Nhà hát Tuồng Đào Tấn: bản lĩnh của một đơn vị nghệ thuật truyền thống

Cảnh trong tuồng Đào Tấn.
Cảnh trong tuồng Đào Tấn.

Vào những ngày cuối tháng 4-1952, dưới rừng dừa Bồng Sơn (Bình Ðịnh), trong một đêm im tiếng súng từ hai phía ta và địch, bỗng nổi lên rộn rã tiếng trống, tiếng kèn tuồng khiến đồng bào náo nức kéo tới vây quanh sân khấu để xem hát bội (tuồng). Ðó là đêm biểu diễn ra mắt đoàn tuồng Liên khu 5 (LK5), nơi tập hợp những tài năng hát bội từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên...

Trong mấy đêm liền các nghệ sĩ toàn liên khu đã diễn những vở Gương liệt nữ, Tam nữ đồ vương và Chị Ngộ, cả ba vở đều tập trung biểu dương, ca ngợi những tấm gương yêu nước cao cả của người phụ nữ Việt Nam anh hùng, đồng thời lên án bọn cướp nước và bọn bán nước. Cũng trong dịp này, Ðoàn còn diễn thêm cả vở tuồng hài Nghêu - Sò - Ốc - Hến nhằm đả kích bọn quan lại, hào lý, ô trọc chuyên ức hiếp dân lành.

Sau buổi diễn ra mắt, Ðoàn tiếp tục lên đường biểu diễn, hết đồng bằng đến miền núi để đáp ứng lòng hâm mộ của đồng bào và bộ đội trong thời kỳ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi vào giai đoạn phản công dồn dập.

Hòa bình lập lại, tháng 10-1954, Ðoàn tuồng LK5 tập kết ra bắc được mấy tháng, chưa kịp ổn định cuộc sống đã phải quay về miền nam biểu diễn phục vụ đồng bào trong 100 ngày chuyển quân, rồi một lần nữa lại xuống tàu ra bắc...

Trong những năm đầu ở Hà Nội, Ðoàn tuồng LK5 phát triển rất nhanh cả về đội ngũ và xây dựng tiết mục mới, trong đó phục hồi được hàng chục vở tuồng cổ và nhiều vở về đề tài lịch sử, đề tài hiện đại.

Với đội ngũ diễn viên tài năng và những vở diễn hấp dẫn, Ðoàn đã trở thành đơn vị nghệ thuật dân tộc mạnh trên miền bắc. Những nghệ sĩ bậc thầy của Ðoàn như Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Văn Phước Khôi, Mười Chương, Ðinh Quả, Võ Sĩ Thừa, Ðinh Bôi, Ngô Thị Liễu, Minh Ðức, Ðàm Liên, Kim Cúc, Minh Ngọc... đã làm nên những vở diễn đặc sắc và mẫu mực trong ngành tuồng và cũng chính những nghệ sĩ tài năng này đã đào tạo ra một đội ngũ diễn viên tài năng, cung cấp cho các địa phương có tuồng trên miền bắc và đưa về nam phục vụ công cuộc chống Mỹ, cứu nước.

Lịch sử sẽ không bao giờ quên được những nghệ sĩ tuồng LK5 đã bị Mỹ - ngụy bắt bỏ tù và tra tấn đủ nhục hình nhưng cuối cùng họ vẫn sống và trở lại với sân  khấu tuồng cách mạng, trong đó có Võ Sĩ Thừa, Kim Hùng, Trương Văn Trí, Lưu Hạnh, Nguyễn Cung Nghinh, Hải Liên...

Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, Ðoàn tuồng LK5 được trở về với khúc ruột miền trung, mảnh đất sinh ra mình, rồi sau đó dừng chân ở cái nôi tuồng Bình Ðịnh và trở thành nhà hát mang tên Ðào Tấn, vị hậu tổ của nghệ thuật tuồng. Cuộc hồi hương lịch sử này không phải tất cả đều thuận lợi đối với Nhà hát tuồng Ðào Tấn, khi trong những ngày đầu, một số nghệ sĩ cao niên ở đất Quảng đều quay trở về Ðà Nẵng và một số "ngôi sao" như Ðàm Liên, Kim Cúc, Minh Ngọc lại xin ra miền bắc vì hoàn cảnh gia đình. Sự hẫng hụt này không thể bù đắp được trong một sớm một chiều...

