Đổi thay trên chốt thép Long Quang

NDO - NDĐT- Chốt thép Long Quang trên địa bàn xã Triệu Trạch là một mắt xích quan trọng nằm ở vị trí tiền tiêu bảo vệ vòng ngoài phía Đông Thành Cổ Quảng Trị. Những ngày tháng tám, hòa cùng dòng người là thân nhân các liệt sĩ, các cựu chiến binh trong cả nước về thăm lại chiến trường xưa, thắp hương tri ân cho đồng đội cũ, chúng tôi có mặt tại xã anh hùng Triệu Trạch, huyện Triệu Phong (Quảng Trị).
Bia di tích chốt thép Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong (Quảng Trị).
Bia di tích chốt thép Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong (Quảng Trị).

Bên bia di tích chốt thép Long Quang, nơi ghi lại những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong những năm tháng đánh giặc giữ nước, chúng tôi lắng nghe các cựu chiến binh kể về những trận đánh bảo vệ chốt thép, những đợt tấn công truy kích địch, làng mạc nơi đây hoang tàn bởi sự cày xới của bom đạn địch và sự chuyển mình diệu kỳ của đất này sau nhiều năm trở lại...đã thấy lòng dâng lên niềm tự hào, niềm vui khôn tả.

Triệu Trạch là xã đồng bằng ven biển, cách trung tâm huyện lỵ Triệu Phong 12 km về phía đông, có 1.463 hộ dân, với 6.793 nhân khẩu. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi trở lại Triệu Trạch là vùng quê giàu truyền thống cách mạng giờ đây đã đổi thịt, thay da, ruộng vườn xanh tốt, đường thôn ngõ xóm sạch sẽ tinh thơm; cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh, nhà xây đổ mái bằng và lợp ngói của người dân mọc lên san sát.

Có được cuộc sống đủ đầy, ấm no, hạnh phúc như hôm nay, người dân Triệu Trạch hẳn không quên niềm tự hào về quá khứ, lòng tin ở tương lai để luôn luôn vững bước đi lên hoà nhập với bước đi lên của đất nước.

Trong thời gian từ tháng 7-1972 đến tháng 3-1975, các đơn vị bộ đội chủ lực của Sư đoàn 320B, 325; các đơn vị xe tăng Lữ đoàn 323, pháo binh, bộ đội địa phương cùng dân quân, du kích xã Triệu Trạch đã phối hợp chiến đấu ngoan cường, lập công xuất sắc, bẻ gãy và đẩy lùi các cuộc pháo kích mang biệt danh Sóng Thần 36, 45, 47 của Mỹ - ngụy, góp phần giải phóng tỉnh Quảng Trị, tiến tới đại thắng mùa Xuân 1975 thống nhất Tổ quốc. Bây giờ, vùng cát trắng là chốt thép năm xưa đã nhường chỗ cho màu xanh của các loại cây trồng, cho thửa vườn, ao cá; vùng cát Triệu Trạch được tô điểm bởi mơn mởn màu xanh no ấm. Màu xanh ấy đang ngày đêm lấn dần màu cát trắng, sự sống đang trào dâng dưới mỗi bước chân người.

Năm 1976, Đảng bộ, quân và dân xã Triệu Trạch vinh dự đón nhận danh hiệu 'Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân' do Nhà nước trao tặng. Sự kiện lịch sử trọng đại này là niềm tự hào, niềm vui mừng khôn xiết, trong đời sống chính trị của hàng nghìn người dân. Phần thường cao quý đó không chỉ ghi nhận những thành tích xuất sắc của xã nhà trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà nó có ý nghĩa đánh dấu quá trình phấn đấu liên tục đầy gian khổ hy sinh của Đảng bộ, quân và dân Triệu Trạch trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Sau chiến tranh cũng như bao miền quê khác ở Quảng Trị, làng xóm ở Triệu Trạch bị bom đạn địch tàn phá nặng nề, nhà cửa đổ nát, hố bom, hố pháo nhan nhản trong vườn tược, khắp nẻo đường quê. Để hồi sinh lại mảnh đất này, người dân Triệu Trạch đã trải qua bao thăng trầm nghiệt ngã và phải đổ cả máu của mình: Hàng trăm người dân đã vĩnh viễn ra đi vì vướng phải bom đạn địch còn vương vãi lại; nhiều năm lúc giáp hạt có đến hàng trăm hộ gia đình thiếu ăn, con em thiếu sách vở đến trường và cả ốm đau, bệnh tật hoành hành, đe doạ.

