Đọc "Mưa trong thành phố" của Lê Thành Nghị

NHÀ thơ Lê Thành Nghị sinh năm 1946 tại Can Lộc, Hà Tĩnh, một vùng thơ từng ghi đậm dấu ấn trong lịch sử. Ông tốt nghiệp ÐHTH văn Hà Nội, từng công tác ở Viện Văn học, từng là chiến sĩ trong binh chủng thông tin, tiến sĩ văn học bảo vệ tại Liên Xô (trước đây) và hiện là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Lê Thành Nghị viết đều nhưng không nhiều so với một số nhà văn khác. Tuy vậy, chỉ với tập tiểu luận, phê bình "Văn học, sáng tạo và tiếp nhận" (1994) ông giành giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng và giải thưởng văn học Hội Nhà văn.

Cái có tính phổ biến và đáng quý của các nhà thơ Việt Nam hiện đại là sự gắn bó chặt chẽ với nhân dân, là thắm thiết tình cảm cha con, đồng đội, tình cảm với quê hương đất nước.

Lê Thành Nghị có những câu thơ nao lòng viết về cha mình, ông giáo nghèo tần tảo, tất bật chạy vạy nuôi con, nuôi lấy đạo nghĩa khi người mẹ mất sớm:

Mẹ mất rồi, rau muống mọc vườn hoang
Khoai lang bò ruộng nhà, bè rau ngoi nước nổi
Tháng ba nắng, xanh xao xóm đói
Cha một mình lặn lội nuôi con

                             (Cha tôi)

Ông có những câu thơ rất thật, rất tình, và sáng tạo khi viết về đồng đội:

Nghị ngồi chẻ củi ngoài sân
Vi đang vo gạo, còn Quân rửa nồi

...

Ngồi quanh bếp lửa ba bề
Rung rinh ba bóng đổ về ba bên

                             (Bếp lửa)

Nhưng nếu chỉ như thế, Lê Thành Nghị sẽ không vượt lên khỏi thời đoạn. Tôi đã nhiều lần xuôi - ngược sông Nghèn quê hương của Lê Thành Nghị và lần nào cũng không thoát khỏi câu thơ đầy ám ảnh của ông: "Em đi trên bờ, nước dưới bến dâng lên". Ðó là một câu trong bài Mùa hoa xoan được viết từ năm 1970. Phải một tình gì rất trong, một sự gì rất tha thiết, phải rất thông thái tự nhiên mới có thể viết được câu thơ tài hoa đến thế.

Những câu thơ tài hoa của Lê Thành Nghị có được từ nhiều hướng.

Có thể là một sự "ga-lăng" khi đứng trước sông Kỳ Cùng:

Anh vẫn biết, rằng sông chảy ngược
Thế nghĩa là hoa tím chẳng về xuôi
Anh vẫn biết, mềm không riêng gì nước
Thế nghĩa là núi cũng phải trôi thôi...

                   (Trong suốt sông Kỳ Cùng)

Có thể đó là một câu thơ đầy hình ảnh mà tiếng Việt sẵn sàng ban tặng cho mọi nhà thơ, khi nhà thơ biết hiến dâng tình yêu cho tiếng Việt, cảnh Việt, người Việt:

Nhẹ nhàng chiếc lá bàng thay
Kéo theo một vạt lửa bay xuống hồ

Có khi sự tài hoa đến do một quan sát, một ghi nhận từ cái đẹp của đời. Ðó là khi người bà tắm rửa sạch sẽ, mặc áo mới đi chào xóm làng rồi quy tiên, Lê Thành Nghị viết giản dị:

Sống phải đẹp dường nào
Về mới thanh thản vậy!

                                      (Bà)

Ðây là sự tổng kết một cuộc đời nhưng mở ra với tác giả và với mọi người.

Có khi, sự tài hoa đến từ đôi mắt và tâm hồn trong suốt của tác giả.  Ấy là khi nhớ về một kỷ niệm tình yêu:

Lời hẹn cũ, ngủ vùi trong đáy giếng
Bóng em và cặp mắt vẫn trong veo

                             (Mùa lá xanh)

Hiển nhiên là em và mắt em ngày ấy trong veo, nhưng để nhìn ra sự trong veo ấy phải là một tâm hồn đã được thanh lọc và càng ngày càng đằm thắm. Nó vượt ra khỏi một kỷ niệm, một tình yêu riêng để đi đến lẽ yêu đời.

Cũng có khi, đó là sự vô ngôn:

Ôi quê hương
Chỉ có thể quỳ trước quê hương
Như quỳ trước những gì tinh khiết nhất!

                             (Rượu quê)

Có người coi câu thơ hay là đơn vị cơ bản, là tiêu chí để đánh giá nhà thơ. Không hẳn thế, nhưng nói đến nhà thơ lớn thì chắc chắn phải có nhiều câu thơ hay. Lê Thành Nghị có nhiều câu thơ hay không chỉ vì là người có tài hoa bẩm sinh mà còn của một người từng trải, dần dà chín một cảm thức nhân loại.

Con người có thể vượt qua nhiều điều nhưng có một điều không thể vượt qua được: đó là cái hữu hạn của đời mình và cái vô cùng của vũ trụ. Nhiều nhà thơ đã nói về điều này nhưng thấm thía nhất có lẽ là Trần Tử Ngang, một nhà thơ nổi tiếng thời Sơ Ðường khi ông lên đài U Châu, nhìn về con đường thăm thẳm trước mặt:

Người trước chẳng thấy đâu
Người sau chưa thấy tới
Ngẫm trời đất vô cùng
Một mình tuôn lệ chảy.