Nếu không có sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh Bình Ðịnh thì cũng khó mà vực dậy con chim đầu đàn của ngành tuồng cả nước. Một lực lượng nghệ nhân tên tuổi ngay trên đất Bình Ðịnh như Hoàng Chính, Tư Cá, Long Trọng, Ngọc Cầm, Lệ Suyền... được quy tụ về với Nhà hát tuồng Ðào Tấn. Họ không những lấp lỗ hổng trên sân khấu, mà còn phục hồi được nhiều vở tuồng cổ rất có giá trị và đào tạo ra một lớp diễn viên trẻ tài năng như: Phương Thảo, Xuân Hợi, Tuyết Mai, Văn Vỹ, Minh Ngọc, Thanh Sử, Lệ Quyên... Nhà hát tuồng Ðào Tấn đã dựng diễn được nhiều tiết mục mới, gây được tiếng vang như Sáng mãi niềm tin, Quang Trung đại phá quân Thanh, Sao Khuê trời Việt, Bùi Thị Xuân, Nàng Sơ-kun-tơ-la, Trời Nam, Cội nguồn, Mộng bá vương...

Hầu hết các cuộc liên hoan, hội diễn sân khấu toàn quốc, Nhà hát tuồng Ðào Tấn đều giành được giải cao, cả về vở diễn và diễn viên. Có vở được vinh dự diễn cho Ban Chấp hành T.Ư Ðảng xem như vở Quang Trung đại phá quân Thanh (riêng Thủ tướng Phạm Văn Ðồng còn về tận Bình Ðịnh xem vở tuồng này) và hơn thế nữa là Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng và đồng chí Tố Hữu đều trực tiếp góp ý kiến cho vở tuồng này để có thể quay thành phim, phục vụ rộng rãi người hâm mộ trong và ngoài nước.

Một thành tích nổi bật của Nhà hát tuồng Ðào Tấn là phục hồi được một số vở tuồng hay của Ðào Tấn và một số vở tuồng nổi tiếng khác như Tam hạ nam đường, Giang tả cầu hôn, Ngũ hổ, Phạm Công - Cúc Hoa, Ðông Lộ Ðịch. Nhà hát còn làm được công trình nghiên cứu âm nhạc tuồng do các nhạc sĩ Ðào Duy Kiền, Nguyễn Gia Thiện thực hiện, đồng thời, phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tổ chức một số hội nghị, hội thảo về tuồng Ðào Tấn.

Tuy vậy, những gì mà Nhà hát khai thác được còn chưa tương xứng với tiềm năng di sản hiện có trên đất Bình Ðịnh, nhất là di sản tuồng Ðào Tấn, trong khi đó Nhà hát lại đầu tư quá nhiều công sức cho việc xây dựng tiết mục mới, mà muốn "làm mới" thì phải mời tác giả mới, đạo diễn mới, những người chưa hiểu mấy về đặc trưng tuồng, do vậy kết quả chỉ là "phá tuồng" hơn là xây dựng tuồng đúng nghĩa của nó!

Ðề cập tới vấn đề này không thể không nhắc tới cây đại thụ tuồng Tống Phước Phổ, nhà sáng tác tuồng chuyên nghiệp cho Ðoàn tuồng LK5 - Nhà hát tuồng Ðào Tấn ngót  40 năm. Từ ngày ông mất đi thì ngành tuồng chủ yếu dựng những kịch bản kịch nói được chuyển thể sang tuồng, mà chuyển thể kịch sang tuồng là cách làm khiên cưỡng, sai quy tắc sáng tác tuồng. Nếu cứ như vậy thì nghệ thuật tuồng cổ điển và bác học sẽ bị hiện đại hóa, tầm thường hóa, mất dần đặc trưng và bản sắc, biến tuồng thành loại hình sân khấu mới, mà các nhà nghiên cứu gọi là "kịch nói đâm bài ca"!

Kịch Noh của Nhật Bản đã trải qua sáu, bảy trăm năm mà vẫn giữ được phong cách và bản sắc cổ điển, vì vậy mà được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại. Nếu tuồng không được bảo tồn đầy đủ thì trong tương lai không xa sẽ biến mất. Ðể xứng danh nhà hát tuồng mang tên Ðào Tấn thì phải giữ cho được truyền thống tuồng LK5 và nhất thiết phải theo phong cách tuồng Ðào Tấn, từ sáng tác đến biểu diễn và âm nhạc, v.v...

Trong khi hoạt động sân khấu của cả nước đang gặp nhiều khó khăn, nhất là sự thưa vắng khán giả, các loại hình nghệ thuật hiện đại chiếm ưu thế đòi hỏi Nhà hát tuồng Ðào Tấn phải giữ vững truyền thống 55 năm hoạt động, giữ vững bản lĩnh của mình. Nhà hát phải không ngừng năng động sáng tạo tìm mọi biện pháp vượt qua thách thức, khó khăn nhằm bảo tồn và phát huy có hiệu quả vốn nghệ thuật quý giá của cha ông. Cũng mong rằng Bộ Văn hóa - Thông tin và tỉnh Bình Ðịnh quan tâm hơn nữa để Nhà hát không ngừng phát triển.