Phim tài liệu khoa học-đa dạng về đề tài
16 bộ phim tài liệu nhựa, 31 bộ phim tài liệu - khoa học video thuộc 11 đơn vị sản xuất đã đăng ký dự thi Liên hoan phim quốc gia 14. Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương (TLKH T.Ư) vẫn là đơn vị dẫn đầu với số lượng 10 phim nhựa, 16 phim video. Số phim còn lại thuộc các đơn vị như Hãng phim Giải phóng, Ðiện ảnh Quân đội Nhân dân, Hãng phim truyện I, Ðiện ảnh Công an nhân dân, Ðiện ảnh Biên phòng, Hãng phim Hội Nhà văn, Hãng phim trẻ, Trung tâm hợp tác truyền thông quốc tế, Hãng phim Ngọc Khánh.
Tại Liên hoan phim Việt Nam 14, cơ hội để những bộ phim tài liệu khoa học đã từng được báo chí nhắc đến sẽ có dịp ra mắt đông đảo khách mời và khán giả Tây Nguyên. 47 bộ phim thật sự đa dạng về đề tài, đặt ra nhiều vấn đề của đời sống, có ý nghĩa thiết thực trong tiến trình phát triển của toàn xã hội.
Thư về bản, Thang đá ngược ngàn, H'Non, Chữ trên sóng, Gian nan hạnh phúc, Tay đào đất... là những bộ phim khắc họa chân dung những con người lặng lẽ, miệt mài với công việc đem đến hạnh phúc, niềm vui cho cộng đồng.
Ðó là anh Sính bưu tá người Mông bền bỉ vượt núi vượt lũ đem sách báo, thư từ về bản làng (Thư về bản, đạo diễn Nguyễn Hướng); là cô giáo Mùi 18 tuổi tình nguyện ở lại bản của những người mắc bệnh phong để dạy chữ và chăm sóc trẻ em (Thang đá ngược ngàn, đạo diễn Lê Hồng Chương); là chị H'Non đem kiến thức y tế đã được đào tạo, cùng nghị lực, bản lĩnh và tấm lòng nhân ái trở về bản làng mình, giúp bao phụ nữ mẹ tròn con vuông, từ bỏ hủ tục nặng nề vì thiếu hiểu biết của bà con dân tộc; là bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng cả cuộc đời nghiên cứu khoa học y học, đem lại hạnh phúc làm mẹ cho thật nhiều phụ nữ, tiếng cười cho nhiều gia đình; đó còn là những cô giáo trẻ tình nguyện đã vượt qua thật nhiều thiếu thốn vật chất tinh thần để xây dựng lớp học trên biển cho con em những người vạn chài (Chữ trên sóng, đạo diễn Vương Khánh Luông)... Những chân dung giản dị đáng khâm phục ấy đã được các nhà làm phim thể hiện một cách trân trọng và đầy xúc cảm trong mỗi bộ phim.
Các nhà làm phim tài liệu cũng hướng tới khắc hoạ những tập thể như trong các bộ phim: Hai người đàn ông tình nguyện (đạo diễn Phan Quang Minh), Tổ quốc đón anh về (đạo diễn Bùi Ðắc Ngôn - Phan Sĩ Lan), Mầu xanh thời gian (đạo diễn Phạm Thăng), Lên thác xuống ghềnh (đạo diễn Vương Khánh Luông), Mặt trời trên đỉnh thác (đạo diễn Phan Hà Thành)...
Cảnh trong phim "Những công dân @". |
Một mảng đề tài cũng được nhiều bộ phim tài liệu chú trọng đề cao là nền kinh tế thị trường cùng những bài học quý giá trong làm ăn để phát triển kinh tế; những nhân tố mới, cách làm ăn mới đạt hiệu quả cao, cải thiện đời sống cho người dân, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước. Ðó là các phim Những công dân @ (đạo diễn Nguyễn Thước), Nuôi tôm hùm lồng trên biển (đạo diễn Nguyễn Như Vũ).
