Ðộc đáo nhạc cụ dân tộc

Mỗi nhạc cụ dân tộc đều có đặc tính riêng, đòi hỏi người biểu diễn phải khổ công luyện tập, đạt tới trình độ điêu luyện và cao hơn nữa là phải thể hiện phần hồn của nó. Cây đàn bầu đem đến tiếng lòng trầm bổng như một lời tâm sự. Tiếng sáo trúc vút lên như trải rộng cánh đồng mênh mông trước mặt,  tiếng đàn đáy mở ra không gian trữ tình huyền ảo. Ngay như tiếng phách trong ca trù cũng trở thành giọng hát thứ hai... Nước ta có rất nhiều cơ sở dạy nhạc cụ dân tộc, trong đó có những trung tâm lớn  như Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, Học viện Âm nhạc Huế. Ðã xuất hiện rất nhiều nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc nổi tiếng như các NSND: Vũ Tuấn Ðức, Ðặng Xuân Khải, Ðỗ Lộc, Phương Bảo, Mai Phương, Xuân Hoạch, NSƯT Hồng Thái, Thế Dân, Tiến Vượng, Hồng Phúc, Lê Phổ, Mai Lai, Thanh Hằng, Quang Vinh, Hòa Bình, Huỳnh Tú, Kim Anh, các Nhà giáo Ưu tú Bích Vượng, Ðinh Thị Nội... Các nghệ sĩ đã làm sống dậy các nhạc cụ dân tộc, lột tả tất cả vẻ đẹp âm thanh của nó, tạo nên bản sắc độc đáo của âm nhạc Việt Nam. Nhiều người đã gắn bó cả đời mình với  một nhạc cụ, vừa biểu diễn vừa tìm hiểu, nghiên cứu và sáng tạo. Cố nghệ sĩ thổi sáo Ðinh Thìn thể hiện rất điệu nghệ sáo Mông, lại sáng tạo ra rất nhiều loại sáo, trong đó có sáo mười lỗ, NSND Ðỗ Lộc say mê tìm hiểu cây đàn đá và các loại nhạc cụ của đồng bào Tây Nguyên, nhạc sĩ Mác Tuyên sáng tạo những cây lạc cầm có tính năng của nhiều nhạc cụ dân tộc... Ngay cả những Việt kiều ở xa Tổ quốc  cũng rất tâm huyết nghiên cứu âm nhạc dân tộc như GS Trần Văn Khê ở Pháp và GS Nguyễn Thuyết Phong ở Mỹ. Muốn có nghệ sĩ tài năng phải đầu tư đào tạo, phát hiện  và trọng dụng nhân tài. Khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam hiện đang dạy theo chương trình sáu  năm trung cấp, bốn năm đại học. Ðặc trưng của việc dạy nhạc cụ truyền thống là "truyền ngón, truyền nghề" thông qua nghệ nhân. Cho dù theo cách dạy chính quy mới, bên cạnh học chữ nhạc bằng "Hò xừ xang" có thêm ký xướng âm "năm dòng kẻ" thì cũng không thể bỏ qua đặc trưng của nhạc cụ dân tộc, có nghĩa là phải có nghệ nhân tham gia dạy phong cách và ngón đàn theo kiểu truyền nghề. Như vậy luôn luôn cần có những lớp nghệ sĩ tài năng kế tiếp nhau liên tục, để lúc nào cũng có những người truyền nghề và có thầy giỏi mới có trò giỏi. Khoa Nhạc cụ truyền thống đã đưa vào các chương trình giảng dạy chính khóa các môn học hát phong cách ba miền, với sự cộng tác giảng dạy của các nghệ nhân, nghệ sĩ nổi tiếng vừa dạy hát chèo, ca Huế, cải lương vừa hòa tấu nhạc cụ. Nhiều học sinh đã đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia  về nhạc cụ truyền thống như: Cồ Huy Hùng, giải nhất đàn nguyệt, Hoài Anh, Hoài Phương, giải nhất đàn  bầu, Hoàng Anh giải nhất sáo trúc, Vân Ánh, Thanh Thủy, Việt Hồng giải nhất đàn tranh, Quang Dũng, Thành Nhân giải nhất đàn nhị. NSND, thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa nói: "Di sản âm nhạc dân tộc của cha ông không những hiện hữu trong cuộc sống đương đại, mà đã thật sự khẳng định vị trí xứng đáng trong đời sống âm nhạc nước nhà. Không những thế, âm nhạc dân tộc Việt Nam trong thời gian qua đã đóng vai trò "sứ giả văn hóa" của đất nước đến với bạn bè khắp năm châu. Trong thành công to lớn đó có đóng góp tích cực của việc đào tạo và biểu diễn nhạc cụ    truyền thống. Những thế hệ học sinh, sinh viên nhạc cụ truyền thống tại các cơ sở đào tạo âm nhạc, nhất là Học viện Âm nhạc quốc gia hơn 50 năm qua đã xứng đáng là "Người giữ lửa và tiếp lửa" của truyền thống văn hóa âm nhạc Việt Nam".

Nước ta có ba dòng âm nhạc cùng phát triển: nhạc dân tộc, nhạc cổ điển thính phòng và nhạc nhẹ. Trong đó nhạc nhẹ đang chiếm ưu thế vì cuốn hút được số đông lớp trẻ, nhạc dân tộc đang gặp khó khăn vì ít đất để biểu diễn, thiếu vắng người xem. Muốn tạo dựng vị thế xứng đáng của âm nhạc dân tộc, trước hết chúng ta phải đào tạo, đầu tư và bồi dưỡng được lớp nghệ sĩ tài năng về lĩnh vực này, trong đó có những nghệ sĩ mà tên tuổi gắn với cây đàn dân tộc. Các nghệ sĩ có trình độ cao không những chỉ chơi trong trong dàn nhạc mà còn có khả năng độc tấu, sáng tác. Các đoàn nghệ thuật các địa phương, nhất là những địa phương được coi là cái nôi của nghệ thuật truyền thống cần coi trọng đầu tư thích đáng cho bộ môn nhạc dân tộc. Phải dàn dựng được những chương trình  âm nhạc dân tộc tầm cỡ để các nghệ sĩ có đất biểu diễn, tiếp cận công chúng. Bên cạnh đó khơi dậy phát triển dạy nhạc cụ dân tộc, hát dân ca ba miền trong phong trào văn nghệ quần chúng vừa ươm tài năng nghệ thuật vừa tuyên truyền quảng bá âm nhạc dân tộc lôi cuốn đông người xem.

Âm nhạc dân tộc luôn luôn phải được đề cao, thông qua các giải thưởng Nhà nước, qua việc đầu tư các chương trình nghệ thuật lớn, các chương trình giao lưu  văn hóa, quốc tế giới thiệu rộng rãi với các nước trên thế giới. Công tác đầu tư đào tạo đòi hỏi ngày càng có bài bản và khoa học hơn, sáng tạo trên cái nền truyền thống để mỗi nhạc cụ dân tộc tỏa sáng, có vị trí xứng đáng trong đời sống âm nhạc Việt Nam hiện đại.