PV: Được biết, trong nửa đầu nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, qua đó đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đồng chí, những kết quả nổi bật nhất trong đó là gì?
Đồng chí Thào Xuân Sùng: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ tiêu đề ra, nổi bật có việc xây dựng và ban hành hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Điều lệ hội, các nghị quyết chuyên đề; đẩy mạnh, đa dạng hóa công tác phát triển hội viên mới, tích cực đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi, tổ hội theo hướng thiết thực, hiệu quả, gắn với sản xuất và đời sống, mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên, nông dân.
Nhờ đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hội Nông dân Việt Nam đã kết nạp thêm gần 413 nghìn hội viên mới, gắn với công tác nâng cao chất lượng hội viên theo hướng trí thức hóa nông dân; xây dựng được 433 chi hội nông dân nghề nghiệp, 3.828 tổ hội nông dân nghề nghiệp bước đầu hoạt động hiệu quả, khắc phục phần lớn hạn chế, khó khăn, yếu kém trong sinh hoạt chi hội, tổ hội truyền thống, từng bước nâng cao năng lực tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Một điểm sáng khác của Hội Nông dân Việt Nam trong nhiệm kỳ 2018 - 2023 là thành lập hệ thống Ủy ban Kiểm tra của hội từ T.Ư đến cấp cơ sở nhằm tăng cường, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm việc chấp hành Điều lệ hội và các nghị quyết, quy định của hội một cách nghiêm túc, hiệu quả.
Hội Nông dân các cấp đã chủ trì, phối hợp tổ chức hơn một nghìn đoàn liên ngành giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, qua đó phát hiện 1.367 dấu hiệu vi phạm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; tham gia 1.243 đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam các sở, ngành trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, về tình hình quản lý đất nông, lâm nghiệp...
Đồng thời, phối hợp các bộ, ngành, UBND các cấp hòa giải hơn 20 nghìn vụ việc mâu thuẫn ở cơ sở, qua đó hạn chế khiếu kiện sai, vượt cấp, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nông dân, tăng cường khối đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội nông thôn.
PV: Trong số các nhiệm vụ cụ thể mà Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII đã đề ra, có chỉ tiêu về 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký và 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Hiện, công tác triển khai chỉ tiêu này đã thu được những kết quả gì?
Đồng chí Thào Xuân Sùng: Thực tiễn, trong những năm qua, việc thực hiện các chỉ tiêu nêu trên đều đạt kết quả tích cực. Bình quân hằng năm, số hộ nông dân đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi đạt hơn 6,2 triệu, trong đó số hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đạt hơn 3,55 triệu hộ (chiếm 57,2 % số hộ đăng ký).
Năm 2019, đa số các tỉnh, thành phố đều thực hiện đạt chỉ tiêu, có nhiều địa phương đã vượt mức chỉ tiêu như: Tiền Giang - 162%; Vĩnh Phúc - 151%; Bình Dương - 143%; Trà Vinh - 136%... Tính trên tổng số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, thì mức thực hiện kế hoạch đã đạt tỷ lệ 105% chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, các cấp hội nông dân cả nước cần phấn đấu nâng cao hơn nữa tỷ lệ số hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi để tận dụng triệt để những chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn mà Đảng, Nhà nước mới ban hành. Trong đó, tập trung vào các mô hình phát triển kinh tế trang trại, gia trại; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững; dồn điền đổi thửa, từng bước khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất…
PV: Công tác vận động nông dân tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường giai đoạn 2010-2020 đã đạt nhiều kết quả tích cực, ngày càng khởi sắc. Xin đồng chí phân tích rõ hơn về những nguyên nhân mang lại thành công nêu trên?
Đồng chí Thào Xuân Sùng: Những kết quả tích cực trong vận động nông dân thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có được là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ, sáng tạo và trách nhiệm của mọi cấp Hội Nông dân Việt Nam trong tuyên truyền, vận động nhà nông triển khai các cách làm hay, mô hình hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường nông thôn, quốc phòng, an ninh; phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng; nâng cao nhận thức của đông đảo hội viên, nông dân cũng như tinh thần, ý thức làm chủ của nông dân trong thời đại mới; tổ chức các phong trào thi đua với trọng tâm là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trong khuôn khổ phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”…
Các cấp hội nông dân cả nước đã tích cực tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, dạy nghề cho nông dân, góp phần nâng cao thu nhập, xóa hộ đói, giảm hộ nghèo; hỗ trợ vốn để hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh bằng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân và các nguồn vốn ủy thác, tín chấp theo chương trình phối hợp của các cấp hội nông dân với các ngân hàng, nhất là Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, triển lãm, hội chợ, giới thiệu nông sản; tập huấn kiến thức, đào tạo nghề, học tập kinh nghiệm ở một số nước có nền nông nghiệp phát triển, giới thiệu việc làm cho nông dân sau đào tạo, tập huấn; phối hợp các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân về thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các loại giống cây, con; đề xuất chính sách hỗ trợ cho nông dân; chủ động khuyến khích, thúc đẩy nông dân khởi nghiệp, sáng tạo.
PV: Đồng chí kỳ vọng gì nền nông nghiệp nước nhà nói chung, công tác hội, cán bộ hội nói riêng gắn với các mục tiêu mà hội đã đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII?
Đồng chí Thào Xuân Sùng: Chúng ta cần nhìn nhận ngành nông nghiệp không chỉ sản xuất vật chất, mà còn là ngành kinh doanh, kinh tế tri thức nông nghiệp, trong đó nhu cầu thị trường là mệnh lệnh cho sản xuất nông nghiệp.
Tư duy trong địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã phải nhường chỗ cho tư duy kết nối giá trị để nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh thương mại. Do đó, cần xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển nông nghiệp ở phạm vi quốc gia, miền, vùng từ sản xuất đến chế biến để nâng cao giá trị hàng hóa.
Đồng thời, đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh doanh nông nghiệp với vai trò nổi bật của doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và cơ chế, chính sách tương thích về giảm bớt chỉ đạo hành chính, đẩy nhanh sự hình thành một thế hệ nông dân mới luôn tự tin trên mặt trận nông nghiệp.
35 năm qua, động lực của công cuộc đổi mới nông nghiệp từ các chính sách đất đai, phát huy vai trò của kinh tế hộ đã đem lại nhiều thành công, nhưng nay lại đang mất dần động lực khi nông hộ với nền nông nghiệp nhỏ, lẻ, manh mún đứng trước nhiều thách thức mới, thiếu kết nối sản xuất thị trường, hiệu quả thấp và sức cạnh tranh yếu kém của hàng hóa nông sản.
Vì vậy, khi đất nước đã tham gia các Hiệp định thương mại tự do CPTPP và EVFTA, Nhà nông không thể thiếu nhà doanh nghiệp, nhất là nhà doanh nghiệp công nghệ cao; cần được giải phóng bằng kiến thức của nhà kinh doanh, được đào tạo nghề về nâng cao giá trị sản xuất các ngành hàng chủ lực và mở rộng các ngành nghề phi nông nghiệp.
Để khoa học và công nghệ thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của ngành nông nghiệp trong thời gian tới, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong phối hợp các tập đoàn lớn trong ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật vào phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng hiện đại, thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam các cấp cũng phải nhanh chóng thích ứng với tư duy mới, đáp ứng sự mong đợi của nông dân, chuyển dần từ nhiệm vụ “giúp nông dân” sang vai trò đối tác thúc đẩy, tạo thuận lợi, hỗ trợ chính sách, kiến thức, thông tin, kỹ năng… để đồng hành cùng nông dân trên chặng đường đổi mới của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!