Trong lĩnh vực quản lý kinh phí đầu tư phát triển KH và CN, theo quy định hiện hành, Nhà nước dành 2% tổng chi ngân sách hằng năm cho KH và CN, bao gồm hai phần kinh phí đầu tư phát triển KH và CN và kinh phí sự nghiệp KH và CN. Các bộ, ngành, địa phương lập kế hoạch, dự toán kinh phí và gửi Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH và ÐT), Bộ Tài chính tổng hợp và đề xuất phân bổ.
Bộ KH và CN là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội về việc sử dụng có hiệu quả khoản ngân sách này, trong đó phần kinh phí đầu tư phát triển KH và CN chiếm từ 42% đến 46%. Tuy nhiên, Bộ KH và CN chưa được tham gia vào quá trình phân bổ, thẩm định nội dung, vì vậy không thể kiểm tra, giám sát hiệu quả đầu tư phát triển KH và CN.
Cho đến nay, phần kinh phí Nhà nước dành cho đầu tư phát triển KH và CN vẫn do Bộ KH và ÐT thực hiện việc đề xuất phân bổ, theo dõi, giám sát sử dụng. Bộ KH và CN cũng như các bộ, ngành, địa phương, chỉ được quản lý việc sử dụng phần kinh phí đầu tư phát triển KH và CN được phân bổ (phần kinh phí đầu tư phát triển KH và CN do Bộ KH và CN quản lý bằng gần 1,8% tổng kinh phí Nhà nước dành cho KH và CN, phần kinh phí đầu tư phát triển KH và CN còn lại được phân bổ cho các bộ, ngành và địa phương). Các bộ, ngành, địa phương không có trách nhiệm báo cáo Bộ KH và CN, và do đó Bộ KH và CN không thể nắm bắt được tình hình sử dụng nguồn ngân sách này và không làm rõ được trách nhiệm về hiệu quả đầu tư, nhất là trong lúc chế độ báo cáo và thống kê không được thực hiện nghiêm túc, không thể có cơ sở dữ liệu chính xác về cơ cấu và hiệu quả đầu tư trong việc sử dụng vốn đầu tư phát triển.
Kết quả tìm hiểu cho thấy một số bộ, ngành, địa phương đã sử dụng không đúng mục đích hoặc không sử dụng được nguồn này, tỷ lệ sử dụng trung bình của các địa phương nhiều năm qua chỉ khoảng 30%, có địa phương dưới 10%. Trong khi đó các quy định hiện hành lại không cho phép điều chuyển phần kinh phí đầu tư phát triển KH và CN không có khả năng sử dụng ở bộ, ngành, địa phương này sang cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu, có khả năng sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả mà đang còn thiếu kinh phí.
Có thể nói việc phân bổ kinh phí Nhà nước dành cho đầu tư phát triển KH và CN còn mang nặng tính bao cấp, theo tiền lệ của năm trước cho các bộ, ngành, địa phương mà chưa thật sự căn cứ vào hiệu quả hoạt động, năng lực sử dụng và nhu cầu thực tế.
Thực trạng nêu trên của cơ chế quản lý kinh phí Nhà nước dành cho đầu tư phát triển KH và CN là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đầu tư phát triển KH và CN dàn trải, trùng lặp, cào bằng, thiếu trọng tâm, trọng điểm, không khắc phục được tình trạng sử dụng sai mục đích và kém hiệu quả kéo dài.
Trong lĩnh vực quản lý kinh phí sự nghiệp KH và CN, dành cho các nhiệm vụ KH và CN, hiện nay toàn bộ phần kinh phí sự nghiệp KH và CN chiếm từ 54% đến 58% tổng kinh phí Nhà nước dành cho KH và CN hằng năm, trong đó có một phần kinh phí dành cho việc thực hiện nhiệm vụ KH và CN như các chương trình KH và CN trọng điểm, các chương trình quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các đề tài, dự án độc lập cấp nhà nước, các nhiệm vụ cấp bộ, cấp tỉnh... Các bộ, ngành, địa phương lập kế hoạch và dự toán kinh phí, Bộ Tài chính tổng hợp và đề xuất phân bổ.
Việc xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí sự nghiệp KH và CN, bao gồm cả kinh phí dành cho việc thực hiện các nhiệm vụ KH và CN của các bộ, ngành, địa phương cũng như việc tổng hợp và đề xuất phân bổ ở Bộ Tài chính hiện đang phải tuân theo quy trình áp dụng cho việc xây dựng kế hoạch và phân bổ kinh phí đầu tư phát triển KH và CN. Cụ thể như sau: Các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành và gửi Bộ Tài chính kế hoạch và dự toán kinh phí cho các nhiệm vụ KH và CN của năm tới trước ngày 31 tháng bảy năm hiện hành, tháng tám Bộ Tài chính thẩm tra, chấp thuận, tháng chín trình Chính phủ phương án phân bổ và tháng 10 Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt.
