Ðổi mới giáo dục - đào tạo, thành tựu và thách thức

Nền giáo dục nhân dân được xây dựng và phát triển từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những thành tựu vĩ đại mà nhân dân ta đạt được trong thế kỷ 20. Ðó là thành tựu thế kỷ! Vượt qua bao gian nan thử thách, sự nghiệp giáo dục nước ta đã liên tục phát triển, tiến bộ, xây dựng được một nền quốc học nhân dân, một yếu tố quan trọng để giải phóng con người, giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Thành tựu giáo dục có được như hôm nay bắt nguồn sâu xa từ truyền thống hiếu học dần dần được hình thành trong văn hóa Sơn Vi, văn hóa Hòa Bình, nhất là văn hóa Ðông Sơn thời Vua Hùng dựng nước, vượt qua hơn 10 thế kỷ Bắc thuộc, bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ thời Lý qua chín thế kỷ độc lập dân tộc, rồi thời kỳ thực dân Pháp đô hộ đến năm 1945, đạt đỉnh cao phát triển từ Cách mạng Tháng Tám.

Trong thời đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, giáo dục nước nhà đã có những bước phát triển mới. Trong thời kỳ này, BCH T.Ư Ðảng đã có một kỳ họp chuyên đề về giáo dục và khoa học công nghệ, đó là Hội nghị T.Ư 2 khóa VIII (1996).

Trước đó, khóa VII có Hội nghị T.Ư 4 (1992) đã ra Nghị quyết về giáo dục, y tế, dân số và thanh niên. Khóa IX có Hội nghị T.Ư 6 kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 2 khóa VIII. Quốc hội lần đầu ban hành Luật Phổ cập giáo dục tiểu học (1991).

Năm 1998 ban hành Luật Giáo dục, và sau bảy năm thực hiện, vừa qua đã thông qua Luật Giáo dục sửa đổi (2005) và một số nghị quyết về giáo dục. Chính phủ ban hành một số nghị định để triển khai thực hiện các nghị quyết của BCH T.Ư Ðảng về giáo dục và triển khai thực hiện các luật về giáo dục.

Các văn kiện này thể hiện một bước phát triển nhận thức mới về vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục: giáo dục - đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu với bốn quan điểm chỉ đạo:

1- Giáo dục và đào tạo là động lực thúc đẩy, là điều kiện cơ bản bảo đảm việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước. Phải coi đầu tư cho giáo dục là một hướng chính của đầu tư phát triển.

2- Mục tiêu giáo dục - đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo những con người có kiến thức văn hóa, khoa học, có kỹ năng nghề nghiệp,... Mở rộng quy mô, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, gắn học với hành, tài với đức.

3- Gắn chặt với yêu cầu phát triển đất nước và phù hợp xu thế tiến bộ của thời đại.

4- Ða dạng hóa các hình thức đào tạo; thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục.

Ðể triển khai chủ trương đổi mới giáo dục, ngành giáo dục đã phân tích các mất cân đối (các mâu thuẫn) đang đặt ra lúc đó (1987) đối với sự phát triển giáo dục:

+ Mất cân đối giữa phát triển kinh tế - xã hội và phát triển giáo dục; giữa mong muốn phát triển giáo dục thật nhanh và chính sách đầu tư thấp cho giáo dục; giữa yêu cầu phát triển số lượng người đi học và khả năng bảo đảm chất lượng giáo dục; giữa ý định phổ cập ngay giáo dục trung học phổ thông (cấp III) trong cả nước và các điều kiện thực hiện.

+ Mất cân đối giữa cơ cấu kinh tế - xã hội và cơ cấu giáo dục; giữa đòi hỏi của sự phát triển cơ cấu lao động và cơ cấu đào tạo; giữa đào tạo và sử dụng.

+ Trong nội bộ ngành cũng như trong hoạt động dạy - học ngày càng bộc lộ nhiều mất cân đối, ảnh hưởng rõ rệt tới chất lượng giáo dục, như mất cân đối giữa yêu cầu giáo dục toàn diện và số lượng giáo viên, cơ cấu đội ngũ giáo viên, giữa phát triển thể chất và tinh thần; giữa dạy lý thuyết và dạy thực hành, thực nghiệm, giữa kiến thức và kỹ năng lao động, giữa hiểu biết và năng lực hành động ở học sinh.

