Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) doanh thu ngành năm 2019 ước tính đạt hơn 112 tỷ USD, tăng trưởng 9,1% so năm 2018, nộp ngân sách nhà nước gần 54 nghìn tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn một triệu lao động.
Các mặt hàng công nghiệp ICT như điện thoại, máy tính trong lĩnh vực phần cứng, điện tử cũng liên tục giữ vững vị trí trong danh sách tốp 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của nước ta, đưa cả ngành xuất siêu khoảng 28 tỷ USD. Tuy nhiên, doanh thu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại đang chiếm tới 98% tổng doanh thu xuất khẩu này. Trong khi đó, lại chưa có nhiều sản phẩm trong lĩnh vực điện tử, viễn thông được sáng tạo và thiết kế tại Việt Nam.
Riêng lĩnh vực công nghiệp nội dung số, trong năm 2019 đạt doanh thu khiêm tốn, khoảng 850 triệu USD, trong đó doanh thu xuất khẩu chiếm đến gần 93% do doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác được thị trường nội địa,còn để bị chiếm lĩnh bởi các nền tảng xuyên biên giới lớn như Facebook, Google,...
Theo chiến lược phát triển ngành công nghiệp ICT do Bộ TT-TT đang hoạch định, đến năm 2025, đây phải trở thành ngành kinh tế chủ đạo với doanh thu cao, giá trị sản xuất lớn, dẫn đầu về xuất khẩu cũng như đóng góp vào GDP cả nước. Trong đó, chủ động, làm chủ được công nghệ trong việc sản xuất các sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin (CNTT), điện tử, các thiết bị viễn thông quan trọng phục vụ đất nước.
Không những vậy, công nghiệp ICT phải vừa bảo đảm cung cấp các sản phẩm, giải pháp số để đất nước thực hiện tốt chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và triển khai cách mạng công nghiệp 4.0, vừa hướng tới đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu phần mềm hay dịch vụ công nghiệp thông tin lớn trên thế giới. Chiến lược này cũng nêu rõ những con số mục tiêu cụ thể. Ðó là đến năm 2025, doanh số xuất khẩu của ngành công nghiệp ICT phải đạt 120 tỷ USD, trong đó cải thiện tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp nội địa. Ngoài ra, cần đạt số lượng 50 nghìn doanh nghiệp CNTT; số lao động ngành ICT đạt 1,3 triệu người có kỹ năng và kiến thức cao...
Ðể làm được điều đó, theo các chuyên gia, cần xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp ICT tập trung phát triển các giải pháp, sản phẩm đáp ứng các định hướng lớn. Cần tạo động lực phát triển doanh nghiệp công nghệ, trong đó các doanh nghiệp có tiềm lực sẽ tập trung vào nghiên cứu và làm công nghệ lõi.
Mặt khác, cần sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế ưu đãi cho ngành công nghiệp ICT, trước mắt là phần mềm; xây dựng các chính sách ưu đãi đầu tư gắn liền với chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ (phần cứng). Thêm nữa, cần xây dựng quy định về mua sắm sản phẩm CNTT theo hướng "chuyển từ ưu tiên sang ưu đãi"; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường để các sản phẩm ICT Việt Nam có cơ hội được quảng bá rộng rãi trên toàn thế giới.