Âm vang dòng nhạc cách mạng

Trước năm 1930 ở Việt Nam chỉ có dòng âm nhạc: dân tộc - dân gian cổ truyền, chưa có tân nhạc. Thời thực dân Pháp đô hộ, cả xứ Ðông Dương chỉ có một Trường cao đẳng Mỹ thuật, còn trường âm nhạc không có. Các nhạc sĩ thuở bấy giờ muốn học nhạc phải vào trong "nhà thờ" hoặc mua sách dạy nhạc bằng tiếng Pháp để tự học.

Năm 1936 - 1938 có xuất hiện nhóm "Ðồng vọng". Nhưng, số đông các tác giả viết theo phong cách trữ tình lãng mạn. Năm 1941 - 1943 xuất hiện ba bài hát: Tiếng gọi thanh niên, Xếp bút nghiên, Lên đàng của cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Có thể nói đây là ba bản nhạc Cách mạng đầu tiên ở Việt Nam hay chúng ta thường gọi là nhạc "đỏ".

Năm 1944 - 1945 trước ngày Tổng khởi nghĩa đã xuất hiện một chùm ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao trong đó có bài Tiến quân ca (nay là Quốc ca), Cảm tử quân của Hoàng Quý, Diệt phát xít, Người Hà Nội của Nguyễn Ðình Thi, 19 tháng 8 của Xuân Oanh, Dân Nam ơi biết ơn Cụ Hồ của Lưu Bách Thụ, Ca ngợi Ðảng Cộng sản của Ðỗ Minh, Ba Ðình nắng của Bùi Công Kỳ...

Cách mạng Tháng Tám thành công, năm 1945 cả dân tộc Việt Nam bừng bừng một khí thế. Tiếp đó là cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (từ năm 1946 - 1954) đã giành được thắng lợi vẻ vang. Chiến thắng Ðiện Biên Phủ làm nức lòng bè bạn năm châu và khơi gợi niềm tự hào của một dân tộc Anh hùng đã tạo ra những âm thanh, tạo ra nguồn cảm xúc cho người nhạc sĩ viết nên những tác phẩm bất hủ.

Từ Bắc vào Nam, đâu đâu cũng hát vang những bài ca yêu nước: Ðoàn vệ Quốc quân của Phan Huỳnh Ðiểu, Bình Trị Thiên khói lửa của Nguyễn Văn Thương, Trường ca sông Lô của Văn Cao, của Lương Ngọc Trác và Nguyễn Ðình Phúc. Quân với dân như cá với nước, tình cảm đó đã thể hiện qua bài Bộ đội về làng của Lê Yên, Qua miền Tây Bắc của Nguyễn Thành, Làng tôi của Hồ Bắc, Quê tôi của Nguyễn Ðức Toàn, Du kích sông Thao của Ðỗ Nhuận, Ðóng nhanh lúa tốt của Lê Lôi, Lê ngàn - Lá xanh của Hoàng Việt, Con kênh xanh xanh của Ngô Huỳnh, Hò kéo pháo của Hoàng Vân, Giải phóng Ðiện Biên của Ðỗ Nhuận.

Có chiến thắng mới có bài ca, nhưng cũng vì nung nấu một bài ca, mà đã tạo ra chiến thắng. Họ sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, như Phan Ðình Giót, Bế Văn Ðàn, Tô Vĩnh Diện, Võ Thị Sáu, Nguyễn Viết Xuân...

Cuộc chiến tranh chống xâm lược lần thứ nhất tạm dừng lại tại dòng sông Bến Hải. Miền bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa, miền nam tiếp tục đấu tranh giành độc lập thống nhất.

20 năm trường, tình cảm bắc nam đều dồn nén vào bài ca Câu hò bên bến Hiền Lương, nhưng 20 năm trường miền bắc đã xây dựng được một hậu phương vững mạnh để tiếp sức cho cuộc chiến đấu của đồng bào ta ở miền nam ngày càng quyết liệt.

Từ năm 1956, nhiều trường nghệ thuật ở miền bắc được xây dựng, trong đó có Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Nhạc viện Hà Nội, đào tạo từ sơ cấp, trung cấp tới bậc đại học. Nhiều nhạc sĩ có tài được cử đi tu nghiệp ở nước ngoài như Liên Xô, Trung Quốc và nhiều nước trong phe XHCN.

