Những chặng đường điện ảnh cách mạng Việt Nam

Ngày 15-3-1953 tại Ðồi Cọ, bản Bắc, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 147/SL thành lập Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam. Qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, điện ảnh của cách mạng Việt Nam đã từng bước phát triển, đóng góp vào công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, điện ảnh nước ta đang đổi mới và hội nhập thế giới.TRƯỚC đó, nhóm điện ảnh Khu 8, Khu 7 ở Nam Bộ đã cho ra đời những bộ phim thời sự tài liệu đầu tiên như Trận Mộc Hóa (năm 1948), Chiến dịch Bến Tre, Chiến dịch Trà Vinh, Chiến dịch La Ban-Cầu Kè (1950), Chiến dịch Bến Cát, Trận Bùng Binh, Trận Trảng Bàng, Trận Trảng Bom, v.v. Ðây là những tiền đề rất quý của nền điện ảnh cách mạng. Sau khi có Sắc lệnh 147/SL, các hoạt động điện ảnh trở nên hết sức năng động, đặc biệt là ở khu vực phổ biến phim. Những đội chiếu phim lưu động mang phim của các nước xã hội chủ nghĩa, phim tài liệu, thời sự sản xuất trong nước đi phục vụ bộ đội, nhân dân ở khắp các mặt trận, ở các vùng tự do.

Trong khu vực sản xuất phim, các nhà điện ảnh đã sử dụng máy quay phim 16 mm, tự chế tạo ra  máy in tráng, phục vụ cho nhu cầu sáng tạo của bộ môn nghệ thuật mới mẻ. Vào cuối những năm 1950, các cơ quan điện ảnh được thành lập như Cục Ðiện ảnh, Báo Ðiện ảnh Việt Nam, Trường Ðiện ảnh Việt Nam, Xưởng phim Việt Nam (sau này tách ra thành các xưởng phim Truyện, Thời sự tài liệu, Hoạt hình), tạo nên một hệ thống sản xuất và phổ biến phim từ trung ương đến địa phương trong cả nước.

Năm 1959, bộ phim truyện Việt Nam đầu tiên Chung một dòng sông đã ra đời, gây tiếng vang rất lớn thời điểm ấy. Với chủ đề đấu tranh thống nhất đất nước, thông qua tình yêu đắm say của Vận, chàng trai bên bờ bắc và Hoài, cô gái bên bờ nam của dòng sông Bến Hải, nơi được lấy làm giới tuyến tạm thời chia cắt hai miền nam - bắc lúc bấy giờ, bộ phim đã lay động sâu sắc tình cảm của đông đảo khán giả. Sau thành công của Chung một dòng sông, một loạt phim về đề tài cách mạng và kháng chiến chống Pháp, đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc được sản xuất, trong đó có nhiều bộ phim khá thành công như: Chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Kim Ðồng, Lửa trung tuyến, Cù Chính Lan, Khôn dại, v.v. Trong lĩnh vực phim tài liệu và phim hoạt hình cũng có nhiều tác phẩm xuất sắc như: Nước về Bắc Hưng Hải, Cây tre Việt Nam, Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi, Giữ làng giữ nước, Việt Nam trên đường thắng lợi, Ðáng đời thằng cáo, Binh ong, Cây đa chú Cuội, v.v. Như vậy, chỉ trong vòng năm đến sáu năm, điện ảnh Việt Nam có thể sản xuất được tất cả các thể loại phim, đã có những phim đi vào lịch sử điện ảnh dân tộc như tác phẩm điện ảnh kinh điển mà ngày nay các nhà làm sử điện ảnh gọi là thời kỳ đầu của điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền bắc bằng không quân và hải quân. Cả nước đều trong điều kiện chiến tranh. Thực hiện khẩu hiệu "tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" trong ngành điện ảnh xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất phim mới như Ðiện ảnh giao thông vận tải, Ðiện ảnh Hà Nội, Ðiện ảnh Hải Phòng, Ðiện ảnh Công an nhân dân vũ trang, v.v. và vẫn duy trì sản xuất phim truyện. Ở miền nam, Ðiện ảnh Giải Phóng, Ðiện ảnh Quân giải phóng, Ðiện ảnh khu 5... hoạt động rất tích cực. Thời kỳ này nhiều bộ phim xuất sắc đã ra đời như: Nổi gió, Ðường về quê mẹ, Chuyện vợ chồng anh Lực, Người về đồng cói, Bài ca ra trận, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Tiền tuyến gọi... (phim truyện); Ðầu sóng ngọn gió, Lũy thép Vĩnh Linh, Những người săn thú trên núi Ðắc Sao, Những người dân quê tôi... (phim tài liệu - thời sự); Con khỉ lạc loài, Chuyện ông Gióng, Khăm phạ - Nàng Ngà (phim hoạt hình), v.v...

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các văn nghệ sĩ ngành điện ảnh ở miền bắc đã được biên chế thành những đoàn làm phim xung kích bám sát các đoàn quân ở khắp các mặt trận và tiến vào giải phóng Sài Gòn. Họ là những người làm văn nghệ có mặt sớm nhất trong những cánh quân chiếm giữ dinh Ðộc Lập vào ngày 30-4-1975, thực hiện nhiều bộ phim có giá trị như Thành phố lúc rạng đông, Ðường tới thành phố, Những bước đường thắng lợi, Sài Gòn tháng 5-1975, Qua cầu Công Lý, Sài Gòn vui chiến thắng, v.v. Trong 15 năm (từ 1960 đến 1975) gần 300 cán bộ, nghệ sĩ điện ảnh đã hy sinh trên khắp các nẻo đường của đất nước, trên mọi trận tuyến đánh quân thù để làm phim và phục vụ đồng bào, chiến sĩ cả nước. Hai người được phong Anh hùng Lao động.

