Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh dự và chủ trì Hội thảo.
Dự hội thảo có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, lãnh đạo các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương khu vực miền trung-Tây Nguyên, một số tỉnh phía nam, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 khóa XIII; các đại biểu chuyên gia, nhà khoa học...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Tiếp sau Hội thảo được tổ chức tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức tiếp tục phối hợp tổ chức Hội thảo để lắng nghe ý kiến của các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học của các tỉnh, thành khu vực miền trung-Tây Nguyên và phía nam về những vấn đề lý luận và thực tiễn trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 35 tham luận của đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. 11 ý kiến tham luận trình bày tại Hội thảo đã tập trung làm rõ, làm sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị trong tình hình mới. Những vấn đề có ý nghĩa nhiều mặt đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nói riêng, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 khóa XIII nhấn mạnh: Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều thừa nhận thành quả của những năm đổi mới; phương thức lãnh đạo của Đảng liên tục được đổi mới, có kết quả trên nhiều lĩnh vực.
Trong quá trình lãnh đạo, Đảng kịp thời ban hành chủ trương, đường lối, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, phát huy dân chủ, đổi mới phương thức, lề lối làm việc, tăng cường công tác duy trì vận động, không chỉ cán bộ đảng viên mà còn trong nhân dân; đưa đường lối chủ trương của Đảng vào cuộc sống, đặc biệt coi trọng công tác cán bộ, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, công tác kiểm tra giám sát; phải tiếp tục làm sao cho cho phương thức lãnh đạo của Đảng mang lại những kết quả như mong muốn.
Phương thức lãnh đạo của Đảng là một vấn đề đặc biệt quan trọng, là một yêu cầu đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực làm việc đối với đảng viên, đối với những người lãnh đạo của Đảng. Yêu cầu là phương thức này phải toàn diện, xuyên suốt, đồng bộ, vận dụng cao nhất để đạt được hiệu quả nhằm đưa đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng vào cuộc sống. Đây là yêu cầu rất là cao trong đổi mới để tăng hiệu quả của phương thức lãnh đạo Đảng.
Theo đồng chí Trương Thị Mai, vấn đề được đề cập nhiều nhất là quan điểm đường lối được thể hiện qua hệ thống văn bản của Đảng, cả về nội dung và hình thức. Cần đổi mới cách thức ban hành văn bản của Đảng, tạo thuận lợi nhất cho quá trình triển khai đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng vào cuộc sống một cách nhanh, kịp thời và hiệu quả hơn. Quá trình triển khai nghị quyết, văn bản của Đảng phải có văn hóa, cán bộ đảng viên yêu cầu phải cao hơn, phải hiểu sâu sắc hơn, đầy đủ hơn văn bản của Đảng. Từ đường lối quan điểm đến vấn đề thể chế, các quy định, quy chế, quy trình phải cụ thể, rõ ràng, đi vào cuộc sống nhanh hơn, kiểm tra đánh giá thuận lợi hơn. Đồng thời cần nâng cao năng lực dự báo, năng lực đánh giá tình hình, năng lực cụ thể hóa để bảo đảm việc tổ chức thực hiện phải phù hợp với đặc điểm, với địa bàn, với đơn vị cơ quan, tổ chức khác nhau.
Quang cảnh Hội nghị. |
Nhiều đại biểu đề cập đến cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ và hoạt động của các tổ chức hệ thống chính trị. Làm sao cho phương thức Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức hệ thống chính trị đạt được hiệu quả cao. Phương thức là chung, nhưng việc vận hành sẽ khác vì chức năng nhiệm vụ của các tổ chức khác nhau.
Thí dụ như các cơ quan, tổ chức nhà nước như Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc... sẽ vận hành khác nhau trên cơ sở nguyên tắc chung, trên cơ sở chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng.
Về trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, mối quan hệ tập thể với người đứng đầu, chúng ta đã có quy chế làm việc, nhưng vẫn còn một số điểm chưa phân định rõ, cần được tiếp tục làm sáng tỏ, cần rõ ràng hơn, tạo thuận lợi hơn trong các mối quan hệ công tác. Phải làm sao để Đảng không bao biện làm thay, không buông lỏng lãnh đạo. Muốn vậy phải dựng hệ thống quy chế, quy định làm việc rõ ràng, minh bạch.
Về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, yêu cầu là đội ngũ cán bộ phải có đủ phẩm chất, uy tín, phải ngang tầm nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ tốt thì mới đổi mới được phương thức lãnh đạo tốt, kịp thời, hiệu quả. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ phải luôn được xem là xương sống trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Cán bộ nào thì phong trào đó, muốn đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phải có đội ngũ cán bộ xứng tầm, được bố trí đúng năng lực, sở trường, chuyên môn.
Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, việc đổi mới phong cách, lề lối làm việc, đường lối quan điểm của Đảng phải được chuyển tải thông qua phương thức hoạt động có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, đối ngoại, nâng cao cuộc sống nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, nâng cao mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân trong suốt quá trình phát triển. Làm sao để tối ưu hóa quá trình vận hành phương thức lãnh đạo của Đảng để có được hiệu quả tốt nhất. Phải phát huy tối đa chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị qua phương thức lãnh đạo của Đảng.
Đồng chí Tổng Bí thư đã nhấn mạnh 3 nội dung cốt yếu trong phương thức lãnh đạo của Đảng, đó là lãnh đạo thông qua đường lối, quan điểm; lãnh đạo thông qua tổ chức bộ máy và cán bộ; lãnh đạo thông qua kỹ năng lãnh đạo của cán bộ. Thực tiễn quá trình đổi mới cho thấy yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng luôn luôn là yêu cầu cấp thiết.
Những ý kiến tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm giúp Ban Chỉ đạo có cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc hơn khi xác định các nội dung đưa vào Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương thời gian tới, để Trung ương xem xét, ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong điều kiện mới.