Chủ tịch UBND xã Triệu Trạch Trương Duy cho biết : Bước ra khỏi chiến tranh, từ hoang tàn đổ nát, mất mát, hy sinh lớn lao, người dân Triệu Trạch bắt tay xây dựng lại từ đầu và từng bước hồi sinh. Đến nay, tổng sản lượng lương thực đạt hơn 5.700 tấn, thu nhập bình quân đầu người hơn 14,5 triệu đồng/năm. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý đã giúp Triệu Trạch xây dựng thành công cánh đồng có giá trị kinh tế cao, toàn xã có hơn 70 ha, cho thu nhập hơn 60 triệu đồng/ ha/ năm trở lên. Diện tích sản xuất lúa chất lượng cao toàn xã đã tăng lên 470 ha, các mô hình trang trại được hình thành với một số loại con nuôi mới như dê, đà điểu bước đầu đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân.

Nằm ở vị trí giao thông đi lại thuận lợi, hai đầu khu dân cư là nơi nhiều hộ dân tập trung buôn bán (chợ Cạn và chợ Bồ Bản), góp phần thúc đẩy phát triển ngành nghề, thương mại - dịch vụ trên địa bàn xã... Văn hoá - xã hội có những chuyển biến tích cực.

Giò đây, đi dọc theo miền quê Triệu Trạch mới thấy hết được sự khởi sắc của bộ mặt nông thôn so với những năm trước đây, nhà đổ mái bằng, nhà xây lợp ngói mọc lên ngày càng nhiều. Các địa phương đã có đường giao thông về tận thôn, xóm. Diện phủ sóng truyền hình, thông tin liên lạc cơ bản đã rộng khắp. Đa số người dân đã được tiếp cận với những tiện ích do đầu tư công mang lại, các hộ gia đình có nước sạch để dùng, có phương tiện nghe nhìn, thông tin liên lạc, đi lại, nông cụ sản xuất khá hiện đại.

Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh như kênh mương tưới tiêu, đê ngăn mặn giữ ngọt, đê chắn cát bay cát lấp được xây dựng khá hoàn chỉnh. Trình độ dân trí, kỹ năng canh tác trong sản xuất nông nghiệp, cơ hội mở mang ngành nghề dịch vụ của người dân đã được nâng lên. Một nhu cầu bức thiết và quan trọng mà nhìn vào đó cho thấy tương đối rõ mức sống của người dân Triệu Trạch, đó là hệ thống nhà cửa và các công trình phụ trợ. Theo khảo sát bước đầu, tỷ lệ nhà kiên cố và bán kiên cố đạt hơn 90%, nhà được xây dựng khá vững chắc là 25%...

Bí thư Đảng ủy xã Triệu Trạch Nguyễn Quốc Thạnh rất tự hào khi nói về những cánh đồng chất lượng cao của địa phương: Xây dựng cánh đồng có giá trị cao là xây dựng mô hình sản xuất mới, khuyến khích người nông dân năng động, sáng tạo trong sản xuất, nhất là sản xuất hàng hoá. Người nông dân đã chủ động trong việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi, phù hợp với vùng đất, chú trọng hơn về chăm bón, áp dụng khoa học kỹ thuật trong phòng, chống dịch bệnh nên đã mang lại thu nhập cao trên một đơn vị diện tích. Điều đó thể hiện rõ là nhiều hộ gia đình ở các địa phương trong xã từ chỗ nghèo khó vươn lên giàu có.

Anh Thạnh cho hay: “Trước đây, Triệu Trạch là một xã rất nghèo, ruộng ít, người dân chỉ biết canh tác trên đất cát với một vụ khoai lang/năm. Từ khi có chủ trương của huyện về cải tạo vùng cát, địa phương đã vươn lên trở thành một xã đi đầu trong phát triển nông- lâm nghiệp ở vùng cát Triệu Phong”. Dựa vào tiềm năng đất tự nhiên dồi dào, với diện tích hơn 3.390 ha (2.546 ha cát trắng), hơn 10 năm qua người dân Triệu Trạch đã bắt tay vào cải tạo vùng cát và chế ngự cát, biến những vùng cát nóng bỏng, hoang vu trở thành những cánh đồng xanh ngát. Toàn xã hiện có hơn 1.500 ha rừng phòng hộ, 286,2 ha trồng cây hoa màu, lương thực và cây công nghiệp trên cát, cho giá trị thu nhập hơn năm tỷ đồng/năm. Một số cây hoa màu trồng trên cát mang lại hiệu quả kinh tế cao được người dân tiếp tục mở rộng diện tích như cây ngô, lạc, dưa hấu, dưa leo, khoai lang, các loại bí... Cây dưa hấu được xem là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất hiện nay trên vùng cát Triệu Trạch, nhiều hộ có thu nhập đạt hơn 80 triệu đồng/ha/năm.

