ND - Hơn 50 năm nghiền ngẫm và gần 30 năm thu thập, bổ sung tư liệu, GS Hà Minh Ðức vừa cho ra mắt bạn đọc công trình khảo cứu về một hiện tượng văn học kỳ thú và phức tạp nhất đầu thế kỷ XX: Tự lực văn đoàn.
"Văn đoàn" là một số nhà văn tự nguyện kết lại trong một tập thể. "Tự lực" là tôn chỉ, tự sức các nhà văn Việt Nam viết ra những cuốn sách có giá trị về văn chương chứ không phải dịch sách nước ngoài.
Tự lực văn đoàn ra đời ngày 2-3-1933 gồm tám nhà văn, nhà thơ: Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Khái Hưng (Trần Khánh Giư), Hoàng Ðạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Trần Tiêu và Xuân Diệu. Hai người có vai trò quan trọng trong nhóm là Nhất Linh và Thế Lữ. Cơ quan ngôn luận chủ yếu là Phong hóa và Ngày nay.
Trong tôn chỉ 10 điều của mình, ngoài mục đích tự lực, làm giàu thêm văn sản trong nước, thì Tự lực văn đoàn chống lại những thói tục phong kiến lạc hậu, cổ vũ cho những tư tưởng xã hội tiến bộ, cổ vũ cho tự do cá nhân...
Các nhà văn trong Tự lực văn đoàn đều là những nhà văn có tài năng. Tác phẩm của họ để lại dấu ấn sâu đậm trong nhiều thế hệ bạn đọc cho đến ngày nay. Những Ðoạn tuyệt (Nhất Linh), Nửa chừng xuân (Khái Hưng), Ðời mưa gió, Gánh hàng hoa (Nhất Linh - Khái Hưng), Hồn bướm mơ tiên (Khái Hưng); các truyện của Thạch Lam, thơ của Thế Lữ, Xuân Diệu, Tú Mỡ; các tác phẩm văn học khác được giải thưởng của Tự lực văn đoàn, đều mang đậm dấu ấn của tình yêu cuộc sống, hướng con người đến khát khao giải phóng, đến một chân trời mới có cuộc sống tốt đẹp hơn. Những tác phẩm đó đều có giá trị nghệ thuật, giá trị cách tân.
Tuy nhiên, khi cổ vũ cho tự do cá nhân, các nhà văn Tự lực văn đoàn nhiều khi đã rơi vào cực đoan, mất phương hướng; trong khi phá bỏ sự trói buộc, tù túng đã làm tổn hại đến cả di sản văn hóa truyền thống. Trong tiểu phẩm Sao không hỏi Tự lực văn đoàn, Xuân Trào (Ngô Tất Tố) viết về cô Vũ Thị Nội như sau: Cô gái 16 tuổi xanh này một hôm bỏ nhà ra đi, để lại ba bức thư. Thư viết: "Con chim khi đã đủ lông đủ cánh cũng cần phải lìa cái tổ êm ấm của cha mẹ mà đi tìm lấy một cuộc mưu sinh tự lập... Cô đành phụ công cha, anh, bước chân ra đi, dù có gặp cảnh thân gái dặm trường cô cũng cam tâm với số phận". Ði tìm cô Nội ở đâu? Ngô Tất Tố kết luận: Phải đi hỏi Tự lực văn đoàn. Ông viết: "Phải mỗi lúc đẻ được một con gái nuôi được đến 16 tuổi để đọc Ðời mưa gió, Ðoạn tuyệt và Lạnh lùng bây giờ lại tự nhiên đoạn tuyệt với gia đình mà đi tìm cảnh lạnh lùng trong đời mưa gió, thì ai mà không bồn chồn nhớ tiếc (báo Thời vụ, số ra ngày 11-7-1939).
Dù có nhiều cách đánh giá khác nhau về tư trào văn học này, thì Tự lực văn đoàn trước sau vẫn có vị trí là bước khởi đầu, là một trong những cơ sở quan trọng xây dựng lên lâu đài văn học Việt Nam hiện đại.
Ðóng góp quan trọng của GS Hà Minh Ðức trong cuốn sách này không chỉ ở sự nghiên cứu sâu về từng tác giả, tác phẩm, thậm chí từng loại nhân vật và vấn đề; mà còn ở tuyển chọn công phu và đầy đủ các bài viết, đánh giá về Tự lực văn đoàn từ đầu thế kỷ XX đến nay. Một hướng nghiên cứu công phu, đầy đủ, khách quan về một hiện tượng văn học như vậy, đến nay vẫn chưa nhiều trong các công trình nghiên cứu văn học của nước ta.
NGUYỄN HOÀNG
(*) NXB Giáo dục, H.2007, 607 trang.