Ðất nước thống nhất, một bộ phận khá đông các văn nghệ sĩ điện ảnh vào miền nam cùng các đồng nghiệp của mình xây dựng các cơ sở điện ảnh ở phía nam và xây dựng cơ cấu của một nền điện ảnh thống nhất từ nam ra bắc. Nhiều hãng sản xuất phim mới ra đời, nhiều tài năng trẻ xuất hiện cùng các thế hệ đàn anh làm nên diện mạo đa dạng phong phú của điện ảnh Việt Nam thời hậu chiến và đổi mới. Ðây là thời kỳ mà cả hai miền đều có những bộ phim xuất sắc như:  Cánh đồng hoang, Sao Tháng Tám, Những người đã gặp, Bao giờ cho đến tháng mười, Xa và gần, Mẹ vắng nhà, Mối tình đầu, Về nơi gió cát, Hy vọng cuối cùng, Anh và em, Thị trấn yên tĩnh, Thằng Bờm, Ngọn đèn trong mơ, Chuyện cổ tích cho tuổi 17, v.v.

Có thể nói, thời kỳ thống nhất đất nước và bắt đầu đổi mới là những năm có nhiều thành tựu nhất trong lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam. Các cơ sở điện ảnh hoạt động có hiệu quả cả ở khu vực sản xuất và cả ở khu vực phổ biến phim. Có những năm điện ảnh đã sản xuất gần 30 bộ phim truyện nhựa, hàng trăm bộ phim thời sự, tài liệu và khoa học, hàng chục bộ phim hoạt hình, thu hút đến 350 triệu lượt khán giả như các năm 1984, 1985, 1986.

Những năm bản lề thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, điện ảnh gặp nhiều khó khăn khi bước vào cơ chế thị trường. Tuy nhiên trong điều kiện như vậy, nhiều thành phần kinh tế tập thể và tư nhân tham gia làm phim tạo nên một không khí sáng tác khá sôi nổi. Ðây có thể coi là bước tập dượt để hình thành các nhà sản xuất phim và phổ biến phim của các hãng phim tư nhân sau này. Mặc dù đến nay vẫn còn những ý kiến khác nhau đối với phim tư nhân của những năm 1989-1994 nhưng không thể phủ nhận là dòng phim đó đã góp phần giữ được sản xuất và phần nào cuốn hút khán giả trong khi phim đen, phim lậu tràn ngập thị trường. Và cũng từ dòng phim này, những nhà làm phim tư nhân đã đúc rút được những kinh nghiệm quý giá từ thực tiễn đầy sinh động và khắc nghiệt. Ðó là muốn tồn tại, muốn chiếm giữ được sự tin yêu của khán giả thì phải làm phim có chất lượng và mang tính chuyên nghiệp.

Vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Nhà nước ta có chương trình chấn hưng nền điện ảnh dân tộc. Nghị định 48/CP của Chính phủ được ban hành tháng 7-1995 là cơ sở pháp lý, là điều kiện cần thiết để xây dựng và phát triển một nền điện ảnh vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính hiện đại. Nhờ có nghị định này, các đơn vị điện ảnh nhà nước như được tiếp sinh khí mới. Sản xuất được duy trì, nhiều bộ phim tốt được xuất hiện cùng với các tên tuổi mới bên cạnh các thế hệ nghệ sĩ đã thành danh trước đây. Có thể kể đến các bộ phim như: Người yêu đi lấy chồng, Lưỡi dao, Thương nhớ đồng quê, Bến không chồng, Ðời cát, Hoa của trời, Lưới trời, Trở lại Ngư Thủy, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai, Chị Năm "khùng", Chốn quê, Cao nguyên đá, Nơi chiến tranh đã đi qua, Xe đạp, v.v.

Từ khi Nhà nước cho phép thành lập các hãng phim tư nhân, lực lượng này đã có những đóng góp tích cực trong việc tăng số lượng sản xuất phim và đa dạng hóa thị trường điện ảnh, trong đó có những phim vừa thu hút đông đảo khán giả vừa có giá trị nghệ thuật và đã đoạt được các giải thưởng quốc gia và quốc tế như: Áo lụa Hà Ðông, Dòng máu anh hùng, Sài Gòn nhật thực, v.v.

Ngày 29-6-2006, Quốc hội đã thông qua Luật Ðiện ảnh. Ðây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất đồng thời cũng là những chính sách lớn của Ðảng và Nhà nước tạo điều kiện cho sự phát triển của nền điện ảnh dân tộc trong thời kỳ mới. Trước đây trong điều kiện vô cùng khó khăn thiếu thốn của chiến tranh, các thế hệ điện ảnh Việt Nam đã không quản ngại hy sinh, không ngừng sáng tạo để làm ra hàng nghìn bộ phim, phản ánh chân thực hào hùng công cuộc bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc ta. Ngày nay, với truyền thống 55 năm, với những tri thức mới, với hiện thực mới đầy thuyết phục và những điều kiện cơ sở vật chất ngày càng đầy đủ hơn, những người hoạt động điện ảnh đang tập trung mọi nỗ lực để xây dựng nền điện ảnh Việt Nam theo hướng đổi mới và hội nhập.

NSƯT, Ðạo diễn
LẠI VĂN SINH
Cục trưởng Ðiện ảnh