Đôi điều về Giải thưởng Tạ Quang Bửu

NDO -

NDĐT – Ra đời năm 2014, Giải thưởng Tạ Quang Bửu được Bộ khoa học và Công nghệ (KH và CN) tổ chức hàng năm, nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Giải thưởng góp phần thúc đẩy nền KH và CN Việt Nam tiếp cận trình độ Quốc tế, hội nhập và phát triển.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao thưởng các nhà khoa học đạt giải năm 2015.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao thưởng các nhà khoa học đạt giải năm 2015.

Năm 2016, theo Quỹ phát triển KH và CN quốc gia (nafosted), cơ quan thường trực Giải thưởng Tạ Quang Bửu cho biết, đã tiếp nhận 49 hồ sơ đăng ký tham gia giải thưởng. Thông qua thẩm định, đánh giá của các Hội đồng khoa học chuyên ngành, kết quả có chín hồ sơ được đề cử vào vòng chung khảo. Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã xem xét, lựa chọn (có tham khảo, đánh giá của hai nhà khoa học nước ngoài có uy tín), kết quả ba nhà khoa học đạt giải năm 2016. Đó là GS,TSKH Nguyễn Văn Hiếu, Viện Đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu, Trường đại học Bách khoa Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh, Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và giải nhà khoa học trẻ năm nay thuộc về Tiến sĩ Phùng Văn Đồng, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Dự kiến, lễ trao giải sẽ được tổ chức vào ngày KH và CN Việt Nam (18-5-2016).

Điều đáng chú ý, cả ba giải thưởng năm nay, công trình nghiên cứu của họ đều được tài trợ và thực hiện trong khuôn khổ các đề tài nghiên cứu cơ bản đã được Quỹ nafosted nghiệm thu, đánh giá. Nhất là các công trình của GS.TSKH Nguyễn Văn Hiếu và Tiến sĩ Phùng Văn Đồng có đồng tác giả là người Việt Nam mà không hề có yếu tố nước ngoài. Trong đó, công trình khoa học của GS Nguyễn Văn Hiếu thuộc lĩnh vực thực nghiệm, có ý nghĩa thực tiễn và khả năng ứng dụng lớn. Bởi lần đầu tiên, ông đưa ra phương pháp mới chế tạo nano thứ cấp có khả năng mở rộng ứng dụng không chỉ trong nano cảm biến nhạy khí mà còn trong nhiều lĩnh vực khác như linh kiện điện tử nano, pin năng lượng. Công trình này của GS Nguyễn Văn Hiếu được xuất bản năm 2012, và đến nay đã có 69 lượt trích dẫn của tác giả nước ngoài.

Khác với Giải thưởng Hồ Chí Minh hay Giải thưởng Nhà nước về KH và CN, Giải thưởng Tạ Quang Bửu của Bộ KH và CN nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có kết quả nghiên cứu cơ bản xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Giải thưởng này không tặng cho thành tích nghiên cứu, hoạt động khoa học có quá trình thời gian dài của một cá nhân hay tập thể mà chỉ giành cho một tác giả chính của một công trình khoa học xuất sắc được công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín, trong vòng năm năm tính đến thời điểm xét tặng giải thưởng.

Như vậy, nhà khoa học lâu năm hay nhà khoa học trẻ đều có cơ hội như nhau. Mặt khác, các hồ sơ được đề xuất xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu được thẩm định, đánh giá qua Hội đồng khoa học chuyên ngành và Hội đồng giải thưởng. Hội đồng khoa học chuyên ngành là các hội đồng ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên của Quỹ Nafosted. Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu tập hợp các nhà khoa học có uy tín đại diện cho các Hội đồng khoa học chuyên ngành trong nước và hai nhà khoa học danh tiếng quốc tế (hoàn toàn không có sự tham gia của cơ quan quản lý thuần túy).

