Đổi mới phương thức, tác phong lãnh đạo ở Bắc Ninh

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức, cùng những hạn chế, yếu kém trước đây trong xây dựng Đảng cần tập trung khắc phục kịp thời, các cấp ủy đảng ở Bắc Ninh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Qua nửa nhiệm kỳ, các giải pháp, chương trình hành động đã đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả trong toàn Đảng bộ, tạo những chuyển động tích cực, ghi dấu ấn rõ nét, góp phần từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đề ra.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh trao Huy hiệu 80 năm tuổi đảng và chúc mừng đảng viên Nguyễn Văn Hải (Đảng bộ xã Tri Phương, huyện Tiên Du). (Ảnh HÙNG SƠN)
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh trao Huy hiệu 80 năm tuổi đảng và chúc mừng đảng viên Nguyễn Văn Hải (Đảng bộ xã Tri Phương, huyện Tiên Du). (Ảnh HÙNG SƠN)

Vận hành và hoàn thiện cơ chế

Thực tế ghi nhận, nhiều năm liền tỉnh Bắc Ninh luôn chủ động cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với điều kiện thực tế.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Chung trao đổi: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh ủy ban hành 8 đề án, 80 nghị quyết, 26 chỉ thị, 49 chương trình, 85 kế hoạch, 662 kết luận… Để có căn cứ đánh giá đúng tình hình và đề ra giải pháp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức các buổi làm việc với ban thường vụ các cấp ủy trực thuộc tỉnh, các sở, ngành của tỉnh. Theo đó, nhiều giải pháp được ban hành, đây cũng chính là quá trình ghi dấu ấn trong đổi mới phương thức lãnh đạo, bảo đảm vận hành đồng bộ và hoàn thiện cơ chế. Tỉnh ủy cũng yêu cầu các cấp ủy phải tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới phong cách lãnh đạo theo hướng khoa học, sâu sát thực tiễn, hướng về cơ sở toàn diện và hiệu quả; vừa giải quyết những vấn đề cấp thiết trước mắt, vừa quan tâm các vấn đề chiến lược phù hợp với thực tiễn của tỉnh.

Tỉnh ủy cũng yêu cầu các cấp ủy phải tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới phong cách lãnh đạo theo hướng khoa học, sâu sát thực tiễn, hướng về cơ sở toàn diện và hiệu quả; vừa giải quyết những vấn đề cấp thiết trước mắt, vừa quan tâm các vấn đề chiến lược phù hợp với thực tiễn của tỉnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Chung

Về chủ đề này, Bí thư Thị ủy Quế Võ Lê Hồng Phúc trao đổi: Thị ủy luôn bám sát đường lối, chủ trương và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, quy chế làm việc, chương trình toàn khóa, chương trình làm việc hằng năm; điều chỉnh, bổ sung kịp thời những vấn đề mới phát sinh. Trước tình trạng một số cán bộ đảng viên sợ sai, sợ trách nhiệm trong tham mưu, thực hiện nhiệm vụ, Ban Thường vụ đã coi trọng rèn luyện tác phong lãnh đạo đối với từng tập thể cấp ủy gắn liền phân công, kiểm điểm trách nhiệm rõ ràng...

Trước tình hình một bộ phận cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật bị kiểm điểm, kỷ luật, có trường hợp bị xử lý hình sự đã tác động đến tư tưởng, tâm trạng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành đề án "Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật của Đảng nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh"…

"Quá trình triển khai, các cấp ủy đi vào đổi mới phương pháp, kỹ năng, quy trình, hoàn thiện các quy định, quy trình, quy chế làm cơ sở tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, tăng cường hiệu quả việc kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm", Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nguyễn Công Thắng trao đổi.

Mặt khác, các cấp ủy cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo và việc thi hành kỷ luật trong Đảng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ủy ban kiểm tra các cấp giúp cấp ủy kiểm tra 918 tổ chức đảng, 6.789 đảng viên theo Điều 30 Điều lệ Đảng; giám sát chuyên đề 979 tổ chức đảng, 2.416 đảng viên; giúp cấp ủy kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 6 tổ chức đảng, 7 đảng viên; tham mưu cấp ủy thi hành kỷ luật 18 tổ chức đảng, 595 đảng viên…

Ba năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy Bắc Ninh và cấp ủy cơ sở đã tiến hành kiểm tra, giám sát đối với 402 lượt tổ chức đảng và 461 lượt đảng viên (trong đó có 357 cấp ủy viên, cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý). Quá trình này các cấp ủy đặc biệt quan tâm và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm và xử lý các vụ việc do Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo và giao nhiệm vụ; các vụ việc phức tạp, nổi cộm, phát sinh, dư luận quan tâm. Lĩnh vực phòng chống tham nhũng, tiêu cực được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao; nhiều vụ việc tồn đọng, nổi cộm được tập trung chỉ đạo giải quyết.

