Nửa thế kỷ Nhà hát tuồng trung ương

Nhớ lại, cũng những ngày mùa thu tháng 9 cách đây 50 năm, người có sáng kiến thành lập Ðoàn tuồng bắc là Giáo sư Hoàng Châu Ký, lúc đó phụ trách Ban nghiên cứu tuồng. Ông cử đạo diễn Ðình Phong lên Thái Nguyên mời vợ chồng hai nghệ sĩ Bạch Trà và Quang Tốn về Hà Nội để bàn việc phục hồi nghệ thuật tuồng bắc, và sau đó họ rong ruổi khắp nơi kiếm tìm, mời mọc những nghệ nhân tuồng đang sống khắp mọi nơi, tập hợp về Hà Nội để thành lập Ðoàn nghệ thuật tuồng bắc, tiền thân Nhà hát tuồng T.Ư hiện nay. Sở dĩ từ trước năm 1959, trên miền bắc không có một đơn vị tuồng chuyên nghiệp nào là vì chiến tranh, đa số nghệ nhân tuồng phải làm nghề khác, hoặc tham gia hoạt động tuồng nghiệp dư. Cũng chính những nghệ nhân có nghề ở các làng xã ấy, khi được hội tụ về Ðoàn tuồng bắc đã tích cực phục hồi vốn cổ và xây dựng được nhiều tiết mục mới có giá trị như: Má Tám, An Tư công chúa, Ðề Thám, Bùi Thị Xuân, Suối đất hoa...

Ðể tập trung lực lượng khai thác vốn cổ, bảo tồn và phát triển tuồng có tính toàn quốc, Bộ Văn hóa chủ trương sáp nhập Ðoàn tuồng Liên khu 5 và Ðoàn tuồng bắc thành Nhà hát tuồng Việt Nam. Những nghệ sĩ tuồng nổi tiếng: Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu, Mười Chương, Minh Ðức, Ðinh Quá, Võ Sĩ Thừa, Bạch Trà, Quang Tốn, Ðắc Nhã, Ba Tuyên... đã hội tụ về đây và cũng từ đây sự cách biệt về nghệ thuật giữa hai dòng tuồng bắc và nam được rút ngắn lại, những nhược điểm trong mỗi dòng tuồng như hát mé, bộ tàu (tuồng bắc), hát quá, hát thét (tuồng Liên khu 5) dần được khắc phục. Dĩ nhiên phong cách biểu diễn của mỗi dòng tuồng vẫn được tôn trọng và phát huy đúng mức. Và cũng chính vì sự bảo tồn phong cách biểu diễn của mỗi dòng tuồng, dĩ nhiên còn vì sự gọn nhẹ trong thời chiến tranh, mà sau đó Bộ Văn hóa lại tách hai đoàn tuồng (bắc và Liên khu 5) ra thành  hai đoàn hoạt động độc lập. Có thể nói thời kỳ những năm 60, 70 của thế kỷ 20 là thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật tuồng, thời kỳ mà người xem từ thành thị đến nông thôn, từ người già cho đến tuổi thanh thiếu niên đều xếp hàng mua vé xem tuồng. Ðây cũng là thời kỳ những ngôi sao sân khấu tuồng xuất hiện như Ðàm Liên, Kim Cúc, Minh Ngọc... (tuồng Liên khu 5), Tiến Thọ, Mẫn Thu, Hoàng Khiêm (tuồng bắc), v.v.

Sau ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), Ðoàn tuồng Liên khu 5 trở về Nam Trung Bộ phục vụ đồng bào thì một bộ phận diễn viên và nhạc công giỏi nghề được điều ra Hà Nội để sau đó hình thành Ðoàn tuồng thể nghiệm, nằm cạnh Viện Nghiên cứu sân khấu Việt Nam do tôi phụ trách, nhưng chỉ hoạt động được vài năm thì Bộ Văn hóa lại cho sáp nhập vào Ðoàn tuồng bắc, trở thành Nhà hát tuồng Trung ương với hai phong cách nghệ thuật (Tuồng bắc và tuồng Liên khu 5) song song tồn tại. Cũng từ đây Nhà hát tuồng Trung ương là đơn vị nghệ thuật tuồng chuyên nghiệp mạnh vào bậc nhất trên miền bắc. Bên cạnh một đội ngũ diễn viên trẻ tài năng còn có những đạo diễn sung sức, được đào tạo ở nước ngoài về như Ngọc Phương, Ðoàn Anh Thắng, Tạ Tạo cùng với các họa sĩ Nguyễn Hồng, Lê Huy Quang, nhạc sĩ Nguyễn Viết hợp lực sáng tạo ra hàng loạt vở diễn mới với hình thức mới, trong đó nhiều nhất là những vở về đề tài hiện đại và nước ngoài. Dĩ nhiên, nghệ thuật tuồng truyền thống mà thể hiện đề tài hiện đại và đề tài nước ngoài (chủ yếu là kịch châu Âu) thì khó mà tránh được "Tuồng kịch", tức là chất tuồng thì ít mà chất kịch thì nhiều. Vì thế mà không thể coi đây là sự phát triển, là thành tựu, mà ngược lại, đây là một bước lùi, để từ đó nhận ra con đường đi đúng hướng hơn là quay lại với truyền thống, đứng trên cái nền truyền thống mà sáng tạo ra những giá trị mới. Hàng loạt những vở tuồng lịch sử ra đời cùng với những vở tuồng cổ nổi tiếng, được phục hồi, tạo cho Nhà hát tuồng Trung ương một uy tín mới, một thương hiệu mới.

