Dòng chảy âm thầm, sâu lắng trong tranh Nguyễn Ngọc Thọ

Cố họa sĩ Ngọc Thọ (1925-2016) thuộc thế hệ thứ ba của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, sau “Đông Dương” và “Kháng chiến”. Tên tuổi ông gắn với hội họa sơn mài, sơn dầu, mang bản sắc Á Đông rõ rệt. Dù đã đi xa, dấu ấn sáng tác của ông vẫn âm thầm in đậm. Mới nhất, gia đình nhà sưu tập Trần Cường đã chia sẻ tới công chúng 75 tác phẩm tiêu biểu của cố họa sĩ được tuyển chọn từ gần 200 bức tranh đã được gia đình sưu tầm và lưu trữ.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà sưu tập Trần Cường giới thiệu về một tác phẩm của cố họa sĩ Ngọc Thọ.
Nhà sưu tập Trần Cường giới thiệu về một tác phẩm của cố họa sĩ Ngọc Thọ.

Họa sĩ Ngọc Thọ (tên đầy đủ là Nguyễn Ngọc Thọ) là một trong 76 học viên của Khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957), khóa đầu tiên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam sau ngày hòa bình lập lại. Ngoài chất liệu sơn mài, họa sĩ còn tạo dấu ấn với sơn dầu, tranh khắc gỗ, trong đó có khắc gỗ đen trắng- một chất liệu rất phổ biến vào những năm 1960-1970.

Nhắc tới ông, không thể không nhắc bộ sưu tập gần 200 bức tranh của gia đình nhà sưu tập Trần Cường và bố vợ anh là ông Đào Danh Hưng (sinh năm 1955) vốn xuất thân trong một gia đình có truyền thống sưu tầm về nghệ thuật. Bản thân ông Hưng thực sự tập trung vào công việc ý nghĩa này từ những năm 1990 và sở hữu khá nhiều tác phẩm của họa sĩ thời kỳ Đông Dương thông qua bộ sưu tập tranh của nhà sưu tập nổi tiếng Bùi Đình Thản có biệt danh là Đức Minh (1920-1983).

Chia sẻ về cơ duyên có được bộ tranh quý giá, nhà sưu tập Trần Cường cho biết, những năm 2012-2013, từ cây cầu nối là một họa sĩ hàng xóm của họa sĩ Ngọc Thọ, bố con anh đã có sự kết nối, tâm tình và thường xuyên qua nhà ông ngắm tranh. Đều là những gia đình có truyền thống, yêu văn hóa nghệ thuật nên mối quan hệ dần trở nên gắn bó.

Bấy giờ, họa sĩ đã tuổi cao sức yếu, phải điều trị trong bệnh viện. Vợ ông là họa sĩ Yên Hòa chia sẻ nhiều về tâm huyết của ông bà cũng như nỗi niềm, hoàn cảnh riêng tư. Chiêm ngưỡng, xúc động trước tác phẩm, đồng thời hiểu rõ họa sĩ điều trị rất tốn kém kinh phí, gia đình nhà sưu tập Trần Cường đã nhận sự chuyển nhượng từ gia đình họa sĩ. Bộ sưu tập đồ sộ hôm nay được tích lũy trong suốt một quá trình dài, khoảng 5 năm.

Có thể khẳng định, đây là một bộ tranh khá đầy đủ, khẳng định rõ nét chân dung, cống hiến của cố họa sĩ Ngọc Thọ bằng mọi chất liệu, nhiều kích thước, qua nhiều giai đoạn gắn với sự thay đổi của đời sống, lịch sử, văn hóa của nước nhà.

Được đào tạo bài bản tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam), sau đó trở thành giảng viên tại Trường cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội (nay là Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội), họa sĩ Ngọc Thọ được đánh giá cao bởi tài năng, cá tính và nghị lực vượt qua nhiều khó khăn thử thách để chinh phục ước mơ, khát vọng.

Những tác phẩm tiêu biểu trong bộ sưu tập của Đào Danh Hưng - Trần Cường có thể kể tới: Tranh sơn mài: Thiếu nữ và phố cổ, Thiếu nữ Hà Nội, Con hổ, Đàn ngựa, Tóc bay…; tranh sơn dầu: Trên cánh đồng, Trừu tượng không gian, Trừu tượng cơn lốc, Thăng Long…; tranh bột màu trên giấy: Xưởng đúc nhôm Hải Phòng, Nữ kỹ sư, Công trường thủy lợi…; tranh màu nước trên giấy: Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, Con trâu, Nông trường, Viết thư, Chân dung tự họa, Nữ sinh viên, Xóm nhỏ…; tranh chì than trên giấy: Thợ mỏ, Giải lao, Hy vọng…

Tác phẩm của ông được giới chuyên môn đánh giá cao về hình thái, cấu trúc, đường nét giản dị, tự nhiên mà kinh điển. Đặc biệt, lối vẽ nét thảo sáng trên nền đỏ và đen này phải là họa sĩ vững nghề, có tư duy và kỹ năng đa dạng mới thể hiện được.

Họa sĩ Ngọc Thọ đã sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết cho đất nước và cho nghệ thuật. Năm 1945, ông chiến đấu tại sở Hỏa xa Nha Trang, rồi trở thành Bộ đội Cụ Hồ và tập kết ra bắc.

Từ năm 1957-1962, ông lần lượt trải nghiệm các vị trí công việc ở Đoàn rối Trung ương, được cử đi học và thi đỗ vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, trở thành giảng viên dạy trang trí và hình họa và gắn bó với nghiệp vẽ, nghề giáo cho đến lúc về hưu.

Ông cũng nhận được nhiều giải thưởng cao quý tại các triển lãm mỹ thuật trong nước và quốc tế; được Thủ tướng Phạm Văn Đồng trao tặng thưởng vì đã đóng góp vào công cuộc giải phóng đất nước. Họa sĩ Ngọc Thọ vinh dự nhận Huân chương Kháng chiến hạng nhì (1986), Giải thưởng 35 năm Hội Mỹ thuật Việt Nam, Huân chương Lao động hạng nhất (1992), Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam (1997), Huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1999).

Xúc động chia sẻ về cố họa sĩ Ngọc Thọ, nhà sưu tập Trần Cường bộc bạch: Trước khi được gia đình họa sĩ chuyển nhượng, nhiều lần anh tới thăm họa sĩ đang nằm trên giường bệnh. Lúc ông đã yếu, dù nghe được, nhưng không còn nói được, ông có đồng tình khi nhà sưu tập bày tỏ mong muốn vào thời điểm hợp lý sẽ phối hợp gia đình làm sách và tổ chức triển lãm cho họa sĩ.

Ấn tượng của nhà sưu tập, họa sĩ được đào tạo chuyên nghiệp, tính tình cương trực và có uy tín trong nghề. Vừa là họa sĩ vừa là nhà giáo, ông được giới chuyên môn đánh giá rất cao và tranh gần như không gửi bán ở Gallery. Với tình cảm, đam mê và tâm huyết, suốt nhiều năm qua, gia đình nhà sưu tập chưa từng bán một bức tranh nào của họa sĩ Ngọc Thọ. Triển lãm sắp diễn ra là dấu ấn về lời hứa giữa nhà sưu tập với họa sĩ. Theo dự định, sau triển lãm 75 bức tranh lần này, họ tiếp tục in sách tranh và triển lãm các tác phẩm còn lại nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của cố họa sĩ.