Theo đó, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát được nâng lên. Đây chính là nhân tố quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh.

Dồn sức vào khâu "then chốt"

Thực tế quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh từ đầu nhiệm kỳ ghi nhận những chuyển động tích cực, thực chất. Tỉnh ủy đã triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Các ban đảng coi trọng tham mưu đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy những vấn đề lớn của tỉnh về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; công tác dân vận, kiểm tra giám sát của Đảng; về quản lý, sử dụng biên chế; công tác phát triển đảng viên, quản lý đảng viên; công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; chế độ chính sách; mô hình thí điểm Trung tâm hành chính công cấp huyện; công tác bảo vệ chính trị nội bộ…

Trước tình hình một số lĩnh vực, nhiệm vụ, nội dung công tác còn bất cập, trì trệ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo đột phá vào khâu then chốt của then chốt. Gắn liền với đó, Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng, triển khai các đề án: "Tăng cường xây dựng nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2035"; "Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn giai đoạn 2022-2030, định hướng đến năm 2035".

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phùng Đức Chiến trao đổi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện các khâu của công tác cán bộ theo hướng ngày càng đồng bộ, thống nhất, liên thông, mở rộng phân cấp, phân quyền, gắn với trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Về lĩnh vực này, Huyện ủy Gia Bình có bài học kinh nghiệm là lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; phân công nhiệm vụ cụ thể theo phương châm 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả).

Mặt khác, tỉnh tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa các quy định, quy chế, quy trình, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sàng lọc và bố trí, sắp xếp cán bộ theo hướng thực hiện thường xuyên, đồng bộ và liên thông; thực hiện có hiệu quả công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử gắn với tinh giản biên chế; tham mưu chỉ đạo triển khai thực hiện chủ trương bí thư, chủ tịch cấp huyện, cấp xã không là người địa phương.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã bố trí được 7/8 bí thư cấp ủy cấp huyện và 3/8 chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố không là người địa phương. Kết quả quy hoạch cán bộ các cấp của Bắc Ninh nhiệm kỳ 2025-2030 và 2026-2031 bảo đảm cơ cấu, tiêu chuẩn, chất lượng theo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương; trong đó, đã được phê duyệt 16 chức danh diện Trung ương quản lý, 20 ủy viên Ban Thường vụ, 71 ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh…

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã bố trí được 7/8 bí thư cấp ủy cấp huyện và 3/8 chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố không là người địa phương. Kết quả quy hoạch cán bộ các cấp của Bắc Ninh nhiệm kỳ 2025-2030 và 2026-2031 bảo đảm cơ cấu, tiêu chuẩn, chất lượng theo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương; trong đó, đã được phê duyệt 16 chức danh diện Trung ương quản lý, 20 ủy viên Ban Thường vụ, 71 ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, tỉnh còn một số chỉ tiêu, nội dung công tác kết quả đạt được chưa cao. Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát ở một số tổ chức đảng hạn chế, nhất là trong giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề gắn với trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị.

Khảo sát mới đây cho thấy, công tác vận động quần chúng, nhất là trong giải phóng mặt bằng để phục vụ các công trình, dự án còn hạn chế; nguồn nhân lực khoa học-công nghệ trình độ cao vẫn còn thiếu về số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh…

Thực tế đó đòi hỏi, các cấp ủy tiếp tục nâng cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu. Các cấp ủy đảng cần có những giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý, giáo dục, bồi dưỡng chính sách, cơ chế đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh; mặt khác, cần chủ động tham mưu kiện toàn tổ chức bộ máy gắn liền coi trọng đổi mới phong cách làm việc. Các cấp ủy tiếp tục hướng mạnh vào mục tiêu xây dựng Đảng, hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu, lãnh đạo của tổ chức đảng, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển…