Ðọc sách:

 Ðồng cảm và sáng tạo - một cách tiếp nhận văn học Việt Nam hiện đại

Ðồng cảm và sáng tạo tập hợp ba mươi bài viết của Lý Hoài Thu, đã được đăng trên các báo chí chuyên ngành từ những năm 90 của thế kỷ trước cho đến nay. Có những bài vừa in trên tạp chí gần đây nhất cũng kịp thời có mặt trong tập sách.

Ðiều đó chứng tỏ những vấn đề mà Lý Hoài Thu khảo sát và nghiên cứu dù ở giai đoạn trước năm 1945 hay ở thời kỳ đổi mới đều được soi chiếu bằng cái nhìn của hôm nay, cái nhìn đổi mới và dân chủ. Với lợi thế này, các bài viết của Lý Hoài Thu không những không bị lạc hậu bởi thời gian mà còn được triển khai và phát hiện ở tầm nhìn mới, khách quan và khoa học.

Là cán bộ giảng dạy bộ môn lý luận văn học ở Khoa văn Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, trong tư duy nghiên cứu của mình, Lý Hoài Thu luôn gắn chặt với lý luận văn học, bộc lộ ở sự am hiểu chuyên ngành, đặc biệt về thể loại và đã vận dụng một cách khá nhuần nhuyễn vào thực tế văn học Việt Nam. Với trường hợp của Xuân Diệu và rộng ra với một số tác giả khác đều được quy chiếu từ cái nhìn thể loại.

Ở địa hạt thơ: Thơ Hữu Thỉnh - một cái nhìn tìm tòi và sáng tạo từ dân tộc đến hiện đại; Mưa trong thành phố và những tìm tòi sáng tạo mới... Ở lĩnh vực tiểu thuyết: Dòng sông mía, một không gian tiểu thuyết vừa quen thuộc vừa mới mẻ; Tiểu thuyết - tầm vóc hiện thực và số phận con người... Ở thể tài truyện ngắn: Sức sống của một thể loại (Bình luận truyện ngắn của Bùi Việt Thắng); Những truyện ngắn hay... Ở loại hình ký: Vị giáo sư và ẩn sĩ đường - tập bút ký của nhà lý luận phê bình; Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương và thể hồi ký trong đời sống văn học đương đại...

Ở thể tài lý luận phê bình: Cảm hứng phê bình mới qua Ði tìm chân lý nghệ thuật; Con mắt xanh và sự định hình của một phong cách phê bình... Ở mỗi bài viết nêu trên, Lý Hoài Thu đều có ý thức xem xét tác phẩm trong sự vận động và biến đổi của thể loại, trên cơ sở đó ghi nhận thành công và đóng góp của mỗi cá thể sáng tạo với đời sống văn học đương đại.

Nổi bật trong Ðồng cảm và sáng tạo là loạt bài viết về Xuân Diệu, một trong những tác gia hàng đầu của thi ca Việt Nam hiện đại. Ðây là những tiểu luận dài hơi thể hiện tâm huyết và sự ngưỡng mộ của Lý Hoài Thu với đối tượng văn học đã đi vào một chuyên luận khá dày dặn của chị trước đây (Thơ Xuân Diệu trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Nxb Giáo dục - 1997).

Ngay trong cách đặt tên của từng tiểu luận, từ Vị hoàng đế tình yêu của "triều đại" thơ ca lãng mạn 1932 - 1945 với Nỗi đam mê trần thế, Nỗi buồn và sự cô đơn đến Không - thời gian nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu; từ Thời gian - Ðời người - Nhịp sống trong thơ Xuân Diệu trước 1945 đến tình yêu và nguồn cảm hứng mới trong thơ Xuân Diệu sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đã giúp người đọc nhận diện rõ nét hơn hình hài và vóc dáng của "ông hoàng tình yêu" trong thơ ca Việt Nam thế kỷ 20.

Ở đây, bên cạnh những nhà "Xuân Diệu học" khác, không thể không ghi nhận thái độ nghiên cứu nghiêm túc, khoa học cùng cách triển khai và xử lý vấn đề mang tính chuyên sâu của một ngòi bút từng trải, có nghề.

Trong Ðồng cảm và sáng tạo không thể không nói đến chùm bài viết dưới dạng phỏng vấn và đối thoại, bộc lộ khả năng cập nhật đời sống văn học, mang tính thời sự mà không bị chất báo chí, thông tấn lấn át. Ðây là một khía cạnh góp phần tô đậm phong thái chuyên nghiệp và đa năng của tác giả.

Các bài: Tản mạn với Trần Ðăng Khoa; Hỏi chuyện Chu Lai; Gặp tác giả "Ðùa của tạo hóa"; Hà Minh Ðức - Tôi khát khao tìm hiểu cuộc sống... đã được thể hiện bằng những "màn chào hỏi" duyên dáng, nhuần nhụy. Bên cạnh câu hỏi và lời đáp có "hàm lượng thông tin" cao là một lối diễn đạt đầy nữ tính, gợi cảm gây ấn tượng và hấp dẫn người đọc.

Đồng cảm và sáng tạo là một trong những tập tiểu luận phê bình thu hút người đọc ở sự kết hợp hài hòa giữa những luận giải khoa học và cảm thụ nghệ thuật, ở những phát hiện tinh tế có sức thuyết phục về thế giới nghệ thuật thơ Xuân Diệu cũng như về những khía cạnh nổi bật của một số cây bút đang hiện diện trong đời sống văn học đương đại.

Tuy nhiên trên mặt bằng chung của tập sách không tránh khỏi có một số bài đã hạn chế phần nào sự nhất quán và đồng đẳng về chất lượng cũng như dung lượng giữa các bài viết. Người đọc mong muốn ở tập sách sự thoáng gọn và hệ thống hơn. Cùng với những tập phê bình tiểu luận khác xuất hiện trong thời gian gần đây, Ðồng cảm và sáng tạo của Lý Hoài Thu đã góp thêm một cách tiếp nhận văn chương đáng trân trọng.

(H) Tiểu luận, phê bình của Lý Hoài Thu - NXB Văn học 2005.