Bên cạnh đó cũng có những vấn đề được các đạo diễn tài liệu nhìn nhận, phản ánh trực diện, công tâm, có giá trị cảnh báo như nạn phá rừng làm hủy hoại môi trường, gây hiểm họa thiên tai - phim Giọt nước mắt U Minh (đạo diễn Ðào Trọng Khánh); hay những vấn đề về đất đai cho người nông dân, về việc làm cho thanh niên nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa - phim Ký sự đồng quê (đạo diễn Phùng Ty); đó còn là một số vấn đề mà Việt Nam gặp phải sau vụ kiện cá ba sa, bài học rút ra trong quá trình đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường nước ngoài - phim Học phí vào chợ Mỹ (đạo diễn Nguyễn Vũ Ðức).
Mảng đề tài truyền thống vốn là thế mạnh của các nhà điện ảnh tài liệu là chân dung lãnh tụ, về những chiến công hiển hách, vẻ vang của dân tộc, về những thế hệ đã làm nên lịch sử...
Có thể khẳng định đó là những bộ phim được thực hiện xứng đáng với tầm vóc nhân vật và sự kiện: Cột mốc vàng - Ðiện Biên Phủ (đạo diễn Ðặng Xuân Hải), Ðịa chấn ở Ðiện Biên Phủ (đạo diễn Trần Phi), Ðảo xa nhớ Bác (đạo diễn Công Thành Ðức), Ðồng chí Tổng Bí thư Trần Phú (đạo diễn Ðào Trọng Khánh), Bộ trưởng của chúng tôi (đạo diễn Thanh Loan)...
Và, thật thiếu sót nếu không nhắc đến hai bộ phim khoa học tại Liên hoan phim này: phim Bệnh viêm não Nhật Bản (đạo diễn Phạm Bình) và Ðà điểu ở Việt Nam (đạo diễn Nguyễn Hướng - Bùi Lưu Khanh). Với số lượng ít ỏi đó, thấy rằng thể loại phim này chưa được đầu tư nhiều, mặc dù các đề tài nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học ứng dụng luôn cần thiết cho đời sống xã hội và phát triển kinh tế. Hai bộ phim nói trên là tiếng nói khẳng định điều ấy.
Hy vọng về phim hoạt hình
Ðến với LHP lần này, phim hoạt hình vẫn chỉ có cuộc "thi đấu nội bộ" bởi tổng số 18 phim đều do Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất. 18 phim, khoảng 180 phút hình ảnh (tương đương với hai bộ phim truyện thường sản xuất hiện nay ở ta) đã phản ánh khá rõ nét chân dung các nhà điện ảnh "vì trẻ thơ" ở Hãng phim Hoạt hình.
18 phim nhưng chỉ có 10 đạo diễn góp mặt, với các tên tuổi đã được biết đến khá nhiều như Phương Hoa (ba phim), Nhân Lập (hai phim), Trần Trọng Bình (hai phim), Lâm Chiến (hai phim), Phan Trung (hai phim), Trần Dương Phấn (hai phim), cùng Hà Bắc, Trần Bảo Quang, Lý Thu Hà và Nguyễn Thị Măng - mỗi người một phim và một bộ phim khác do nhóm các đạo diễn và họa sĩ trẻ của Hãng thực hiện.
18 bộ phim mà phần lớn là những bài học gần gũi với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, với "cách kể truyền thống" nên chưa thể khẳng định được sự "đa phong cách" trong sáng tạo, nhưng có thể nhận thấy, ngôn ngữ hoạt hình giàu tưởng tượng đã được các đạo diễn, họa sĩ linh hoạt thể hiện.
Hai nữ đạo diễn trình làng phim đầu tay là Lý Thu Hà và Nguyễn Thị Măng với hai bộ phim Tiếng nhạc ve (kịch bản Phùng Quốc Thụy - đạo diễn Lý Thu Hà) và Cây sừng của hươu sao (kịch bản Phạm Thanh Hà - đạo diễn Nguyễn Thị Măng).