Khi kinh phí được dự toán và quyết toán theo năm kế hoạch, năm tài chính mà lại không được cấp từ đầu năm thì vô tình chúng ta đã đẩy các nhà khoa học vào thế cực kỳ khó khăn vì vẫn bị yêu cầu làm các thủ tục, giấy tờ để quyết toán trong năm. Việc này đã buộc các nhà khoa học phải làm một việc không bao giờ mong muốn. Ðó là làm hồ sơ giả, là nói dối theo đúng yêu cầu của các cơ quan chức năng. Do không có quy định tự động chuyển nguồn sang năm tài chính tiếp theo cho nên các nhà khoa học lại khốn khổ với cái thủ tục xin chuyển nguồn. Ðây là một sự thật, nhưng nhiều người không dám hoặc không muốn thừa nhận.
Quy trình, thủ tục này hoàn toàn không phù hợp với đặc thù hoạt động KH và CN. Từ khi ý tưởng khoa học được nhận dạng và chấp nhận đến khi nhận được kinh phí quá dài đã làm cho nhiệm vụ KH và CN có khi không còn tính cấp bách hay thời sự nữa; nếu còn tính cấp bách thì có khi những tính toán, dự trù kinh phí không còn phù hợp do tình hình thay đổi, do lạm phát, trượt giá quá nhiều. Và đặc biệt sự hào hứng của các nhà khoa học không còn như ban đầu nữa.
Tóm lại, cơ chế quản lý tài chính KH và CN hiện nay đã quá lạc hậu, không phù hợp với đặc thù của hoạt động KH và CN.
Theo chúng tôi, việc đổi mới cơ bản, toàn diện cơ chế quản lý tài chính KH và CN nên thực hiện các giải pháp chính nhằm khắc phục những bất cập nói trên và bảo đảm để Bộ KH và CN trở thành cơ quan thật sự chịu trách nhiệm trước Chính phủ và trước Quốc hội về quản lý và sử dụng có hiệu quả phần ngân sách Nhà nước hằng năm dành cho KH và CN. Xin đề xuất một số giải pháp chính cần làm.
Thứ nhất, Bộ KH và CN được tham gia đầy đủ và toàn diện vào quá trình thẩm định nội dung và yêu cầu về KH và CN đối với tất cả các dự án đầu tư phát triển KH và CN của các bộ, ngành và địa phương; tổng hợp và đề xuất để Bộ KH và ÐT và Bộ Tài chính đưa vào kế hoạch chung trình Chính phủ, đồng thời Bộ KH và CN được quyền và có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hiệu quả sử dụng phần kinh phí đầu tư phát triển KH và CN. Các bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm báo cáo tình hình và hiệu quả sử dụng phần kinh phí này.
Thứ hai, một mặt cấm sử dụng không đúng mục đích kinh phí đầu tư phát triển KH và CN, mặt khác cho phép điều chuyển phần kinh phí đầu tư phát triển KH và CN không có khả năng sử dụng đúng mục đích ở bộ, ngành, địa phương này sang cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu, có khả năng sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả mà đang còn thiếu kinh phí.
Thứ ba, kinh phí dành cho các nhiệm vụ KH và CN cấp Nhà nước được giao cho Quỹ Phát triển KH và CN quốc gia quản lý hoặc chi theo cơ chế tài chính của quỹ (cấp kinh phí ngay sau khi xét chọn, tuyển chọn và thanh quyết toán theo hợp đồng, không theo năm tài chính). Kinh phí dành cho các nhiệm vụ KH và CN cấp bộ, tỉnh được giao cho Quỹ Phát triển KH và CN của bộ, tỉnh quản lý hoặc chi theo cơ chế tài chính của quỹ. Ngoài phần kinh phí dự kiến theo danh mục các nhiệm vụ KH và CN do Bộ KH và CN tổng hợp gửi Bộ Tài chính tổng hợp chung, cần có thêm một khoản dự phòng KH và CN đủ lớn để chủ động chi cho các nhiệm vụ KH và CN đột xuất, mới phát sinh ngoài kế hoạch và cũng nên chi theo cơ chế tài chính của quỹ. Bổ sung và điều chỉnh các nội dung chi của nhiệm vụ KH và CN (mua sắm trang thiết bị, mua công nghệ, thiết kế, bí quyết kỹ thuật, sáng chế, phần mềm, thuê chuyên gia, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, v.v.). Ðiều chỉnh mức chi cho phù hợp thực tế và sự biến động về giá cả.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi cho rằng công cuộc đổi mới cơ chế quản lý tài chính KH và CN chỉ có thể thành công và giải phóng được sức sáng tạo của các nhà khoa học, nếu chúng ta dám nhìn thẳng vào sự thật đang tồn tại của cơ chế này, dám từ bỏ cơ chế xin cho, từ bỏ cơ chế tài chính hành chính không phù hợp với đặc thù của hoạt động KH và CN, đang kìm hãm sức sáng tạo của các nhà khoa học, nếu chúng ta thật sự đổi mới tư duy quản lý tài chính KH và CN và quán triệt đầy đủ, sâu sắc Nghị quyết mới được ban hành của Ðảng về KH và CN.
PGS, TS ÐOÀN NĂNG Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KH và CN