Ðể giải quyết từng bước các mâu thuẫn, phải tiếp tục hoàn thiện nhận thức về giáo dục, cụ thể là:

Trước hết, khắc phục tư tưởng coi giáo dục chỉ nằm trong phạm vi của cách mạng tư tưởng - văn hóa, mà thật ra giáo dục giữ vị trí trọng yếu đối với toàn bộ công cuộc phát triển đất nước: chiến lược phát triển giáo dục là một bộ phận trong chiến lược con người, và chiến lược con người đứng ở vị trí trung tâm của toàn bộ chiến lược kinh tế - xã hội của đất nước, lấy con người là mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, khắc phục quan niệm đầu tư cho giáo dục như là một thứ phúc lợi đơn thuần, đầu tư đến đâu hay đến đó. Ðầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, đầu tư cơ bản cho chiến lược kinh tế - xã hội, coi giáo dục là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Nhấn mạnh đa dạng hóa nguồn đầu tư theo hướng "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhưng vai trò chính vẫn thuộc về Nhà nước.

Thứ ba, một trong các khâu đột phá đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ trường học - đơn vị cơ sở của hệ thống giáo dục, xác định rõ nội dung giáo dục, đào tạo, cụ thể là xác định tính chất của trường phổ thông, coi trọng kết hợp học tập với lao động sản xuất có kỹ thuật, hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông.

Theo các quan điểm chỉ đạo nói trên, ngành giáo dục phổ thông đã tập trung triển khai các chương trình hành động cụ thể:

+ Giữ vững, ổn định, củng cố và phát triển giáo dục.

+ Thể chế hóa mục tiêu và kế hoạch dạy học, điều chỉnh chương trình, cải tiến sách giáo khoa, khôi phục nền nếp, kỷ cương, kỷ luật trong dạy và học, trong trường lớp.

+ Tập trung chỉ đạo "lớp 1, cấp I". Từ năm 1987, tách trường cấp I ra khỏi trường phổ thông cơ sở và gọi là trường tiểu học, thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học (từ năm 1990, Quốc hội đề ra chương trình quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học); điều chỉnh một vài cuốn sách giáo khoa, từng bước thực hiện chất lượng giáo dục tiểu học, đó là hướng đại trà.

+ Tập trung một lực lượng đáng kể triển khai "mũi nhọn" bằng cách mở rộng lớp chọn, lớp chuyên, trường chuyên (mỗi tỉnh có một trường phổ thông trung học chuyên, mỗi huyện có một trường phổ thông cơ sở chuyên)...

Thực hiện ba chương trình ngành đại học và chuyên nghiệp:

- Cải cách đào tạo đại học và chuyên nghiệp - mở nhiều loại hình trường, mềm hóa quá trình đào tạo, đơn nguyên hóa, có cơ chế chuyển đổi.

- Nghiên cứu khoa học - lao động sản xuất, cải thiện điều kiện vật chất - kỹ thuật của đào tạo.

- Xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý.

Một trong những thành tựu đáng kể nhất là đường lối đổi mới giáo dục của Ðảng ta luôn luôn kiên trì thực hiện một "nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính chất nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại", theo "nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp lao động sản xuất, lý luận gắn liền thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp giáo dục gia đình và giáo dục xã hội (Luật Giáo dục sửa đổi, 2005), nhằm mục tiêu giáo dục con người phát triển toàn diện có lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đủ đức, đủ tài (đức làm gốc, trọng nhân tài), tạo nên nguồn nhân lực đủ sức thực hiện công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và bảo vệ Tổ quốc.

Thời kỳ đổi mới giáo dục đã góp phần hoàn thiện hơn hệ thống giáo dục quốc dân từ nhà trẻ đến sau đại học. Hiện nay, năm học 2004 - 2005 đủ khả năng thu nhận 23.802.400 học sinh, sinh viên (năm học 1985 - 1986: 15.622.007). Như vậy là hiện nay nước ta có tới 30% số dân đi học (năm 1945: 3%).