Tiếng nhạc ve với cách đặt vấn đề ngược lại câu chuyện ngụ ngôn về con ve, cái kiến; tiếng nhạc ve trong phim của Lý Thu Hà đã làm tươi mới đời sống tinh thần và đem lại niềm hứng khởi trong lao động của muôn loài.
Cây sừng của hươu sao là một bài học về tình tương thân tương ái, được thể hiện giản dị, giàu nữ tính.
Nữ đạo diễn Phương Hoa với Xe đạp và ô-tô (kịch bản Phạm Sông Ðông) và Chuyện những đôi giày (kịch bản Ngô Minh Nguyệt) đã thể hiện được dấu ấn sáng tạo riêng của chị ở loại phim mang tính triết lý. Nếu so với phim Bản nhạc của thỏ trắng cũng do chị đạo diễn dự thi LHP lần này thì hai bộ phim nói trên đã vượt trội về sự biểu đạt ý tưởng thông qua tạo hình, kết cấu nhân vật, âm nhạc và tiếng động.
Cũng được coi là phim mang tính triết lý, Cuộc sống (kịch bản Hồ Quảng) của đạo diễn Hà Bắc thể hiện khá sâu sắc cái nhìn về thế giới khách quan với sự tồn tại những quy luật của riêng nó. Chính vì vậy, có thể gọi Cuộc sống là phim hoạt hình dành cho người lớn.
Ðạo diễn Bảo Quang với phim Gậy ông đập lưng ông (kịch bản Lý Phương Dung) là một gam mầu khác. Phim có cốt truyện và nhân vật gần gũi, thân thiết với đời sống người nông dân. Ðó là những con bò, con lợn, con chuột mang nét đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ và một cuộc đua về tài trí lẫn sức lực giữa chúng khá hấp dẫn. Gậy ông đập lưng ông là một phim ngụ ngôn thú vị đúng như tên gọi của nó.
Hai bộ phim của đạo diễn Trọng Bình là Ðộc tấu (kịch bản Trần Ngọc Thanh) và Mực ống - Mực nang (kịch bản Bùi Hoài Thu) cùng ca ngợi tình bạn trong lao động, trong cuộc sống, song mỗi phim có sức hấp dẫn các em theo cách riêng. Ðộc tấu thiên về xây dựng tính cách các nhân vật còn Mực ống - Mực nang chú trọng đến hành động của nhân vật để đẩy tình huống kịch lên cao trào. Mực ống - Mực nang còn là phim lấy bối cảnh không gian đại dương, được các họa sĩ, đạo diễn thể hiện đạt hiệu quả cao, sắc mầu ấn tượng.
Trời sập và Coi trời bằng vung có thể gọi là hai tập của một bộ phim với nhân vật Sói - Thỏ. E rằng đã quá quen thuộc với mô típ hai nhân vật này trong phim Hãy đợi đấy của Nga, nhưng nếu xem phim, hẳn các em nhỏ cũng tìm được những nét riêng chấm phá của các nhân vật Sói - Thỏ Việt Nam mà nhà biên kịch Ðinh Tiếp và đạo diễn Nhân Lập đã tạo dựng.
Một bộ phim khác chỉ có thời lượng bảy phút nhưng đã chiếm được cảm tình của người xem bởi cách thể hiện khá độc đáo của nhóm họa sĩ đạo và diễn trẻ của Hãng phim Hoạt hình. Ðó là phim Con sâu (nhóm tác giả Hiếu Duyên). Cùng với cách tạo hình khá ấn tượng thì âm nhạc được sử dụng một cách đắc địa vào việc phục vụ ý tưởng của bộ phim.
Ngoài ra còn có thể kể đến những bộ phim khác như Ba chú khỉ con, Chiếc nôi trên vách đá (đạo diễn Phan Trung), Chiếc áo tàng hình, Chú Ðốm gác rừng (đạo diễn Trần Dương Phấn), Chú bé và thần đèn, Quả trứng lưu lạc (đạo diễn Lâm Chiến)... cũng là những bộ phim đánh dấu tay nghề của mỗi đạo diễn.