Trong lịch sử nghệ thuật sân khấu đi biểu diễn hữu nghị nước ngoài chưa có đoàn nào đi đông người, đi dài ngày, đi nhiều nước và gây ảnh hưởng lớn như đoàn Nhà hát tuồng Trung ương vào cuối năm 1981. Lần đầu "mang chuông đi đánh nước người" nên Bộ Văn hóa đã quan tâm đầu tư và chuẩn bị rất chu đáo. Riêng tôi, với tư cách là phó đoàn, vừa phụ trách nội bộ, vừa quan hệ đối ngoại nên vô cùng vất vả, nhưng cũng thật vui vì được đi làm nhiệm vụ giới thiệu nghệ thuật tuồng với khán giả châu Âu. Việc chọn tiết mục và luyện tập tiết mục hết sức công phu, vì thế mà hiệu quả rất cao. Tôi nhớ những tiết mục được khán giả châu Âu vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt hầu hết là tuồng truyền thống như: Ngũ biến (Mẫn Thu và Hoàng Khiêm diễn), Châu Xáng qua sông (Kim Kê và Xuân Yừn diễn), Mạnh Lương bắt ngựa (Minh Ngọc và Xuân Thành diễn), Tiết Giao đoạt ngọc (Tiến Thọ và Mẫn Thu diễn), Ông già cõng vợ đi xem hội (Ðàm Liên - Quang Hải diễn), Trưng Vương đề cờ khởi nghĩa, tiết mục kết thúc các buổi diễn (Ðàm Liên - Kim Cúc cùng tập thể nghệ sĩ diễn). Và đặc biệt tiết mục Ðộc tấu trống tuồng (Hữu Dũng biểu diễn cùng dàn nhạc tuồng phụ họa) đã gây ấn tượng rất mạnh trên sân khấu. Mỗi thành phố có hàng chục buổi diễn và tọa đàm với các nhà học thuật của nước bạn. Qua đó cho ta thấy rằng, nghệ thuật tuồng muốn quảng bá ra nước ngoài, muốn chinh phục được khán giả, phải diễn thật hay (trong diễn có hát) phải ít lời, nhiều động tác cách điệu và võ thuật dân tộc. Mỗi tiết mục dù là trích đoạn, là một trò diễn hoàn chỉnh từ nội dung đến hình thức phải mang ý nghĩa tư tưởng và tính triết luận sâu xa, thí dụ như tuồng Hồ nguyệt cô hóa cáo. Khán giả châu Âu xem tuồng mà hiểu được là thông qua ngôn ngữ, động tác cùng với âm nhạc và lời ca gần giống Ô-pê-ra. Ðiều này nó gợi cho chúng ta suy nghĩ, khi sáng tác và dàn dựng những tiết mục mới nên tránh những lời thoại dài dòng và dàn những lớp đông người hoành tránh theo hình thức tả thực gần kịch nói. Toàn bộ trang trí của chương trình biểu diễn ở Ðông Âu là những tấm mành mành dệt bằng cây cọ có vẽ tượng trưng cảnh Việt Nam mà vẫn gây ấn tượng rất mạnh cho người xem. Tôi nghĩ rằng, nên chăng, nhân kỷ niệm 50 năm, Nhà hát Tuồng Trung ương cần phục hồi và diễn lại chương trình biểu diễn ở nước ngoài cuối năm 1981, chắc chắn sẽ được người xem hoan nghênh, bởi đây là một chương trình nghệ thuật mang tính kinh điển, nó đã được sàng lọc và được thử thách rất nhiều trên sân khấu trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, trong chương trình kịch mục của Nhà hát tuồng Trung ương còn rất nhiều vở hay được dựng diễn công phu như Ðề Thám, Mỵ Châu - Trọng Thủy, An Tư Công Chúa, Ðô đốc Bùi Thị Xuân... (lịch sử), Má Tám, Suối đất hoa, Không còn con đường nào khác... (tuồng hiện đại) và những vở truyền thống khác đã được thử nghiệm và thử thách trước đông đảo công chúng khắp bắc - trung - nam. Sự chinh phục, lôi cuốn, hấp dẫn người xem trước hết là nội dung tốt, biểu diễn hay. Người diễn viên tuồng thời kỳ này hầu hết đều điêu luyện nghề nghiệp, bước ra sân khấu thì diễn hết mình, "thổ tận can tràng" nên vai tuồng bao giờ cũng chân thực, sống động và lôi cuốn người xem. Tôi luôn thấy tự hào vì đã được nhiều năm công tác ở Ðoàn tuồng Liên khu 5 và ở Nhà hát Tuồng Trung ương như được sống trong cái "lò tuồng" nên đã học được rất nhiều về nghề nghiệp để từ đây vận dụng có hiệu quả trong việc dựng vở cũng như trong nghiên cứu và giảng dạy. Quyển Nghệ thuật tuồng bắc tôi khởi thảo từ năm 1980 đến năm 2000 mới hoàn thành và đã xuất bản chào mừng 40 năm Nhà hát tuồng Trung ương. Ðây là món nợ tinh thần mà tôi mới trả được một phần vì còn biết bao công việc phải làm, phải góp phần xây dựng một nhà hát tuồng quốc gia điển hình và mẫu mực.

KỶ niệm 50 năm thành lập Nhà hát tuồng Trung ương, tôi nghĩ không thể không tổng kết học thuật một chặng đường dài nửa thế kỷ của nhiều thế hệ nghệ sĩ, tiếp nối sáng tạo. Ðây là một việc làm vô cùng cần thiết mà một bài báo ngắn chưa thể nói hết về cả chặng đường lịch sử nghệ thuật dài 50 năm của nhà hát.

GS HOÀNG CHƯƠNG