Đổi mới, nâng cao chất lượng hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị

Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức định kỳ 5 năm/2 lần với sự tham gia của 63 trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 11 trường bồi dưỡng cán bộ của bộ, ngành trong cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ bế mạc, trao giải thưởng Hội thi giảng viên giỏi cấp học viện.
Lễ bế mạc, trao giải thưởng Hội thi giảng viên giỏi cấp học viện.

Đây là dịp để Học viện, các tỉnh ủy, thành ủy đánh giá chất lượng đội ngũ giảng viên, qua đó có kế hoạch, biện pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư. Hội thi góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là: “Tập trung xây dựng, củng cố năng lực của đội ngũ giảng viên chính trị, báo cáo viên; kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các trường chính trị”(1).

Diễn đàn của đội ngũ giảng viên các trường chính trị toàn quốc

Xuất phát từ yêu cầu cần phải có một “diễn đàn” để giảng viên của 63 trường chính trị và 11 trường bộ, ngành học hỏi, giao lưu, trau dồi chuyên môn; nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, năm 2005, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã chủ trì, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Với ý nghĩa, tính thiết thực, từ đó đến nay, trải qua 7 kỳ Hội thi toàn quốc, đã thu hút được 883 giảng viên các trường tham gia với chất lượng cao.

Hội thi lần thứ I (năm 2005) có 121 giảng viên của 61/64 trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia, tổ chức tại 2 địa điểm là Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa (khu vực phía bắc) và Trường Chính trị Phạm Hùng tỉnh Vĩnh Long (khu vực phía nam), có 23 giảng viên được Giám đốc Học viện tặng bằng khen “Giảng viên dạy giỏi xuất sắc”. Qua các kỳ thi tiếp theo, nội dung, hình thức, quy chế dự thi ngày càng bảo đảm hoàn thiện, đồng bộ và khoa học, bám sát yêu cầu và tình hình phát triển của các nhà trường và đội ngũ giảng viên dự thi.

Các kỳ Hội thi tiếp theo đều được sự hưởng ứng tham gia tích cực của giảng viên các trường chính trị, qua đó góp phần lan tỏa ý nghĩa của việc nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị.

Kế thừa, tiếp nối thành công của những kỳ hội thi trước, năm 2023, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VIII. Lần đầu tiên, Hội thi được tổ chức quy mô toàn quốc tại một điểm thi - Thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham dự của các trường chính trị, trường bộ, ngành trên toàn quốc. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tới công tác chấm điểm, đánh giá được thống nhất, toàn diện.

Nhận thức ý nghĩa, mục tiêu, yêu cầu của Hội thi, Học viện đã chú trọng đổi mới đồng bộ các khâu trong công tác tổ chức Hội thi. Trong đó, lấy hoàn thiện thể chế, quy chế, quy định về hội thi là trọng tâm; lấy đổi mới đánh giá làm đột phá; đẩy mạnh công tác phối hợp, kết nối là yếu tố quan trọng quyết định thành công của Hội thi. Học viện đã sớm ban hành các văn bản, thể chế hướng dẫn, bảo đảm quá trình tổ chức hội thi từ cấp cơ sở (cấp trường) tới cấp toàn quốc bảo đảm sự thống nhất về nội dung, tiêu chí.

Hội thi lần này, thành phần đại biểu tham dự có các đồng chí đại diện thường trực các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; chắc chắn, từ kết quả của Hội thi, sẽ cung cấp thêm những dữ liệu để các địa phương có kế hoạch xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, giảng viên lý luận, đầu tư nguồn lực xây dựng trường chính trị địa phương xứng tầm yêu cầu, nhiệm vụ.

Theo đó, hoạt động thao giảng cấp trường đã được nâng lên thành Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường. Như vậy, Hội thi được tổ chức ở hai cấp: cấp trường và cấp toàn quốc. Bên cạnh những đổi mới trong cơ cấu, thành phần Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Hội đồng Giám khảo, Tổ ra đề thi viết, Tổ Thư ký Hội thi toàn quốc, số lượng giảng viên tham dự Hội thi của mỗi trường cũng được quy định bảo đảm Hội thi thực sự khách quan, bình đẳng giữa các trường tham dự.

Trong suốt quá trình chuẩn bị tổ chức kỳ Hội thi lần thứ VIII, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh luôn có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ xây dựng kế hoạch, chương trình đến tổ chức thực hiện các hoạt động của Hội thi; duy trì chế độ họp Ban chỉ đạo, Ban tổ chức Hội thi để kịp thời nắm bắt tình hình; chỉ đạo, triển khai các hoạt động.

Trong quá trình các trường chính trị tổ chức Hội thi cấp trường, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh luôn đồng hành, kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo về mặt chuyên môn... Hội thi lần này, thành phần đại biểu tham dự có các đồng chí đại diện thường trực các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; chắc chắn, từ kết quả của Hội thi, sẽ cung cấp thêm những dữ liệu để các địa phương có kế hoạch xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, giảng viên lý luận, đầu tư nguồn lực xây dựng trường chính trị địa phương xứng tầm yêu cầu, nhiệm vụ.

Có thể khẳng định Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị, trường bộ, ngành do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức trong gần 20 năm qua đã góp phần xây dựng đội ngũ, bồi dưỡng những thế hệ giảng viên lý luận chính trị-giảng viên trường Đảng ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Hội thi đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn

Ngày 19/5/2021 Ban Bí thư ban hành Quy định số 11-QĐ/TW về trường chính trị chuẩn, nhằm chuẩn hóa các mặt hoạt động của trường chính trị cấp tỉnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ về chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.

