Cuộc tọa đàm nho nhỏ của sách Đinh Tỵ tổ chức với hai vị diễn giả Vũ Hải Bình, Hiệu trưởng trường Mầm non Quốc tế Sakura Montessori, Chuyên gia Montessori Quốc tế và Lại Thị Hải Lý, Chuyên gia giáo dục sớm, Chủ nhiệm Trung tâm giáo dục sớm Hotkids Vietnam, nhưng thu hút khá đông sự tham gia của các vị phụ huynh và trẻ nhỏ.
Chuyên gia giáo dục Maria Montessori (Italia), người nổi tiếng với phương pháp giáo dục sớm dành cho trẻ nhỏ, đã từng nhận định rằng, trẻ nhỏ những năm đầu đời giống như những miếng bọt biển, sẽ “thấm hút” những gì nhận được từ cha mẹ, gia đình, những người và môi trường chung quanh. Trẻ nhỏ như một cái cây, cha mẹ có trách nhiệm phải chăm sóc cái cây đó.
Chính vì thế, chuyên gia Vũ Hải Bình cho rằng, tất cả những hành động mà bố mẹ làm với con đều chính là giáo dục sớm, dù ngẫu nhiên hay cố ý. Nếu cha mẹ làm đúng cách, sẽ tạo được điều kiện tốt cho trẻ phát triển. Trong đó hát, ru, đọc sách là những cách tạo hiệu quả tốt nhất cho trẻ trong giáo dục sớm.
Chung ý kiến này, nhà giáo Lại Thị Hải Lý đưa ra thí dụ về thói quen đọc sách của người Do Thái được hình thành và nuôi dưỡng như thế nào. Thí dụ, ngay từ những năm đầu đời, trẻ nhỏ đã được làm quen với sách một cách đặc biệt. Người lớn nhỏ mật ong vào trang sách và cho trẻ nếm để dạy trẻ khái niệm đầu tiên rằng sách rất ngọt ngào. Sách và tri thức được tôn thờ trong cộng đồng và có vai trò quan trọng trong giáo dục trẻ nhỏ.
Chuyên gia Vũ Hải Bình cho biết, nếu không đọc sách cho con từ nhỏ, lớn lên trẻ sẽ có khả năng bị “não rỗng”, gặp khó khăn trong tư duy. Đọc sách không chỉ khơi gợi sự thông minh mà còn giống như liều thuốc bổ cho sự phát triển của bộ não.
Chuyên gia Lại Thị Hải Lý cũng chia sẻ, với trẻ nhỏ, ngay từ những lúc rất sớm, không nên chỉ đơn thuần là đọc hoặc cho trẻ chơi với sách, mà cha mẹ cần giới thiệu, hướng dẫn con, cùng với việc chỉ cho con cách giữ gìn, trân trọng những cuốn sách. Ở những độ tuổi còn rất nhỏ, như từ 0-3 tuổi, có những loại sách đặc biệt dành cho các bé, như sách vải, sách hình không lời. Hiện nay, tại nhiều trường mầm non hoặc ở nhà, các cô giáo hoặc mẹ đã có thể tự tạo ra những cuốn sách vải đơn giản cho trẻ “đọc” bằng tất cả nhiều giác quan, như tay sờ, tai nghe, mắt nhìn… Đơn giản như một cuốn sách kể chuyện trong khu rừng, sẽ sử dụng tiếng sột soạt của mảnh nilon làm tiếng lá cây, sử dụng độ nhẵn hay nhám của các loại vải để mô tả các con vật… Trẻ nhỏ rất thích được tương tác và trải nghiệm, sờ, ngắm, lắng nghe…
Ở độ tuổi từ 3-6 tuổi, có nhiều thể loại sách liên quan đến kiến thức, khám phá khoa học, đại dương, rừng, thế giới chung quanh… Trẻ khi được “dẫn dắt”đọc sẽ tò mò, thích thú và đặt ra câu hỏi. Ở độ tuổi này, nhiều loại sách tương tác rất hấp dẫn cũng được đưa ra, thí dụ cuốn sách chuyển động “Sinh vật biển” của Đinh Tị, với nhiều tầng lớp sinh vật khác nhau sống dưới đáy biển, trẻ tìm hiểu bằng cách kéo các lớp bìa thể hiện các tầng biển. Hoặc bộ sách Bách khoa tri thức đa tương tác về khủng long, trẻ có thể quan sát từ lúc chủ khủng long nhỏ nằm trong trứng, nở ra và đi kiếm ăn như thế nào… Cũng có những bộ sách âm thanh, cho trẻ nhận biết những âm thanh quen thuộc trong cuộc sống và phân biệt nhiều loại âm thanh khác nhau…
Một trong những loại sách tương tác thú vị dành cho trẻ chưa biết đọc là sách rối bóng. Trẻ nhỏ với sự hỗ trợ của cha mẹ và chiếc đèn pin, sẽ được đắm chìm trong không gian của thế giới cổ tích với hình chiếu bóng đen trắng hoặc màu, đi theo lời kể của cha mẹ.
Chuyên gia Lại Thị Hải Lý cho rằng sách chuyển động, sách tương tác thường sẽ khiến trẻ “đọc” bằng tay. Điều này kích thích các giác quan của trẻ. Trẻ sẽ ghi nhớ nội dung của sách và điều này cũng kích thích trí tưởng tượng của trẻ phát triển. Sách tương tác là cách học đa giác quan đối với trẻ, cho nên sách tương tác không phải là sách chết, sách đọc thụ động, chính điều này cũng tạo ra sự hứng thú đối với trẻ nhỏ khi đọc sách.
Chuyên gia Lại Thị Hải Lý cũng cho rằng, điều quan trọng nhất là cha mẹ cần phải đọc sách cùng con, cho dù là đọc sách chữ hay sách tương tác, bởi vì điều này không chỉ nuôi dưỡng cảm xúc, phát huy trí tưởng tượng hay kích thích các giác quan của trẻ, mà còn là sự gắn kết trong gia đình, giúp cho trẻ phát triển toàn diện hơn.