Hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Thăng Long tứ trấn

Trấn Ðông chính là Ðền Bạch Mã, thờ thần Tô Lịch, Thành hoàng của đất Long Ðỗ (Rốn rồng). Tô Lịch là một nhân vật có thật, được pha thêm màu huyền thoại. Khi sống, ông là người có công lớn trong việc khai khẩn, dạy dân bách nghệ, chung sống đoàn kết. Khi mất, ông hiển linh giúp xây thành Ðại La vào thế kỷ thứ 9. Ðến khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, mấy lượt xây thành đều bị đổ. Vào đền cầu xin, được điềm báo: ngựa trắng xuất hiện, đi một vòng từ đông sang tây. Vua theo vết chân ngựa xây thành, quả nhiên được.

Vua Lý do đó cho tu tạo đền, gọi đó là Bạch Mã linh từ, phong thần cho Tô Lịch là Quốc đô định bang Thành hoàng đại vương.

Ðền xưa nằm ở Hà Khẩu, tức cửa sông Tô Lịch thông ra sông Hồng, nay là số 76 phố Hàng Buồm. Ðặc sắc kiến trúc của đền là có mái vòm hình mai cua. Theo các nhà văn hóa học thì, ngựa trắng là biểu tượng của mặt trời. Tên Bạch Mã có ở nhiều nơi, như đền Bạch Mã ở Thanh Chương, Nghệ An; núi Bạch Mã ở Thừa Thiên - Huế - Ðà Nẵng...

Trấn Tây là đền Voi Phục, thờ hoàng tử Hoàng Chân, con trai thứ tư vua Lý Thái Tông và bà phi thứ chín của ông quê ở Ðan Phượng.

Ông sinh ở Thủ Lệ. Năm 1072, ông cùng hoàng tử Chiêu Văn, tướng quân Lý Thường Kiệt, Tôn Ðản, đánh vào những cơ sở chiến lược của giặc Tống, lập nhiều công to.

Năm 1077, ông tử trận một cách oai hùng trên sông Như Nguyệt. Ðược phép của nhà vua, nhân dân 269 trang ấp trong cả nước làm đền miếu thờ ông, đền chính ở Thủ Lệ. Lễ tế và hội mở vào ngày 10-2 âm lịch hằng năm, kỷ niệm ngày mất của ông. Ông được phong là Linh Lang đại vương Thượng đẳng Phúc thần.

Trấn Nam là đền Kim Liên ở làng Kim Liên, nay ở phố Xã Ðàn, phường Phương Liên, quận Ðống Ða. Theo văn bia, thì đền Kim Liên thờ Cao Sơn đại vương, tức Lạc tướng Vũ Lâm, con trai thứ 17 của Lạc Long Quân - Âu Cơ, đã giúp anh là Hùng Vương thứ nhất xây dựng cơ nghiệp. Trong các chuyến tuần thú, ông đã đánh dẹp giặc cướp, trừ hại thú dữ cho dân. Ông còn tìm ra cây quang lang (búng báng) có bột có thể làm bánh như bột gạo. Ông từng hiển linh giúp vua Lê Tương Dực đánh dẹp Lê Uy Mục. Làng Kim Liên xưa là làng Kim Hoa, đến thời Nguyễn đổi là Kim Liên vì kiêng tên mẹ vua Thiệu Trị Hồ Thị Hoa.

Trấn Bắc là đền Quán Thánh, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, một vị thiên tướng, chủ sao Bắc Ðẩu, còn gọi là Bắc Ðẩu tinh quân, một ngôi sao theo quan niệm xưa không di dời, luôn tỏa sáng ở phương bắc, định hướng cho mọi người trong khi các sao khác đều vận động. Trấn Vũ còn có tên gọi khác là Chân Vũ. Vì Huyền Thiên cai quản thủy tộc nên theo hầu có Quy (Rùa), Xà (Rắn) và Ngũ Long (năm Rồng). Ðiều đó được thể hiện trong bức tượng đồng đặc sắc do nhân dân Ngũ Xã đúc dựng từ thời Lê, nặng 4 tấn, cao 3,95 m.

Xem lịch sử như vậy, thì tứ trấn Thăng Long không phải được xây dựng cùng một lúc. Quan niệm này dần dần hình thành trong quá trình dựng nước, giữ nước lâu dài của dân tộc. Ðằng sau những huyền tích, huyền thoại là tinh thần khẳng định độc lập chủ quyền thành đô, dân tộc và quyết tâm bảo vệ chủ quyền ấy, không để ai xâm phạm. Nó phù hợp với bài thơ thần Nam quốc sơn hà được đọc ở đền Trương Hống, Trương Hát. Những người được thờ, cái được tôn thờ là sức mạnh của lương thần, của tinh thần vì dân, vì nước.

Xét về mặt văn hóa, từ sâu xa, từ rất lâu đời, thì đền Thủ Lệ xưa vốn thờ sông nước; Ðền Kim Liên thờ núi non, mang tính văn hóa bản địa, thể hiện nguồn gốc dân tộc, văn minh nông nghiệp, ngư nghiệp ở phương nam.

Ðền Bạch Mã thờ ngựa trắng tức Thần Mặt trời theo quan niệm của người Ấn Ðộ. Ðền Quán Thánh thờ sao Bắc Ðẩu, ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Ðiều đó chứng tỏ giao lưu văn hóa đã diễn ra mạnh mẽ ở nước ta từ thời tiền Lý và cha ông ta đã biết lựa chọn những nét tinh hoa của thế giới để làm giàu cho văn hóa nước nhà.

Thăng Long tứ trấn, trong ý thức giữ gìn của nhân dân, trong sự linh thiêng của chúng, đã trường tồn cùng lịch sử, được tôn tạo, phát huy tác dụng qua nhiều triều đại.

Gần đây, do chiến tranh kéo dài, do chưa ý thức hết về giá trị của những di sản văn hóa, vai trò của yếu tố tinh thần trong đời sống, nên nhiều di tích bị lãng quên, xâm lấn.

Cùng với kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ý thức về "tứ trấn" và các di sản khác cần phải đặt ở tầm xứng đáng hơn.

Xây dựng những công trình mới, mà không nghiên cứu kỹ, tốn tiền là chắc chắn, nhưng thổi hồn vào nó, làm cho nó trường tồn không phải dễ dàng gì.

NGUYỄN HOÀNG