Đối xử phi thị trường ra sao?

Đối xử phi thị trường ra sao?

NME là gì?

Điều khoản về kinh tế phi thị trường (NME - non-market economy) là một nội dung đặc biệt, chỉ có trong thỏa thuận gia nhập WTO của Trung Quốc và Việt Nam.

Theo thỏa thuận cam kết của Việt Nam về việc gia nhập WTO, trong vòng 12 năm (từ ngày 1-1-2007 tới ngày 31-12-2018) khi một nước nhập khẩu là thành viên WTO quyết định áp thuế chống bán phá giá với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, họ có quyền dựa trên chi phí sản xuất thực tế của Việt Nam hoặc sử dụng chi phí sản xuất của một quốc gia khác có điều kiện tương tự làm cơ sở tính toán mức phá giá, trợ cấp.

Ở góc độ pháp lý, có thể thấy điều khoản này đã cho nước nhập khẩu khá nhiều quyền định đoạt khi áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước được coi là nền kinh tế phi thị trường. Ở góc độ thương mại, việc lấy giá tham chiếu của một quốc gia khác để tính toán mức độ trợ cấp, phá giá đặt các nước đang phát triển như Việt Nam vào thế bất lợi. 

Trong bối cảnh hiện nay, với sự chuyển đổi mạnh mẽ của hầu hết các nền kinh tế tập trung trước đây sang cơ chế thị trường, vấn đề xác định NME lại trở thành vấn đề nhạy cảm và mang nhiều màu sắc chính trị.

Trong quá trình xem xét lại GATT năm 1954-1955, vấn đề về các nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung được lật lại (trước đó có đặt ra vấn đề này khi thảo luận hiến chương thành lập Tổ chức Thương mại Quốc tế (ITO) sau chiến tranh thế giới thứ hai) trong khi xem xét điều khoản về bán phá giá. Tuy nhiên, quy định của GATT (đoạn 1 của điều 6) không chỉ ra phương pháp tiến hành xác định mức độ phá giá của các nước kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Và đó là khoảng trống được các nước sử dụng để đưa ra các quy định riêng của mình.

Điều này dẫn đến hệ quả là  (i) các quốc gia đơn phương đưa ra các tiêu chí xác định NME theo ý chủ quan của mình, mỗi quốc gia có những tiêu chí riêng và trong nhiều trường hợp không thống nhất với nhau; (ii) quốc gia là đối tượng xem xét phải chấp nhận phán quyết và không có cơ hội khiếu nại, yêu cầu xem xét lại tính đúng đắn của phán quyết về quy chế nền kinh tế của mình; (iii) nước tiến hành điều tra có thể sử dụng việc điều tra về tính chất thị trường của nền kinh tế với các động cơ phi kinh tế, mang màu sắc chính trị.

Giải pháp đối phó với NME

Bất kể những bất hợp lý và tính chất phân biệt đối xử, vấn đề NME là một thực tế tồn tại trong WTO mà chúng ta phải chấp nhận và đối phó như một thách thức của hội nhập. Về mọi phương diện, cam kết trong WTO về NME là tốt hơn hiện trạng đối với Việt Nam bởi hai lý do.

Thứ nhất, không phụ thuộc việc chúng ta có cam kết điều khoản về NME trong WTO hay không, Việt Nam vẫn bị một số quốc gia coi là nền kinh tế phi thị trường với thời hạn không xác định. Cam kết trong WTO đưa ra thời hạn tối đa cho việc áp dụng quy chế này là 12 năm. Đồng thời chúng ta có  cơ hội kết thúc sớm thời hạn này nếu chứng minh được tính chất thị trường của mình theo nội luật của nước nhập khẩu là thành viên WTO.

Thứ hai, trong các vụ việc trước đây, Hoa Kỳ đã điều tra và kết luận tính chất phi thị trường của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam mặc dù các vụ kiện chỉ liên quan một ngành sản xuất nhất định. Điều này làm hạn chế cơ hội của các ngành chứng minh những ưu thế sản xuất do điều kiện đặc thù về tự nhiên, lao động... của ngành mình. Tuy nhiên, theo cam kết trong WTO, “nếu Việt Nam khẳng định được rằng các điều kiện của kinh tế thị trường đã tồn tại tại một ngành cụ thể chiểu theo luật quốc gia của nước nhập khẩu là thành viên WTO, các quy định trong tiểu mục (a) liên quan tới kinh tế chưa phải là kinh tế thị trường sẽ không còn áp dụng được cho ngành đó”(Các văn kiện gia nhập WTO của Việt Nam, UBQG-HTKTQT, tr.110-111). Điều này có nghĩa một số ngành kinh tế của Việt Nam có cơ hội chứng minh tính chất thị trường của mình ngay cả khi Việt Nam vẫn chịu quy chế phi thị trường. Đó là cơ hội quan trọng cho các doanh nghiệp hạn chế rủi ro khi vướng vào các vụ kiện phá giá.

Từ các phân tích trên, có thể rút ra một số giải pháp cho vấn đề NME từ góc độ doanh nghiệp và quản lý vĩ mô.

Từ góc độ doanh nghiệp

1. Cần tăng cường vai trò tổ chức, điều phối của các hiệp hội ngành hàng bởi thông thường việc điều tra sẽ được tiến hành ở nhiều doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng tương tự. Bên cạnh đó, cam kết trong WTO đề cập tới việc xác định tính chất thị trường của một ngành sản xuất cụ thể.

2. Cần nắm vững quy định về kinh tế phi thị trường, nếu chúng tồn tại trong nội luật của quốc gia nhập khẩu (đặc biệt nếu các mặt hàng xuất khẩu của ta cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của nước nhập khẩu). Trên cơ sở đó, có các điều chỉnh thích hợp về cơ chế quản lý, công tác chứng từ... để hạn chế rủi ro tranh chấp cũng như chủ động đối phó khi xảy ra khiếu kiện.

Từ góc độ quản lý nhà nước

1. Tiếp tục cải cách cơ chế quản lý, tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh, kiện toàn các cơ chế thị trường. Những cải cách này đáp ứng mục tiêu phát triển nội tại bền vững đồng thời là tiền đề để chúng ta đấu tranh, vận động các đối tác sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

2. Việc công nhận quy chế thị trường mang tính chủ quan của quốc gia và nặng tính chính trị. Do đó, bên cạnh việc thúc đẩy tiến trình cải cách, cần phối hợp vận động ngoại giao các đối tác thương mại lớn công nhận quy chế kinh tế thị trường cho ta vì quyền lợi thương mại của cả hai bên.

3. Phối hợp cùng các nước có hoàn cảnh tương tự đấu tranh trong WTO để yêu cầu sửa đổi các quy định liên quan NME do tính phân biệt đối xử và không phù hợp thực tiễn của các quy định này.

Cơ sở pháp lý để các nước áp dụng các quy định nội luật về NME trong các vụ việc chống phá giá liên quan các nước có nền kinh tế chuyển đổi là khoản bổ sung thứ 2 cho đoạn 1 điều 6 (Phụ lục I GATT). Tuy nhiên, ngày nay không có nền kinh tế nào có tính chất thuần túy độc quyền nhà nước như được mô tả trong quy định này. Việc tiếp tục duy trì các quy định này không còn phù hợp với tình hình thực tế và có thể bị sử dụng làm công cụ bóp méo thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, đây còn là sự phân biệt đối xử giữa các nước thành viên đầy đủ của WTO, vi phạm nguyên tắc tối huệ quốc.