Năm 2014, năm đầu tiên Giải thưởng được tổ chức với 52 hồ sơ đăng ký tham gia. Qua các vòng sơ tuyển và chung khảo đã chọn ra hai trường hợp để trao giải chính. Đó là GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng (ngành Toán học), PGS.TS Nguyễn Bá Ân (ngành Vật lý). Vượt qua 40 hồ sơ đề cử, năm 2015, ba nhà khoa học đạt giải thưởng chính là GS.TSKH Nguyễn Đông Yên (Toán học), GS.TSKH Đinh Dũng (khoa học Máy tính và Thông tin), và PGS.TS Trần Thanh Hải (khoa học Trái đất và Môi trường); còn PGS.TS Phạm Hoàng Hiệp (Toán học) đạt giải nhà khoa học trẻ (dưới 35 tuổi) có công trình xuất sắc được công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín.

Số tiền thưởng mỗi giải chính là 200 triệu đồng và giải thưởng cho nhà khoa học trẻ là 50 triệu đồng. Nguồn kinh phí phục vụ cho Giải thưởng Tạ Quang Bửu hàng năm, như Bộ KH và CN cho biết, là dựa vào nguồn xã hội hóa từ đóng góp, ủng hộ của các tổ chức và cá nhân đối với hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản có chất lượng.

Sự ra đời của Quỹ nafosted trong những năm qua quả thực đã thổi một làn gió mới, tạo điều kiện cho sự phát triển của nghiên cứu khoa học cơ bản ở Việt Nam. Điều đó thể hiện qua số lượng đề tài nghiên cứu cơ bản tăng lên rất nhiều, theo đó các công trình có chất lượng được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế (thuộc danh mục ISI) cũng tăng lên đáng kể. Đây là nguồn để chúng ta tuyển chọn và đề xuất các công trình xuất sắc tham gia xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu hàng năm.

Tính đến nay, chúng ta đã có khá nhiều giải thưởng với các quy mô và cấp độ khác nhau dành tặng cho lĩnh vực KH và CN như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng vifotec, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt… Trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh (bao gồm cả văn học nghệ thuật) được tổ chức năm năm một lần và được triển khai cách đây 20 năm. Đây là Giải thưởng tặng những công trình nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, những công trình giáo dục văn học – nghệ thuật đặc biệt xuất sắc có giá trị rất cao về khoa học. Đồng thời, có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn phục và lâu dài trong đời sống nhân dân… cho nên, lâu nay được xem là giải thưởng danh giá nhất tại Việt Nam.

Các công trình và cụm công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh là sự phấn đấu cả cuộc đời của một cá nhân nhà khoa học hay đóng góp của một tập thể (hàng trăm người) trong một thời gian dài như Cụm Công trình ghép tạng, Atlat Quốc gia Việt Nam (đợt 3 năm 2005); Cụm Công trình “Văn hóa Việt Nam – truyền thống và hiện đại” của cố GS Trần Quốc Vượng, Cụm Công trình “Động vật chí Việt Nam và thực vật chí Việt Nam, sách đỏ và danh lục đỏ Việt Nam” (đợt 4 năm 2012)… cũng chỉ được nhận 200 triệu đồng/giải (trước đây là 100 triệu đồng, mới được nâng gấp đôi từ đợt 4).

Mọi sự so sánh đều mang tính khập khiễng, mỗi công trình khoa học đều có giá trị riêng của nó nhưng nhìn nhận một cách nhiêm túc, khách quan và trên nhiều mặt, không ít ý kiến cho rằng Bộ KH và CN cần đặt Giải thưởng Tạ Quang Bửu trong mối tương quan với các giải thưởng khác để trao thưởng một cách phù hợp. Đó cũng là cách khích lệ, động viên đội ngũ cán bộ KH và CN không ngừng lao động nghiên cứu, sáng tạo nhằm góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.

Cũng có ý kiến băn khoăn, Giải thưởng Tạ Quang Bửu được tổ chức hàng năm, liệu vài năm tới có nguồn để tuyển chọn, bởi không phải lúc nào các nhà khoa học Việt Nam cũng có công trình được công bố trên tạp chí đạt chuẩn ISI top đầu thế giới…

Đôi điều về Giải thưởng Tạ Quang Bửu ảnh 1

PGs,TsKH Phạm Hoàng Hiệp đạt giải nhà khoa học trẻ năm 2015.