Viết về một số cây đại thụ trong làng văn như Tô Hoài, Nguyễn Ðình Thi, Nguyễn Tuân... bằng vài nét chấm phá, Hương Trâm phác họa chân dung lớp đàn anh đi trước cùng những kỷ niệm khó quên:
Anh tặng tôi bản thảo nhớ Mai Châu
Chữ viết nhỏ li li chằng chịt những câu văn đi về ngang dọc
Tôi ngầm hiểu anh nhắc tôi, phải biết
Lao động nhà văn không cho phép chây lười
(Rất nhiều kỷ niệm với Tô Hoài)
Trở lại với chính mình, Hương Trâm nhớ về tuổi thơ bươn trải, tha phương và quãng thời gian đó đã phần nào tạo nên nét tính cách của anh. Thơ Hương Trâm có niềm vui, nỗi buồn, có cô đơn, trống vắng lại có cả những bâng khuâng, trăn trở nhưng nổi bật hơn cả vẫn là tình cảm sâu nặng của anh với cuộc đời, đậm nét ở các bài: Nhớ mãi một mùa đông, Chiều trám rụng, Khi một mình, Ám ảnh,... Trước những cảnh đời nghèo khó, kém may mắn anh day dứt và đau đáu một nỗi niềm thương cảm.
Viết về lẽ sống, tình yêu và hạnh phúc có lúc Hương Trâm giãi bày có lúc lại nâng lên thành những tổng kết đậm tính triết lý. Thực ảo là hai hình thức thể hiện của thơ, chất thực gắn kết với đời sống thực tại tác động đến trực giác người đọc, chất ảo làm cho hồn thơ bay bổng, lay động tâm thức người thưởng thức.
Lấy tên tập thơ là Thực ảo phải chăng Hương Trâm thiết tha gửi gắm những suy ngẫm, nỗi niềm, những quan sát, chiêm nghiệm của một nhà thơ từng trải bước thăng trầm, như những câu anh viết đầu tập thơ:
Tôi du đãng trong chiều sâu ám ảnh
Cả những gì ngọt đắng của riêng tôi
Cả những gì ngọt đắng của cuộc đời
Như tình yêu nỗi buồn định mệnh.
Trầm tĩnh nhưng vẫn đắm say, với những gì Hương Trâm thể hiện, chúng ta có thể hy vọng hơn nữa ở thơ anh.