Luật Giáo dục sửa đổi đã khẳng định vai trò và vị trí của giáo dục thường xuyên (bao gồm cả giáo dục suốt đời), nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục cho mọi người theo Tuyên bố của Hội nghị giáo dục toàn thế giới họp ở Dacca (Senegal) năm 2000, xây dựng xã hội học tập.

Từ giữa những năm 90 thế kỷ trước, trong hệ thống giáo dục, bắt đầu phong trào chuẩn hóa giáo viên, chuẩn hóa trường học; đến nay được gần 4.000 trường. Quy mô giáo dục đại học tăng khoảng 10 lần, trường mầm non, tiểu học và phổ thông đã đạt chuẩn quốc gia (tổng số trường các cấp này là gần 40.000).

Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh coi giặc dốt là một thứ giặc ("Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", 9-1945), năm 1997 cả nước đã có 93 - 95% số dân từ 25 tuổi trở lên biết chữ (theo UNDP và Ủy ban Quốc gia xóa mù chữ Việt Nam), năm 1988 con số tương ứng là 88%, năm 1945 là 5%.

Tháng 12-2000, Việt Nam hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học theo tiêu chuẩn do Hội nghị giáo dục toàn thế giới họp ở Giom-tien (Thái-lan) năm 1990 quy định. Từ một nước mù chữ nay trở thành một nước biết chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, gần 1/2 số dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở, đang thực hiện phổ cập giáo dục trung học phổ thông.

Trình độ học vấn tính trung bình số lớp học trên đầu người, trước đổi mới: lớp 3 - lớp 4 tiểu học, hiện nay: lớp 7 - lớp 8 trung học cơ sở (theo đề tài khoa học công nghệ cấp nhà nước KX. 05.05). Trong đội ngũ lao động hiện nay, có gần hai triệu công nhân đã qua đào tạo.

Từ năm học 1985 - 1986 đến năm học 2000 - 2001, đã đào tạo hơn 700 nghìn cán bộ tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, hơn 1,6 triệu cán bộ tốt nghiệp cao đẳng và đại học. Hiện nay, chúng ta có 39.011 thạc sĩ, hơn 13 nghìn tiến sĩ. Riêng đội ngũ nhà giáo có hơn một triệu người, trong đó có hơn 40 nghìn cán bộ giảng dạy đại học, 1.131 giáo sư và 5.253 phó giáo sư (tính đến cuối năm 2004), kể cả đương nhiệm và đã về hưu.

Sở dĩ giáo dục nước ta đạt được các thành tựu như kể trên, trước hết là do phát triển trên một nền móng xã hội rất thuận lợi bắt nguồn từ truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, có tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối giáo dục đúng đắn coi "giáo dục là quốc sách hàng đầu" của Ðảng và Nhà nước, trong đó có chính sách tài chính giữ một vai trò cực kỳ quan trọng. Tuy đất nước còn nghèo, chưa phát triển, nhưng hằng năm Nhà nước đã tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục: Cuối những năm 80 thế kỷ trước mới có 5,6%, đến năm 2000 là 15%, năm 2005 hơn 18% và đang tiến tới 20% vào năm 2008 theo quyết định của Quốc hội. Và tính theo tổng sản phẩm trong nước (GDP) chi cho giáo dục và đào tạo trước đổi mới chỉ được dưới 3%, nay đã lên gần 5%, ngang bằng một số nước phát triển. Riêng về mặt vật chất, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, nhân dân ta đóng góp có thể lên tới 40% tổng chi phí cho giáo dục.

Trong những năm đổi mới giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số có những tiến bộ rõ rệt. Nhà nước đã đầu tư xây dựng ở tất cả các tỉnh có dân tộc thiểu số, mỗi tỉnh một trường dân tộc nội trú (DTNT) khang trang. Hiện nay riêng ở Tây Bắc thu nạp hơn 5.000 học sinh, các em này đều được Nhà nước cấp học bổng, bảo đảm các chi phí cho việc học tập và ăn, ở.

