Đòn bẩy mới cho miền trung phát triển kinh tế

Ngày 14/12/2022, Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng-Phần cơ sở hạ tầng dùng chung chính thức được khởi công. Đây là dự án lớn không chỉ riêng của Đà Nẵng, mà được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy, là đầu mối giao thương, hệ thống logistics cho cả khu vực miền trung-Tây Nguyên kết nối ra thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Khu cảng Liên Chiểu đang được khẩn trương xây dựng.
Khu cảng Liên Chiểu đang được khẩn trương xây dựng.

Những ngày cuối tháng 6, dưới cái nắng như đổ lửa, trên công trường xây dựng cảng Liên Chiểu, hàng nghìn công nhân vẫn tất bật làm việc, khẩn trương.

Ông Trần Văn Chung, Giám đốc Ban Điều hành dự án cho biết, sau hơn sáu tháng kể từ ngày khởi công, liên danh năm nhà thầu đã tập trung phương tiện, nhân lực thi công các hạng mục của dự án.

Để bảo đảm tiến độ đã đề ra, ngoài việc tập trung, huy động đủ nguồn nguyên-nhiên vật liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, phương tiện và nhân lực thi công, nhà thầu còn tổ chức thi công thành nhiều mũi, đồng loạt thi công tổng lực 3 ca/ngày, kể cả thứ bảy và chủ nhật.

Gạt vội những giọt mồ hôi lăn dài trên gương mặt rám nắng, anh Lê Tấn Hải, lái xe ben của Công ty DACINCO chia sẻ: “Chúng tôi chia 3 ca làm việc liên tục. Anh em tuy vất vả, nhưng nhìn công trường nhộn nhịp, tấp nập, mỗi ngày mỗi mới, đê bao, đường nội bộ, kè chắn sóng vươn dài ra biển mỗi ngày, là vơi đi rất nhiều vất vả, mệt nhọc”.

Ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố, chủ đầu tư dự án cho biết:

Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu-Phần cơ sở hạ tầng dùng chung là công trình trọng điểm, động lực của thành phố Đà Nẵng, vì vậy, ban quản lý đã tập trung chỉ đạo tư vấn giám sát, liên danh nhà thầu thi công phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thi công tập trung vật tư, vật liệu, thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đáp ứng kế hoạch năm 2023.

Đến ngày 25/6, các nhà thầu đã cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình phụ trợ như trạm cân xe; bãi tập kết vật tư; bến tạm; xây dựng văn phòng ban điều hành và mặt bằng thi công bãi đúc các khối bê-tông đúc sẵn; hoàn thành phương án bảo đảm hàng hải khi thi công, cấp phép cho thiết bị hoạt động trong vùng biển, huy động thiết bị nạo vét hạng mục móng đê kè đến hiện trường.

Với hạng mục các tuyến đường giao thông chính, bờ bao chứa nạo vét… đã thi công đạt gần 40% tổng chiều dài móng, nền, mặt đường, bờ bao, kè chắn sóng với tổng khối lượng đất đá hơn 280.000m3.

Tổng giá trị sản lượng thi công đến nay đạt khoảng 152 tỷ đồng. Một trong những vật tư quan trọng cho việc thi công cảng Liên Chiểu là khối phá sóng Rakuna bằng bê-tông cốt thép, đơn vị đã ký hợp đồng mua bản quyền, sản xuất 38 bộ ván khuôn khối phá sóng Rakuna IV với Công ty CP NIKKEN KOGAKU Co,.Ltd (Nhật Bản), khẩn trương tổ chức đúc 10.000 khối phá sóng Rakuna, trong đó có 5.000 khối nặng 12 tấn và 5.000 khối nặng 25 tấn.

Khó khăn hiện nay của công tác thi công cảng Liên Chiểu là nguồn vật liệu đá, khi nhu cầu trong năm 2023 lên đến hơn 1 triệu m3, nhưng các mỏ đá hiện đang được phép khai thác ở Đà Nẵng chỉ cung cấp được tối đa 780.000m3.

Vì vậy, Ban Quản lý dự án đã chủ động đề xuất UBND thành phố xem xét nâng công suất các mỏ đá trên địa bàn để phục vụ thi công cảng Liên Chiểu; ngoài ra các đơn vị thi công đã chủ động tìm kiếm các mỏ đá địa phương lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi để đáp ứng kịp thời nhu cầu thi công.

Theo kế hoạch trong năm 2023, Ban Quản lý dự án và liên danh nhà thầu quyết tâm hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đã bố trí cho dự án là 360 tỷ đồng, tương ứng với giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành là 632 tỷ đồng; trong đó: Hoàn thành khoảng 80% hạng mục đường giao thông; 30% khối lượng móng đê chắn sóng và 20% mặt đê; hoàn thành bãi chứa vật chất nạo vét.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, dự án cảng Liên Chiểu-Phần cơ sở hạ tầng dùng chung có tổng mức đầu tư 3.426,3 tỷ đồng, diện tích cảng Liên Chiểu là 450ha, bao gồm các hạng mục chính là kè và đê chắn sóng dài 1.170m; luồng tàu rộng 160m và khu quay tàu dài 7,3km, nạo vét đáy biển đạt độ sâu tối thiểu 14m; đường giao thông kết nối đến cổng cảng với sáu làn xe, bề rộng 30m; hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ đồng bộ.

Trong giai đoạn I, Cảng Liên Chiểu đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chứa từ 6.000-8.000 TEU. Giai đoạn II, cảng Liên Chiểu sẽ được đầu tư trở thành một trong những cảng biển quốc tế lớn nhất Việt Nam.

Cảng Liên Chiểu nằm phía bắc, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 15km, cách sân bay quốc tế Đà Nẵng chỉ hơn 10km, gần Quốc lộ 1A (2km đối với đường tránh và hầm Hải Vân, 0,8km đối với Quốc lộ 1A cũ qua đèo), cách ga đường sắt Kim Liên 0,8km, gần các khu công nghiệp lớn của Đà Nẵng như Liên Chiểu (1,5km), Hòa Khánh và Hòa Khánh mở rộng (3km), Khu Công nghệ cao (4km), Khu Công nghệ thông tin tập trung (5km). Các tuyến đường nối đến các khu công nghiệp đều rất thuận tiện, không đi qua khu dân cư đông đúc, không qua trung tâm thành phố.

Tiến sĩ kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng: Với thuận lợi về vị trí, độ sâu, gần tuyến hàng hải quốc tế, thị trường hàng hóa dồi dào, cảng Liên Chiểu sẽ là “điểm sáng tạo bứt phá” không chỉ với ngành vận tải biển mà kết nối với cả vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không, là điều kiện để hình thành hệ thống logistics hiện đại, đồng bộ.

Ngành du lịch và dịch vụ Đà Nẵng cũng sẽ được hưởng lợi, tạo thành mạng lưới thương mại quốc tế đa diện, phong phú, mở rộng không gian phát triển không chỉ cho Đà Nẵng mà cho cả khu vực miền trung, góp phần bảo đảm quốc phòng-an ninh của đất nước.