Có thể thấy, 18 bộ phim hoạt hình đã làm nên một bức tranh tổng quát nhiều sắc mầu, trong đó, ẩn - hiện chân dung mỗi nhà đạo diễn, mỗi họa sĩ hay cả một tập thể sáng tạo làm nên bộ phim. Ðã có những tác phẩm đạt chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật, nhưng cũng có thể nhận thấy thấp thoáng đâu đó bóng dáng của sự "lực bất tòng tâm" trong người làm nghề. Nhưng vẫn cần khẳng định tình yêu nghề nghiệp của những người nghệ sĩ đã nhiều năm cống hiến cho điện ảnh vì trẻ thơ và chúng ta hy vọng, tin cậy vào một lớp trẻ nhiều khả năng sáng tạo đang trưởng thành ngay tại Hãng phim này.
Phim nhựa-lần đầu tiên có sử dụng kỹ xảo
Phim "Trò đùa của thiên lôi". |
Nhìn vào danh sách các tác phẩm đăng ký dự LH phim Việt Nam lần thứ 14, có một điều khác với tất cả các LH phim trước đây là sự tham gia của hai bộ phim truyện nhựa sử dụng kỹ xảo, đó là Trò đùa của Thiên lôi (KB Ðỗ Trí Hùng, ÐD Nguyễn Quang, Hãng phim truyện I) và Hà Nội 12 ngày đêm (KB Thiên Phúc và các tác giả, ÐD Bùi Ðình Hạc, Hãng phim truyện Việt Nam). Tuy mới chỉ dừng ở con số ít ỏi trong gần vài chục phim truyện nhựa tham gia LH lần này, nhưng với máy móc trang thiết bị như hiện nay, sự góp mặt của các tác phẩm này là tín hiệu đáng mừng.
Trò đùa của Thiên lôi có khá nhiều cảnh mây vần vũ, sấm, chớp, sét, mưa giông, cây cháy... Nếu chỉ dựng cảnh rồi quay thông thường thì hiệu quả không cao do hiện tượng chỉ diễn ra "tích tắc", có khi chưa đầy một giây.
Sự tham gia của kỹ xảo giúp kéo dài cảnh quay này và tạo ấn tượng rõ nét hơn. Chẳng hạn, các cảnh ánh chớp đòi hỏi luồng sáng tỏa ra trên diện rộng nhưng quay trên hiện trường, ánh chớp do các tia lửa điện nhân tạo từ các cặp chì chỉ tạo thành một vòng ánh sáng nhỏ nên cảnh thật mà lên phim lại tạo cảm giác... không thật...
Ðặc biệt, bộ phim này phải thể hiện cảnh nhân vật chính rơi vào trạng thái mộng tưởng. Anh ta đứng trước gương và mặc sức tranh luận, cãi cọ với chính mình, rồi bất ngờ một bàn tay từ trong gương thò ra túm lấy anh... nên dùng kỹ xảo cũng tạo được những hiệu ứng đặc biệt. Cảnh này khó có thể tái tạo theo phương pháp quay thông thường nếu không có kỹ xảo.
Còn trong phim Hà Nội 12 ngày đêm , kỹ xảo tập trung ở các cảnh B52 Mỹ ném bom Hà Nội. Thông thường, với công nghệ làm phim hiện nay của ta, người xem chỉ chứng kiến trên màn ảnh kết quả của trận bom, còn ở phim này, đường đi của tên lửa, ném bom, cảnh từng loạt bom thả xuống Hà Nội liên tục và khủng khiếp ra sao... đều hiển hiện. Rồi phố phường Hà Nội một mầu xám ngoét dưới sức công phá của bom đạn... Ðặc biệt, do được làm âm thanh surround nên cùng với các hình ảnh, tiếng động đã góp phần làm tôn giá trị của các cảnh kỹ xảo này...
Ðược biết, việc làm kỹ xảo Hà Nội 12 ngày đêm do một trường điện ảnh của Australia đảm nhiệm. Còn Trò đùa của Thiên lôi hợp đồng với đơn vị làm dịch vụ quảng cáo là Công ty cổ phần sản xuất sản phẩm truyền thông các ý tưởng.
