Chuyện pháp luật

Đội ngũ luật sư của thời kỳ phát triển, hội nhập

Từ 18 tổ chức luật sư nước ngoài và hơn 50 luật sư nước ngoài hiện diện vào năm 1996, cho đến nay 445 luật sư nước ngoài và gần 90 tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài đã được Bộ Tư pháp cấp phép. Hiện, có 165 luật sư nước ngoài và 68 tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài đến từ rất nhiều quốc gia khác nhau như Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Bỉ, Xin-ga-po… hoạt động tại Việt Nam, với nhiều loại hình theo thông lệ quốc tế. Mức độ “nội địa hóa” của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài cũng ngày càng tăng lên. Một số công ty luật nước ngoài đã chuyển giao hoặc chuyển đổi thành công ty luật của Việt Nam; không ít luật sư Việt Nam đã trở thành thành viên hợp danh, trưởng chi nhánh của tổ chức hành nghề luật s

Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt luật sư nước ngoài, Bộ trưởng Hà Hùng Cường trân trọng cảm ơn sự hợp tác của các tổ chức quốc tế, các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam thời gian qua. Trong 20 năm qua, sự có mặt của các luật sư nước ngoài đã góp phần quan trọng vào sự phát triển, trưởng thành nhanh chóng của giới luật sư Việt Nam nói riêng, sự phát triển luật pháp và tư pháp, phát triển KT-XH của Việt Nam nói chung.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, hội nhập quốc tế trong năm 2016 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng mong muốn các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tiếp tục đồng hành, phát triển cùng giới luật sư Việt Nam, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Tư pháp và các đơn vị có liên quan để đạt được mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra trong Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020, nhất là tăng cường hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực pháp luật của Việt Nam, hỗ trợ đội ngũ luật sư, sinh viên, chuyên gia pháp luật phục vụ yêu cầu hội nhập quốc tế.

Sự trưởng thành, phát triển của các tổ chức luật sư nước ngoài và đội ngũ luật sư nước ngoài tại Việt Nam thể hiện qua sự gia tăng về số lượng, quy mô và chất lượng dịch vụ, gắn liền với chủ trương, chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.

Đối với đội ngũ luật sư ở trong nước, thực hiện Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay đã có 444 luật sư, chuyên gia pháp luật nước ta hành nghề chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. TS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, trong đó, có 20 luật sư được tập sự hành nghề trong các tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam và bảy luật sư được đào tạo ở nước ngoài và được công nhận là luật sư của các nước sở tại. “Đây là đội ngũ luật sư trong nước có khả năng cạnh tranh bình đẳng và trở thành những đối tác tương xứng với các luật sư nước ngoài tại Việt Nam” - TS Hoài nói.

Riêng ở TP Hồ Chí Minh, có khoảng 30 tổ chức hành nghề luật sư trong nước hoạt động chuyên sâu trong các lĩnh vực phục vụ hội nhập với hơn 150 luật sư (trong đó có hơn 90 luật sư làm việc tại hơn 50 chi nhánh và công ty luật nước ngoài tại thành phố, chưa kể hàng chục luật sư làm việc tại bộ phận pháp lý của các ngân hàng nước ngoài và trong nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn.

Trên cơ sở Câu lạc bộ Luật sư hội nhập quốc tế đã được thành lập, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có kế hoạch phối hợp Bộ Tư pháp tạo điều kiện, hỗ trợ luật sư tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại Trung tâm liên kết đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế. Đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đề ra chủ trương và chính sách xác định dịch vụ pháp lý thuộc ngành nghề ưu đãi để được hưởng thuế suất ưu đãi và miễn, giảm thuế. Chính phủ cũng cần xem xét hỗ trợ kinh phí cho việc đào tạo luật sư phục vụ hội nhập, trong đó có đào tạo ở nước ngoài, xem đây là hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chung cho đất nước