Nhiều tỉnh phát triển hệ trường DTNT xuống đến huyện, gần đây nhiều nơi xây dựng được trường DTNT dân nuôi. Số học sinh tăng lên rõ rệt. Ðến năm 2002 tính tất cả dân tộc thiểu số, số học sinh tiểu học được hơn bốn triệu, trung học cơ sở gần hai triệu, trung học phổ thông hơn 700 nghìn em. So với tổng số học sinh từng cấp cả nước, học sinh dân tộc thiểu số học tiểu học chiếm 16%, trung học cơ sở là 9%, trung học phổ thông là 5,2% (dân cư các dân tộc thiểu số tính từ 5 tuổi trở lên gần 10 triệu người), nếu tính số học sinh của từng cấp trên 1.000 dân, ta có bảng số liệu sau đây:

Tiểu học 

Trung học cơ sở

Trung học phổ thông

Bình quân chung của cả nước

96,08

82,45

34,64

Vùng Tây Bắc

127,46

84,06

29,89

Vùng Tây Nguyên

140,27

92,54

35,13

Nguồn: Bộ Giáo dục và Ðào tạo, tháng 8-2005

* Còn nhiều học sinh đi học không đúng độ tuổi

Riêng ở năm tỉnh Tây Bắc, hiện nay có gần 100 nghìn học sinh học nghề, 7.000 học sinh trung học chuyên nghiệp, hơn 5.000 sinh viên cao đẳng và đại học. So với các năm trước, quy mô học sinh dân tộc thiểu số tăng lên rõ rệt. Hiện nay rất đáng chú ý là vấn đề điều kiện học tập và giảng dạy, đội ngũ nhà giáo còn quá nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục - đào tạo nói chung thấp hơn các vùng khác.

Ðiều mới trong hệ thống nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân là ngoài các trường do Nhà nước tổ chức (các trường công lập), còn có các trường do một tổ chức đoàn thể hay cá nhân tổ chức ra, gồm các trường bán công, dân lập, tư thục (gọi chung là các trường ngoài công lập). Kể từ sau năm 1975, các trường ngoài công lập được thành lập từ cuối thập kỷ 80 thế kỷ 20, chủ yếu ở bậc phổ thông trung học và đại học (bảng 1). Trong hệ thống giáo dục ngày nay rất chú ý tới thực hiện nguyên tắc liên thông giữa các ngành học, tổ chức hệ thống giáo dục mở, chú trọng phát triển hình thức đào tạo phi chính quy, thực hiện học suốt đời, từng bước xây dựng xã hội học tập.

Bảng 1: Tỷ lệ trường ngoài công lập và học sinh ngoài công lập

(% của tổng số trường và tổng số học sinh cùng cấp)

Ngành học

Số trường ngoài công lập

Số học sinh ngoài công lập

Mầm non

60,39

61,25

Tiểu học

0,54

0,35

Trung học cơ sở 

0,93

2,1

Trung học phổ thông 

29,32

31,82

Trung học chuyên nghiệp

14

11,18

Cao đẳng, đại học

12,62

13,28

Nguồn: Báo cáo của Bộ Giáo dục và Ðào tạo số 9 - BC/BCSÐ ngày 18-4-2005.

Trong những thành tựu giáo dục thời đổi mới, phải kể đến hệ trường chuyên phát triển mạnh theo tư tưởng "vừa đại trà, vừa mũi nhọn". Ðây là một điểm mới trong hệ thống giáo dục quốc dân ở nước ta, từ tiểu học có hệ lớp chọn và trường chuyên, từ năm 1965, bậc học trung học phổ thông có các lớp chuyên toán, chuyên lý, chuyên hóa được mở ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó là ở Trường đại học Sư phạm Hà Nội.

Ngoài các trường phổ thông chuyên, còn có các trường chuyên nghệ thuật, thể thao trong những năm qua đã đạt nhiều thành tích tốt đẹp. Năm năm gần đây, ở một vài trường đại học, có các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư, giáo sinh chất lượng cao.