Các nhà làm phim Việt Nam đã theo quy trình làm kỹ xảo điện ảnh như sau: Các cảnh phim đã quay được chuyển sang "số hóa" để xử lý kỹ xảo, phải đối chiếu mầu sắc, ánh sáng, độ sâu và độ nét với các cảnh khác của bộ phim đã được dựng để cân chỉnh cho "khớp". Tiếp đó, bộ phận in tráng chuyển các cảnh kỹ xảo từ tín hiệu số sang chất liệu phim nhựa.
Còn với những gì được thể hiện ở Hà Nội 12 ngày đêm , có thể hình dung người ta không xử lý trực tiếp từ các cảnh thật thu được từ Việt Nam. Bên đơn vị làm kỹ xảo đã sáng tạo hầu như các hình ảnh mới. Nhưng dung lượng của chúng hơi đậm đặc so với các cảnh bắn phá trong phim và vì cảnh tạo ra không khớp "tông" với cảnh phim đã quay nên hiệu quả chưa được như mong muốn.
Rõ ràng, kỹ xảo trong các bộ phim nói trên là cần thiết, không phải sự lạm dụng công nghệ trong sản xuất tác phẩm điện ảnh. Nhưng, hiệu quả của chúng thì còn nhiều điều phải nói.
Dẫu tổng cộng thời lượng các cảnh kỹ xảo trong khoảng ba phút, nhưng các nhà làm kỹ xảo Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề: cảnh quay chưa "chuẩn" nhưng không có điều kiện để làm lại, máy quay hệ betacam, máy móc để chuyển hình ảnh phim sang kỹ thuật số chưa tân tiến, đồng bộ để hình ảnh có độ phân giải cao...
Ngoài ra, để có một cảnh kỹ xảo cần đến sự phối hợp của ba bên: Hãng phim, đơn vị làm kỹ xảo và bộ phận in tráng nên rất... lôi thôi.
Ở nước ngoài, quy trình này đều do một đơn vị đảm nhiệm với trang thiết bị đồng bộ, bảo đảm thông số kỹ thuật... Vì vậy, không ít người đã hồ nghi rằng, ở thời điểm này, không đâu trong nước có thể bảo đảm làm kỹ xảo phim nhựa đạt tiêu chuẩn mà đều phải cầu viện đến sự trợ giúp của nước ngoài!
Ðể thể hiện một cách chân thực và sinh động hình ảnh phim, điều mấu chốt tạo sức hấp dẫn cho các cảnh kỹ xảo là chúng phải được đặt trong một thể hài hòa, thống nhất với toàn bộ tác phẩm điện ảnh để thật sự có sức nặng trong việc chuyển tải giá trị nội dung và nghệ thuật của bộ phim.
Sự hài hòa không chỉ thể hiện ở liều lượng, hình ảnh, mầu sắc mà đôi khi ở chính ngay "không khí" của bộ phim, bởi nếu cảnh kỹ xảo đẹp quá, hiện đại quá, trong khi các cảnh phim rất đỗi bình thường, giản dị thì đã có sự "chênh".
Diễn viên Xuân Tùng trong phim Hà Nội 12 ngày đêm. |
Hai bộ phim này đều đoạt giải của Hội Ðiện ảnh Việt Nam trước khi đến với LH phim 14. Tuy giải thưởng không cao, nhưng cũng cho thấy sự ghi nhận của giới làm nghề với những nỗ lực của các nhà làm phim trong việc đưa điện ảnh Việt Nam tiếp cận với những công nghệ mới. Một mặt, kỹ xảo góp phần làm cho các cảnh phim ấn tượng hơn. Mặt khác, những người làm nghề cũng có dịp được trau dồi, rèn luyện về nghề và tiếp cận với trình độ điện ảnh tiên tiến của thế giới. Nếu không dám làm thì có lẽ phim nhựa có các cảnh quay bằng kỹ xảo mãi vẫn chỉ là chuyện để mà nói.
Tuy nhiên, các cảnh kỹ xảo rất tốn kém, nên cân nhắc đến hiệu quả của nó trong tổng thể bộ phim.