Theo Bộ Nội vụ, tổng hợp các ý kiến cho thấy, việc bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp đối với công chức, viên chức được thực hiện từ năm 2003 và đi vào nền nếp. Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng cấp chứng chỉ cho công chức, viên chức còn một số hạn chế, như: nội dung một số chương trình bồi dưỡng còn nhiều lý thuyết, chưa thật sự bám sát yêu cầu của vị trí việc làm, còn trùng lặp nội dung giữa các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp trong cùng một chuyên ngành hoặc trùng với kiến thức đào tạo trong trường đại học. Việc quy định yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không còn phù hợp, vì hiện nay các cơ sở đào tạo đã có quy định về việc chuẩn đầu ra phải đạt được trình độ ngoại ngữ, tin học theo các cấp độ tương ứng. Hơn nữa, đối với đội ngũ giáo viên, yêu cầu về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ có sự chồng chéo, trùng lắp về nội dung, chương trình bồi dưỡng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Những nội dung này đã được Bộ Nội vụ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, kiến nghị bãi bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74/79 ngạch công chức và 155/189 chức danh nghề nghiệp viên chức, bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ tin học của 74/79 ngạch công chức và 142/189 chức danh nghề nghiệp viên chức. Đồng thời, đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, đề xuất nêu trên của Bộ Nội vụ, dù đã góp phần tạo sự thông thoáng, "đơn giản hóa thủ tục hành chính" về tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp, giảm gánh nặng cho công chức, viên chức và giảm lãng phí thời gian, tiền của cho xã hội, nhưng vẫn cần tiếp tục bổ xung thêm đề xuất các giải pháp đáp ứng yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đã được nêu rõ trong các nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Mục tiêu cao nhất của công tác đào tạo nói chung, bồi dưỡng các loại chứng chỉ nói riêng là nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ phục vụ sự phát triển đất nước. Đề xuất hiện nay vẫn mới dừng ở sự cải tiến về mặt hình thức, giảm giấy tờ, còn nội hàm vẫn còn đặt nặng yếu tố "chứng chỉ" như là một trong những tiêu chí để tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ...
Để phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định một trong những khâu đột phá là ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, nhiệm vụ ngày càng nặng nề đó, nhu cầu khách quan của mỗi cán bộ, công chức, viên chức là được không ngừng trau dồi, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Vì vậy, yêu cầu rất quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, hướng tới cung cấp cho người học một nền kiến thức cụ thể về quản lý hành chính nhà nước, quản lý chuyên ngành, chuyên môn trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, các kỹ năng giải quyết, xử lý công việc, tình huống trong thực tiễn sinh động. Cần sử dụng các phương pháp kiểm tra, sát hạch đánh giá năng lực để kịp thời điều chỉnh, có giải pháp đào tạo lại, bồi dưỡng lại đội ngũ cho phù hợp yêu cầu công việc và coi đây là công việc thường xuyên, liên tục, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu...
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vững mạnh, thật sự chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo là yếu tố quyết định để có nền hành chính hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.