Dòng nhạc đỏ được xây dựng và phát triển tới đỉnh cao của nghệ thuật. Các bài hát ra đời từ thời kỳ chống thực dân Pháp, tới năm 1955 mới có điều kiện dàn dựng phối khí thu thanh.

Tiêu chí của dòng nhạc "đỏ" được mở rộng với nhiều đề tài nội dung thấm sâu vào lòng dân như Giải phóng miền Nam, Tổ quốc yêu thương, như Ðường chúng ta đi, Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam, như Chương II hồi tưởng của Hoàng Vân, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác, Bác Hồ là tình yêu bao la, Thành phố mang tên Bác, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên. Nhiều bài hát ca ngợi Ðảng của Nguyễn Ðức Toàn, của Phạm Tuyên, Tô Vũ. Nhiều bài hát ca ngợi anh Bộ đội Cụ Hồ, anh giải phóng quân... mãi mãi đi vào tiềm thức của mỗi người dân. Không ít bài hát viết cho thiếu nhi của các tác giả: Phong Nhã, Hoàng Long, Hoàng Lân, Mộng Lân, Hoàng Hà, Hoàng Lương... để lại dấu ấn với người nghe.

Những bài hát ca ngợi người nông dân, công nhân, như Bài ca 5 tấn, Cô gái Thái Bình và những bài ca về Người thợ mỏ, bài ca viết về người công nhân xây dựng, viết về các miền quê hương, về các thành phố lớn như Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Hải Phòng - Nghệ An - Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hà Tây, Hà Giang - Tuyên Quang đã làm tăng thêm tình yêu quê hương đất nước của mỗi người dân. Những bài hát Tình ca, Ðường cày đảm đang, Bóng cây Kơ Nia, Tình ca Tây Bắc, Tấm áo mẹ vá năm xưa, Tiếng chày trên sóc Bom Bo và những bài ca viết về các Bà mẹ Anh hùng đã làm vơi đi nỗi cô đơn, làm tăng thêm niềm tin tưởng về tình yêu đôi lứa...

Trong kho băng tư liệu của Ðài Truyền hình Việt Nam giờ đây đã có tới 30 nghìn danh mục ca nhạc (có một phần ca nhạc quốc tế) còn phần lớn là nhạc "đỏ". Không những ở trong ca khúc mà còn ở nhiều bản xướng (ca ngợi Tổ quốc), nhạc kịch (Opera), nhạc đỏ còn nằm trong tác phẩm khí nhạc, từ tiểu nhạc cho tới những bản sonnata, concerto và symphony của nhiều nhạc sĩ Việt Nam như: Hoàng Việt, Ðàm Linh, Nguyễn Ðình Tấn, Nguyễn Văn Nam... Rồi những bài dân ca ba miền nay được đặt lời mới, cũng được gọi là nhạc "đỏ"...

Có người nghe nhạc đỏ, lại thấy rơm rớm nước mắt, bởi nhớ đồng đội, nhớ chiến trường xưa, nghe bài Chào em cô gái Lam Hồng, Ðông Trường Sơn nhớ Tây Trường Sơn lại nhớ tới 10 cô gái ở ngã ba Ðồng Lộc và biết bao chiến sĩ thanh niên xung phong đã đổ máu ở nơi đây. Có khi nghe một bài nhạc đỏ, lại nhớ một vùng địa danh linh kiệt...

Ðã nửa thế kỷ nay, hằng ngày, hằng giờ những âm thanh của dòng nhạc cách mạng vẫn vang lên không trung qua làn sóng Ðài Tiếng nói Việt Nam nuôi dưỡng bao tâm hồn thế hệ người Việt Nam và còn mang đến cho đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài một niềm tin, một niềm tự hào về Tổ quốc Việt Nam Anh hùng. Ðể có được một dòng nhạc đỏ, hàng triệu đồng bào ta, chiến sĩ đã nằm ở các đồi Nghĩa trang Ðiện Biên, Quảng Trị, Trường Sơn và các nghĩa trang của các miền quê hương đất nước. Nhạc đỏ hướng con người tới chân thiện mỹ và người lái con thuyền Cách mạng Việt Nam vượt qua dông tố, tới bến bờ vinh quang và tạo ra dòng nhạc cách mạng là Ðảng Cộng sản Việt Nam.