Khi đời sống khá giả hơn, người dân nơi đây “chung lưng đấu cật” với Khu Bảo tồn, vừa phát triển, vừa giữ gìn và bảo vệ rừng, kịp thời ngăn chặn các đối tượng vào rừng trái phép để đánh bắt thủy sản, động vật hoang dã; góp phần vào thành tích hơn 20 năm qua không để xảy ra cháy rừng. Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng kể rằng: Năm 1976, Nông trường Phương Ninh được thành lập trên cơ sở diện tích tự nhiên của vùng đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng. Đến năm 1984, thành lập Lâm trường Phương Ninh từ Nông trường Phương Ninh. Giai đoạn này, có rất nhiều hộ dân từ các địa phương khác trong tỉnh và cả ngoài tỉnh như Đồng Tháp, Vĩnh Long… đến đây sinh sống. Thấy cuộc sống bà con khó khăn, lâm trường đã giao khoán khoảng 700 ha đất, chủ yếu phục vụ sản xuất lúa, mía để tạo sinh kế, ổn định cuộc sống, đồng thời bảo đảm tình hình an ninh trật tự. Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 13/2002/QĐ-TTg thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng trên phạm vi đất của Lâm trường Phương Ninh với tổng diện tích hơn 2.800 ha.
Đến nay, gần 1.000 hộ dân đang sinh sống ven Lung ở 11 ấp thuộc bốn xã: Phương Bình, Phương Phú, Hiệp Hưng (huyện Phụng Hiệp) và xã Tân Phú của thị xã Long Mỹ. Sau khi thành lập Khu Bảo tồn, cùng với sự quan tâm, chăm lo của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của Khu Bảo tồn, việc đầu tư hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm, cấp nước từng bước được hoàn chỉnh, khang trang, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đời sống sinh hoạt; giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cuộc sống từng bước được cải thiện. “Bây giờ, cháu nào cũng được đi học và không ít cháu đã vào đại học”- ông Hồ Văn Giới ở Lung 18, thuộc ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình chia sẻ.
Khoảng bảy năm trở lại đây, người dân đã chuyển dần diện tích trồng mía kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, trồng sen, bông súng, kết hợp nuôi thủy sản để tăng thu nhập. Đáng chú ý, nhiều hộ dân chuyển sang trồng một số loại cây ăn trái như khóm (dứa) MD2, ổi ruột hồng… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Dẫn chúng tôi tham quan vườn ổi ruột hồng của gia đình, ông Nguyễn Văn Sỹ ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình cho biết: Giống ổi này được một công ty ở thành phố Cần Thơ ký hợp đồng bao tiêu và tiêu thụ trái ổi để làm nước ép xuất khẩu, nên toàn bộ quy trình canh tác ổi đều bảo đảm an toàn thực phẩm. Mỗi năm vườn ổi này cho lợi nhuận hơn 120 triệu đồng/ha. Phía công ty bao tiêu cũng đang đề nghị mở rộng vùng nguyên liệu, từ 7 ha hiện nay lên khoảng 20 ha. Tin rằng không lâu nữa cây ổi sẽ là “cây xóa nghèo” cho bà con nơi đây.
Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ dứa MD2 giữa một doanh nghiệp ở Cần Thơ với người dân cũng đang mang lại hiệu quả cao. Theo ông Trần Thanh Thể ở ấp Phương Thạnh, những năm còn trồng mía, cuộc sống không khá lên nổi, một năm trồng mía, thu nhập chỉ được khoảng 10-20 triệu đồng/ha, có năm huề vốn, thậm chí thua lỗ. Từ khi gia đình chuyển qua trồng cây dứa MD2 cho thu nhập cao hơn, lời khoảng 60-70 triệu đồng/ha/ năm… Theo ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, đến nay đã có hơn 500 ha dứa MD2 của người dân ở xã Phương Bình và Phương Phú được Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu miền Tây (Westfood) ở thành phố Cần Thơ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Công ty cũng chọn vùng này để xây dựng vùng nguyên liệu dứa MD2, diện tích lên khoảng 1.000 ha.
Theo Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng Lư Xuân Hội, cuộc sống người dân vùng ven lung ngày càng khá lên, ý thức bảo vệ và phát triển rừng cũng được nâng lên. Khu Bảo tồn đã thành lập được 19 tổ tự quản và ba tổ phòng cháy với sự tham gia của 350 người dân. Đặc biệt, việc cho phép có kiểm soát để người dân vùng đệm vào rừng gác kèo ong để lấy mật, vừa tạo thêm sinh kế cho gần 100 hộ dân, vừa là “tai mắt” cho Khu Bảo tồn. Nhờ vậy, đã ngăn chặn kịp thời các đối tượng vào rừng trái phép để đánh bắt thủy sản, động vật hoang dã, góp phần vào thành tích hơn 20 năm qua không để xảy ra cháy rừng. Ông Nguyễn Văn Hùng, một trong những hộ dân được Khu Bảo tồn cho phép vào rừng gác kèo ong cho biết: “Việc gác kèo ong và thu hoạch mật ong đều phải được thực hiện đúng quy định nghiêm ngặt, bảo đảm phòng cháy, dưới sự giám sát chặt chẽ của lực lượng Khu Bảo tồn. Chúng tôi cũng ý thức được rằng, đây là quyền lợi và trách nhiệm, phải ra sức canh gác, bảo vệ rừng. Một khi thấy đối tượng lạ vào rừng thì điện báo ngay cho lực lượng quản lý của Khu Bảo tồn”.