Thăm gia đình ông Lê Nghiên, một hộ dân nghèo trước đây ở thôn Long Quang, xã Triệu Trạch, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước cơ ngơi do ông tạo dựng nên. Xuất thân từ gia đình nghèo khó nhưng ông đã biết vươn lên làm giàu trên vùng cát bạc màu, giờ là một trong những hộ điển hình làm kinh tế giỏi của xã. Ngoài việc sản xuất trên mười sào ruộng lúa, gia đình ông còn canh tác thêm hai ha đất ở vùng cát với đủ loại cây trồng và con nuôi, mỗi năm cho thu nhập thêm hàng chục triệu đồng.

Khác với gia đình ông Nghiên, khu vườn của gia đình bà Lê Thị Duyến có diện tích đất hơn 20 sào đã được bà canh tác sản xuất không còn một chỗ đất trống. Bà Duyến cho biết: “Ở vùng cát này chúng tôi sản xuất vào vụ đông xuân là chủ yếu, vì vào vụ hè thu là mùa khô, thời tiết khắc nghiệt nên chỉ trồng được duy nhất cây sắn nguyên liệu. Cũng chính vì thế mà gia đình cố gắng tận dụng hết diện tích của đất để trồng xen canh nhiều loại cây khác nhau như dưa hấu, dưa leo, lạc, khoai, sắn…góp phần nâng cao thu nhập kinh tế gia đình. So với trồng lúa ở vùng cát này thì cây rau màu mang lại giá trị cao gấp ba đến bốn lần'.

Hiện nay, ở vùng cát xã Triệu Trạch có hơn 20 trang trại, gia trại phát triển khá tốt, thu nhập bình quân trừ chi phí lãi từ 100 đến 300 triệu đồng/mô hình. Điển hình có trang trại của các ông Nguyễn Toàn, ở thôn Lệ Xuyên; Lê Hoài, ở thôn Vân Tường; Nguyễn Đức Toàn, ở thôn Linh An…

Đời sống nhân dân được cải thiện, các hoạt động văn hoá, giáo dục, y tế và việc thực hiện các chính sách xã hội ở Triệu Trạch được chú trọng. Ngoài hệ thống cơ sở hạ tầng được Trung ương và tỉnh đầu tư xây dựng như đường sá, cầu cống, trường học trên địa bàn, những năm qua, bằng nguồn vốn ngân sách và nhân dân đóng góp, xã đã xây dựng được hệ thống điện chiếu sáng, đường giao thông nông thôn, trạm y tế; trường tiểu học, trường mẫu giáo, nhà trẻ kiên cố, tạo điều kiện cho việc dạy và học của thầy cô giáo và các em đạt kết quả cao.

Đặc biệt, Triệu Trạch đã xây dựng khang trang nghĩa trang liệt sĩ xã, nhiều nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, dành một phần kinh phí xây dựng quỹ khuyến học để động viên con em vươn lên học giỏi...Năm qua, các ngành học ở Triệu Trạch đều được công nhận là đơn vị tiên tiến cấp tỉnh, có có 3/4 trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1. Công tác chăm lo và bảo vệ sức khoẻ cho người dân được chú trọng. Hàng năm, cán bộ y tế huyện Triệu Phong phối hợp với cán bộ y tế địa phương thường xuyên về tận từng thôn, xóm khám chữa bệnh cho bà mẹ và trẻ em...

Đến Triệu Trạch hôm nay có thể nhận thấy đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đang dần được cải thiện, an sinh xã hội đã trở thành điểm tựa vững chắc cho người nghèo và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Những nỗ lực của chính quyền địa phương trong công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế -xã hội Triệu Trạch phát triển, sớm hoàn thành các tiêu chí đặt ra trong xây dựng nông thôn mới.

Với những cố gắng lớn, sự nỗ lực đồng bộ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, Triệu Trạch đang ngày càng phát triển đi lên, trở thành một xã xây dựng thành công nông thôn mới vững về kinh tế, ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đẹp về văn hoá. Niềm vui đang dâng đầy trên quê hương Triệu Trạch anh hùng qua từng tháng, từng ngày...