời gian.
Trên hành trình gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, những người yêu hò khoan Lệ Thủy có nhiều chuyến giao lưu, quảng bá trong tỉnh và cả nước. Ðặc biệt, tháng 9-2016, hò khoan có dịp giao duyên cùng quan họ Bắc Ninh và ví dặm Nghệ Tĩnh - hai Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Tháng 3-2017, nhân sự kiện “Quảng Bình trong lòng Hà Nội”, hò khoan Lệ Thủy một lần nữa vang lên giữa lòng Hà Nội, được công chúng Thủ đô nhiệt tình đón nhận. Nghệ nhân Nguyễn Thị Hanh tràn đầy hạnh phúc nhớ lại: “Hôm biểu diễn ở sân khấu ngoài trời bên Hồ Gươm, chúng tôi hò xong chín mái hò khoan Lệ Thủy để nhường sân khấu cho bài hát khác theo kịch bản; nhưng khán giả quá nhiệt tình nên chúng tôi tiếp tục hò thêm một làn điệu nữa trong sự cổ vũ nhiệt liệt của đông đảo bà con”.
Ngày 8-5-2017, niềm vui và vinh dự lớn đến với nhân dân Lệ Thủy nói riêng, Quảng Bình nói chung, khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định công nhận hò khoan Lệ Thủy là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình Trần Vũ Khiêm khẳng định, sự kiện này có ý nghĩa rất lớn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Từ đây, Quảng Bình có thêm một sản phẩm mới để góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của địa phương. “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, tôn vinh các nghệ nhân, tiếp tục tổ chức truyền dạy hò khoan, xây dựng một số thiết chế văn hóa phục vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản và tổ chức tham quan trình diễn hò khoan Lệ Thủy dưới góc độ một sản phẩm du lịch” - Giám đốc Trần Vũ Khiêm cho biết.
Hò khoan Lệ Thủy được vinh danh là kết quả của quá trình nỗ lực gìn giữ, bảo tồn, phát triển di sản của chính quyền và ngành văn hóa địa phương; trong đó, có sự dày công, tâm huyết của các nghệ nhân luôn cháy hết mình để dòng dân ca dung dị này chảy mãi với đời.