Đơn vị chuyên phá trọng án của Công an Hà Nội

Đã từ lâu ở TP Hà Nội, có một cái tên khiến tội phạm phải run sợ, đó chính là Phòng cảnh sát hình sự (PC45, Công an TP Hà Nội). Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, nhiều thế hệ người lính hình sự đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ bình yên cho nhân dân Thủ đô.

Tổ công tác 141 (Công an TP Hà Nội) kiểm tra hành chính người và phương tiện tham gia giao thông, góp phần bảo đảm ANTT trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: MINH HÀ
Tổ công tác 141 (Công an TP Hà Nội) kiểm tra hành chính người và phương tiện tham gia giao thông, góp phần bảo đảm ANTT trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: MINH HÀ

Không ngại khó, khổ, hy sinh

Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Hà Nội, có chức năng nhiệm vụ chủ công trong phòng, chống tội phạm hình sự (TPHS) và tệ nạn xã hội (TNXH), tham mưu cho Ban Giám đốc Công an đề ra chủ trương, kế hoạch, tổ chức thực hiện và hướng dẫn lực lượng CSHS toàn thành phố chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động của TPHS, bài trừ TNXH, góp phần bảo vệ tài sản Nhà nước, tính mạng và tài sản của công dân, bảo đảm trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn Thủ đô. Cùng với quá trình 70 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành của lực lượng CSHS cả nước (18-4-1946 - 18-4-2016), Phòng CSHS Hà Nội đã có bề dày truyền thống lịch sử vẻ vang. Tiền thân của Phòng là Đội Hình cảnh, thuộc Phòng Trị an Dân cảnh được thành lập khi các lực lượng vào tiếp quản Thủ đô tháng 10-1954. Ngay từ khi thành lập, Đội Hình cảnh đã nhanh chóng xây dựng lực lượng, bố trí trinh sát hình sự tại các địa bàn, khu vực trọng điểm phát hiện, xử lý tội phạm; kịp thời nghiêm trị số đối tượng cầm đầu các ổ nhóm tội phạm nguy hiểm, góp phần tích cực ổn định ANTT ở Thủ đô mới giải phóng. Qua các thời kỳ, tổ chức Phòng CSHS, Công an Hà Nội ngày càng lớn mạnh. Lực lượng CSHS Thủ đô đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, thử thách, hy sinh, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; mưu trí, dũng cảm, tổ chức điều tra khám phá hàng chục nghìn vụ án lớn, lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc.

Vào 10 giờ 30 phút ngày 3-11-2011, sau hai ngày sinh, con trai của sản phụ T. (39 tuổi, ở Yên Mỹ, Hưng Yên) bị một người phụ nữ mặc áo blu trắng, bịt khẩu trang đưa đi xét nghiệm rồi không trở lại. Đây được xem là vụ án hy hữu trong lịch sử ngành y, là vụ án đặc biệt nghiêm trọng với thủ đoạn bắt cóc trẻ em lần đầu xảy ra tại bệnh viện ở Việt Nam. Sau bốn ngày, vụ án tưởng đi vào ngõ cụt, mọi tìm kiếm đều vô vọng thì đến chiều 8-11, Phòng CSHS đã khám phá vụ án, đưa cháu bé trở về bệnh viện trong niềm xúc động của gia đình cháu. Hàng nghìn người dân Thủ đô chứng kiến khoảnh khắc đó không bao giờ quên hình ảnh chiến sĩ Cảnh sát trao cháu bé nhỏ xíu cho mẹ cháu trong những giọt nước mắt hạnh phúc.

Ngày 16-9-2014, tại nhà tập thể Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội), đối tượng Trần Thanh Bình (29 tuổi, quê ở thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) đã khống chế con tin. 10 giờ 15 phút cùng ngày, đồng chí Nguyễn Đức Chung (lúc đó là Giám đốc Công an TP Hà Nội) có mặt tại hiện trường và yêu cầu lực lượng Công an đang phong tỏa tại đây giãn ra để ông một mình lên phòng, nơi Bình đang khống chế bốn con tin. Sau ít phút thuyết phục, Bình đã đồng ý thả con tin, đi theo Thiếu tướng Chung lên ô-tô, về trụ sở Phòng CSHS để khai nhận tội trong tiếng reo vang vui mừng, cảm phục của quần chúng nhân dân.

“Quả đấm thép” bảo vệ Thủ đô

Gắn bó với "số 7 Thiền Quang" đã lâu, Đại tá Dương Văn Giáp - Trưởng phòng CSHS chia sẻ, các vụ án hình sự luôn xảy ra bất ngờ, khiến người dân hoang mang, bức xúc, nếu không nhanh chóng điều tra, khám phá sẽ để lại sự bất an trong xã hội. Các chiến sĩ hình sự thường không có ngày nghỉ, luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu dù ngày hay đêm. Ít người biết rằng, đã bốn mùa xuân qua, Trung tá Trần Anh Sơn (Đội 5, phòng CSHS) đón giao thừa với Tổ công tác đặc biệt 141 ở ngoài đường phố. Mồng một Tết Bính Thân vừa qua, Tổ công tác Y5/141 của Trung tá Sơn nhận ca trực từ 1 đến 5 giờ sáng. Rạng sáng mồng 2 Tết, Trung tá Sơn lại lên đường làm nhiệm vụ từ 2 đến 6 giờ sáng, bởi lẽ, dịp Tết là lúc nhiều nhóm thanh niên không ngủ, ra đường tụ tập, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đua xe trái phép hay ẩu đả, xô xát…

Không chỉ làm tốt công tác trấn áp tội phạm hình sự, Phòng CSHS còn tham mưu cho Ban Giám đốc Công an thành phố triển khai hiệu quả nhiều mô hình về phòng, chống tội phạm và cảm hóa đối tượng ở địa bàn. Nổi bật, năm 2012, Phòng CSHS tham mưu giúp Công an thành phố lựa chọn, chỉ đạo 10 phường, xã trọng điểm phức tạp về an ninh - trật tự. Đến nay, sau hơn ba năm triển khai, công tác bảo đảm an ninh - trật tự chuyển biến tích cực, tội phạm giảm đáng kể.

Một trong những dấu ấn đáng nhớ khác của Phòng CSHS là tham mưu cho Giám đốc Công an thành phố trong việc thành lập các tổ công tác đặc biệt 141, tập trung kiểm tra, xử lý đối tượng càn quấy, sử dụng xe máy đi sai quy định, lạng lách, đánh võng, mang theo hung khí, vũ khí nóng… Những tổ công tác 141 đã góp phần giữ bình yên cho Thủ đô, giảm các vụ phạm pháp hình sự tại địa bàn công cộng, giảm tình trạng đua xe, giảm tội phạm côn đồ hoạt động công khai, lộng hành.

Theo Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng CSHS Hà Nội: Cán bộ, chiến sĩ Phòng CSHS sẽ tiếp tục kế thừa truyền thống vẻ vang và triển khai các chuyên đề đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự, nhất là các ổ, nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, hoạt động bảo kê, xiết nợ, đòi nợ thuê, lấn chiếm đất công, đâm thuê, chém mướn… Kiên quyết không để tội phạm công khai, lộng hành”.

Với những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và xây dựng lực lượng, Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội đã vinh dự hai lần được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều cá nhân xuất sắc đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công an, Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội trao tặng các danh hiệu cao quý.