Từ năm học 1997 - 1998, theo Nghị quyết kỳ họp lần thứ hai BCH T.Ư Ðảng khóa VIII, bỏ các trường chuyên ở tiểu học và trung học cơ sở, chỉ còn lại trường trung học phổ thông chuyên (có nơi gọi là năng khiếu), đến nay có 56 trường ở 56 tỉnh, thành phố, phần lớn được thành lập sau năm 1987 (tám tỉnh miền núi và Tây Nam Bộ chưa có), và có tám trường (hoặc khối lớp) trung học phổ thông chuyên trong một số trường đại học. Năm học 2003 - 2004 có 42.756 học sinh theo học trong các trường chuyên. Ðây là nguồn đào tạo học sinh giỏi, nhiều em ở hệ này đoạt giải trong các cuộc thi Ô-lim-pích các môn học trong nước và quốc tế. Tính từ năm 1974 đến 2004, trong số 432 em dự thi Ô-lim-pích quốc tế về các môn toán, lý, hóa, sinh, tin học, tiếng Nga, có 362 em (83%) đoạt huy chương các loại, riêng Huy chương vàng là 81 chiếc (19,9%). Năm 2005, các đoàn học sinh, mỗi đoàn bốn hay năm em dự thi Ô-lim-pích quốc tế về toán, lý, sinh, tất cả các em đều đoạt huy chương.

TUY nền giáo dục nước nhà đã được công nhận là khá phát triển, nhất là so với trình độ phát triển kinh tế, nhưng nhân dân và Nhà nước đang đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhất là bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là chất lượng đạo đức và năng lực hành động. Muốn vậy, phải giải quyết các mâu thuẫn, các mất cân đối đang đặt ra với sự nghiệp "trồng người" như đã trình bày ở trên, mau chóng đi vào thế ổn định.

Trước hết, đổi mới mạnh mẽ giáo dục đại học và sau đại học theo hướng xây dựng mạng lưới hợp lý, tăng quy mô trên cơ sở đủ điều kiện bảo đảm chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội, kịp thời phục vụ phát triển nguồn nhân lực đi vào công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, hội nhập mở cửa và bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục.

Thứ hai, tập trung triển khai Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, làm sao đủ về số lượng, bảo đảm cơ cấu các thầy cô dạy đủ các môn, tăng cường chất lượng toàn đội ngũ, thanh lọc những người không đủ tiêu chuẩn giảng dạy và giáo dục, làm cho đội ngũ nhà giáo và các cán bộ quản lý trong sạch, không có tiêu cực, tăng cường nền nếp, trật tự, kỷ cương trường học.

Thứ ba, thực hiện chủ trương xã hội hóa, Ðảng và Nhà nước quan tâm hơn đối với sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo, ưu tiên về cả ba mặt, ngân sách, cán bộ, chính sách, như Nghị quyết T.Ư 2 khóa VIII đã chỉ ra, làm cho giáo dục - đào tạo cùng với khoa học công nghệ thật sự là quốc sách hàng đầu, tiếp tục chống thương mại hóa trong giáo dục.

Thứ tư, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền, ngành giáo dục cùng các ban ngành và toàn xã hội tích cực thực hiện Luật Giáo dục sửa đổi, chiến lược giáo dục 2001 - 2002 và các quyết định của Quốc hội, Chính phủ. Tập trung vào cải tiến chương trình và sách giáo khoa, phương pháp dạy và học, nhất là giải quyết vấn đề giảm tải ở tiểu học, phân hóa và phân ban ở trung học phổ thông, sinh viên đại học phải học nhiều hơn, đặc biệt tăng cường thực nghiệm, thực hành, thực tập... chú ý dạy vi tính và tiếng Anh ở tất cả các cấp học, quan tâm hơn nữa trung học phổ thông và đại học, cao đẳng. Cả nước ra sức thực hiện phổ cập phổ thông cơ sở có chất lượng, chú ý chỉ đạo ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa để năm 2010 hoàn thành, v.v.

Nền giáo dục nhân dân Việt Nam bước vào năm năm thứ hai thế kỷ 21 với những triển vọng tốt đẹp, ngày càng đáp ứng lòng mong mỏi của mọi tầng lớp nhân dân, tiếp tục đào tạo các thế hệ con người Việt Nam có đủ khả năng và tâm huyết tiếp tục xứng đáng với tất cả những gì do các thế hệ tổ tiên ông cha để lại, giữ gìn nền độc lập dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

GS, VS PHẠM MINH HẠC