Theo đó, các trường chính trị cấp tỉnh cần phải được chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giảng viên; chuẩn hóa các điều kiện phục vụ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; chuẩn hóa về thể chế, văn hóa trường Đảng, về cơ sở vật chất theo các mức chuẩn 1 và 2. Mỗi mức chuẩn đều có 6 tiêu chí với các chỉ tiêu khác nhau. Trong đó, các tiêu chí về xây dựng đội ngũ giảng viên giữ vai trò then chốt, quyết định đến quá trình chuẩn hóa các tiêu chí còn lại.

Tại Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định “Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được đổi mới cả về nội dung và phương pháp; tăng cường quản lý, kỷ luật trong giảng dạy, học tập; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên; từng bước khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị, dạy và học hình thức”(2). Để thực hiện được mục tiêu, yêu cầu này phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, giảng viên trường Đảng mẫu mực, đủ tâm, đủ tài.

Trước yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, chuẩn hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, cùng với hoạt động thao giảng cấp khoa, hoạt động đánh giá giảng viên thông qua Hội thi giảng viên dạy giỏi các cấp càng trở nên cần thiết.

Trước yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, chuẩn hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, cùng với hoạt động thao giảng cấp khoa, hoạt động đánh giá giảng viên thông qua Hội thi giảng viên dạy giỏi các cấp càng trở nên cần thiết. Hội thi lần thứ VIII được tổ chức năm 2023 theo Quy chế Hội thi giảng viên dạy giỏi các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trong bối cảnh các trường chính trị đang tích cực, khẩn trương, quyết liệt xây dựng trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW.

Trên cơ sở đổi mới quy định về tổ chức Hội thi giảng viên dạy giỏi các cấp, nhằm nâng cao chất lượng Hội thi hướng tới mục tiêu đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, cần thống nhất quan điểm “muốn có học viên giỏi phải có giảng viên giỏi” và Hội thi là một hình thức để Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, các trường chính trị đánh giá chất lượng giảng viên.

Đồng thời, Hội thi cũng tạo điều kiện để giảng viên các trường chính trị, trường bộ, ngành vừa thể hiện năng lực giảng dạy của mình, vừa học hỏi kinh nghiệm giảng dạy, bổ sung, hoàn thiện cả về kiến thức và phương pháp, kỹ năng sư phạm.

Hội thi các cấp phải đạt mục tiêu góp phần thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, nghiên cứu tốt, tạo diễn đàn để cán bộ, giảng viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, qua đó tạo sự chuyển biến toàn diện, sâu sắc trong hoạt động của các trường, hướng tới xây dựng trường chính trị chuẩn; góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới ở các địa phương và trong cả nước.

Thứ hai, với việc tổ chức Hội thi cấp trường và cấp toàn quốc có tính chất liên thông với nhau, Hội thi giảng viên dạy giỏi các cấp phải được tổ chức nghiêm túc, đúng quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, bảo đảm mục tiêu của hoạt động này. Trong đó, đặc biệt quan tâm thực hiện các khâu: từ xây dựng kế hoạch Hội thi; chuẩn bị và thông qua giáo án, chấm giáo án, tổ chức thi giảng; chấm thi giảng; việc đánh giá, rút kinh nghiệm tổ chức Hội thi; chế độ, chính sách cho giảng viên đạt kết quả tốt trong Hội thi.

Thứ ba, Hội thi giảng viên dạy giỏi các cấp phải là cơ hội để các giảng viên cập nhật nội dung các văn kiện mới nhất của Đảng, tình hình trong nước và quốc tế, những kiến thức lý luận và thực tiễn mới vào bài giảng. Muốn vậy, công tác chuẩn bị về nội dung cho thi giảng các cấp phải được đặc biệt quan tâm. Trong chấm điểm thi giảng các cấp, chú trọng đánh giá tiêu chí chuẩn bị nội dung.

Thứ tư, trên cơ sở những giảng viên dạy giỏi được lựa chọn qua Hội thi các cấp, các trường cần tiếp tục quan tâm, bồi dưỡng để giảng viên giỏi có điều kiện thuận lợi tiếp tục phấn đấu, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, ngày càng hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, trở thành những chuyên gia giỏi, những người giảng viên trường Đảng mẫu mực, có uy tín và trách nhiệm, được đồng nghiệp, học viên tiếp tục tôn vinh trên mọi cương vị công tác.

Thứ năm, kết quả thi giảng của các giảng viên tại Hội thi các cấp là một trong những cơ sở quan trọng để cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, tạo điều kiện và có chính sách cụ thể cho việc đào tạo, bồi dưỡng giảng viên; có chế độ động viên kịp thời các giảng viên đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi và dạy giỏi xuất sắc.

Thứ sáu, phát huy những kết quả đã đạt được qua thi giảng các cấp, các trường cần tiếp tục duy trì và thúc đẩy phong trào “dạy tốt, học tốt”, với phương châm thi đua là “Chủ động - Đồng bộ - Đột phá - Kỷ cương - Chất lượng - Hiệu quả” để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.

Các trường cần có kế hoạch cụ thể và duy trì nền nếp tổ chức hoạt động thao giảng, dự giờ, tổ chức tốt Hội thi cấp trường, tạo điều kiện cho giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp, nghiệp vụ sư phạm. Qua đó, đánh giá, phân loại chất lượng giảng viên, nhằm đào tạo, bồi dưỡng trước mắt và lâu dài để có được đội ngũ giảng viên đạt chuẩn, xây dựng trường chính trị chuẩn, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt, phục vụ cho công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của các địa phương và cả nước.

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 236.

(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.170.