Đổi thay ở vùng cao Pác Nặm

Là một trong những huyện vùng cao có "tuổi đời" thuộc diện trẻ của cả nước, 20 năm qua, Pác Nặm (Bắc Kạn) có nhiều nỗ lực đưa diện mạo nông thôn vùng cao đổi thay, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm huyện Pác Nặm.
Trung tâm huyện Pác Nặm.

Pác Nặm theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa là miệng nước. Vùng đất này nằm cheo leo, giáp với hai huyện Bảo Lạc, Nguyên Bình thuộc tỉnh Cao Bằng. Vùng đất này hội tụ đủ những khó khăn điển hình của vùng cao, đó là địa hình chia cắt, nhiều núi cao, thiếu đất sản xuất. Mùa đông thì rét cắt da thịt, mùa hè lại mưa lũ thường xuyên.

Ngày mới thành lập vào tháng 5/2003, huyện Pác Nặm gặp nhiều khó khăn vì kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo lên tới hơn 72%; y tế, giáo dục còn nhiều bất cập; kinh tế mang tính tự cung, tự cấp, năng lực, hiệu quả sản xuất thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội hầu như chưa được đầu tư.

Tuy nhiên, vượt lên tất cả những khó khăn ấy, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, Pác Nặm đã có những chuyển biến tích cực. Thời điểm thành lập huyện, Pác Nặm có 22 trường với hơn 6.000 học sinh thì có tới 85% số phòng học làm bằng tranh tre, nứa lá. Đội ngũ cán bộ, giáo viên thiếu hơn 400 người, tỷ lệ mù chữ trong nhân dân cao. Năm học 2004-2005, số học sinh bỏ học lên đến 150 em. Toàn huyện còn 6/10 xã chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và 4/10 xã chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở...

Thế nhưng, cái khó ló cái khôn, lãnh đạo huyện và các trường học đã mạnh dạn triển khai mô hình bán trú dân nuôi. Nhà trường và thầy cô hỗ trợ dựng lán cho học sinh ở gần trường, thực hiện chăm lo cho các em như con em trong nhà. Cùng với đó, cha mẹ học sinh đưa thực phẩm xuống lán để các em ăn uống, bảo đảm sức khỏe học tập. Pác Nặm là huyện đầu tiên của cả tỉnh xây dựng hai trường phổ thông dân tộc bán trú vào năm 2009.

Đến nay, huyện có 10/19 trường xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú; có tám trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; 10/10 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục-xóa mù chữ; 100% số giáo viên ngành giáo dục đạt chuẩn về trình độ; tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông trung bình hằng năm đạt hơn 95%.

Cùng với đó, hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, kiện toàn, vững mạnh về mọi mặt. So với năm 2003, tổng số đảng viên của Đảng bộ huyện tăng từ 957 đảng viên lên 2.779 đảng viên năm 2023; số tổ chức cơ sở đảng tăng từ 22 lên 33 tổ chức; đặc biệt, huyện không có thôn, bản trắng đảng viên.

Theo đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 22 triệu đồng, tăng 8,8 lần so năm 2003. Thu ngân sách hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, năm 2022 thu ngân sách đạt hơn 10,7 tỷ đồng, tăng gấp 31,7 lần so với năm 2003. Sản xuất trên địa bàn không còn manh mún, tự cung, tự cấp như trước khi cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực. Huyện có chín sản phẩm OCOP được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao; độ che phủ rừng đạt 58%, tăng 23% so với năm 2003.

Các thôn, xã ở Pác Nặm giờ đã không còn xa như trước, khi tất cả các xã có đường ô-tô đến trung tâm xã, 96,5% số thôn có đường ô-tô đến trung tâm thôn, hệ thống đường từ trung tâm xã đến trung tâm thôn được cứng hóa, đạt hơn 84%. Toàn bộ các xã có điện lưới quốc gia, điểm phục vụ bưu chính đạt chuẩn, dịch vụ viễn thông, internet, đài truyền thanh và hệ thống loa; 97,8% số hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Pác Nặm Đào Duy Hưng chia sẻ, mặc dù đã đạt được một số kết quả, song huyện vẫn còn nhiều khó khăn, khi tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững, đời sống nhân dân còn nhiều vất vả, nhất là nhân dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Điều đó đòi hỏi Pác Nặm cần có giải pháp phù hợp, năng động, sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương và thực hiện hiệu quả, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc sẽ đoàn kết, nỗ lực để đưa Pác Nặm phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Trọng tâm là sử dụng hiệu quả các nguồn lực kinh tế, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia, chú trọng sử dụng vốn sự nghiệp hỗ trợ sản xuất, hướng đến phát triển bền vững các khu vực vùng cao.