Ðó là một nỗi buồn, một cảm thức nhân loại. Nhưng dù là nỗi buồn lớn, nỗi buồn đè nặng trái tim nhân loại thì cũng không phải là nỗi buồn cần né tránh. Bởi nếu không nhận ra điều đó, người ta không biết nhìn xa để sống, người ta dễ tuyệt đối hóa cái tầm thường, hữu hạn.

Ðọc thơ Lê Thành Nghị, dường như ở đâu cũng gặp cảm thức này:
Ôi nghìn năm trước ta

Và một nghìn năm tới
Sông vẫn thì thầm điềm tĩnh chảy giữa bờ ngô.

                        (Sông Nghèn gặp lại)

Ngày đi như nước xiết
Ðịnh đưa ta về đâu đây?

                             (Dưới chân cầu)

Chỉ còn đá nằm trên bờ biển hát
Mang mọi kiếp người tan vào ánh trăng

                             (Bãi đá quê hương)

Buồm nhỏ xíu - người đi đâu mãi mãi

                           (Bến đò Thuận Chân)

Cảm thức đó người xưa đã nói, không phải phát hiện của Lê Thành Nghị. Nhưng anh biết nhắc mình, nhắc con, nhắc bạn đọc bằng những lời thơ rung động:

Cha đi làm tháng tháng, năm năm
Ðường mỗi lúc một xa, tóc mỗi ngày mỗi bạc
Cầu thang gác như ai vừa thêm bậc
Cơn gió nào cũng lạnh buốt sau lưng.

                   (Mùa xuân của cha và con)

Những đề tài và cảm xúc hiện đại, và dường như hiện đại hơn bởi được thể hiện trong những thi pháp phương Ðông truyền thống. Phải chăng hiện đại và hội nhập của nhà thơ không chỉ là đi về phía phương Tây, phía tương lai và ở hình thức ngôn ngữ mà còn ở  phía cha ông, phía người xưa, phía sâu thẳm cõi lòng và tìm một chữ hòa với thiên nhiên, với vô tận?

Thơ Lê Thành Nghị có bài nhiều lời nhưng nhiều, rất nhiều chỗ anh biết nhờ thiên nhiên và khắc tạc vào thiên nhiên ý tứ của mình:

Người con trai cuối cùng của mẹ ra đi
Hoa xoan đứng một bờ lặng ngắt!

Dường như một nửa hồn Lê Thành Nghị thi sĩ đã ở cây, ở nắng, ở mảnh vườn xưa, ở trong quê hương đất nước này nên đọc "Cuối chân mây nắng về đột ngột - gió bên đường cũng ngơ ngác xanh" là nhận ra cái ngơ ngác của ông. Và ông "luân chuyển" thật dễ dàng giữa thiên nhiên: Khi thì "Loài hoa lạ cứ nhìn cha trong cỏ"; khi thì "Bát ngát con đường quê cuối chạp, Lòng theo vạt nước chuyển ra giêng, Bốn bề thơm thảo giàn gấc chín, Hoa cải vàng theo đến bến sông". Có cần đâu nói đến chữ đẹp, chữ tình, mà quê ta, con người ta cứ đẹp thế trong tình - tình người đối với cỏ cây và cỏ cây với con người!

Ông cũng biết giữ cái vẹn nguyên của lòng mình để chống lại sự trôi chảy của thời gian, lấy cái tương đối làm tuyệt đối:

Có thể tất cả chuyển dời còn ta vẹn nguyên
Tất cả chỉ là thoáng qua còn ta thì mãi mãi
Tất cả là bây giờ còn ta là ngày ấy...

  (Mát-xcơ-va, Không tin những giọt nước mắt)

Thơ xưa từng nhắc đến ngọn nến (Chiếc nến có lòng còn luyến tiếc, Thay người nhỏ lệ suốt năm canh), Lê Thành Nghị cũng có phát hiện về ngọn nến:

Nếu không đau điều gì nhiều khi ta chẳng nhớ
Nến đã tàn vì soi sáng suốt đêm.

                             (Ngọn nến)

Ngày nay, những chân trời sáng tạo đang rộng mở trước mọi người. Thơ Lê Thành Nghị chỉ là một hướng. Nhà thơ từng tâm sự như một quan niệm nghệ thuật: "Tôi cũng như hàng trăm bạn viết khác, bị cái đẹp, cái hay của ngôn từ mê hoặc (và huyễn hoặc) từ khi còn ít tuổi. Nhưng rồi đến một lúc nào đó, say mê chưa đủ mà phải có vô vàn các thứ khác để làm cái việc mà cho dù viết một câu thơ, một dòng văn nào đó cũng phải "dĩ tận vi độ" (lấy cái tận cùng làm độ)". Quan niệm này ông cũng đã phát biểu bằng một tứ tuyệt Hoa xương rồng:

Một đốm nhỏ giữa một rừng gai nhọn

Hình như hoa không phải thắm cho người

Nếu có phải đợi chờ đến tím

Ta sẽ chờ tàn lụi cả rừng gai.

Với quan niệm ấy, tâm thế ấy và tài hoa ấy, Lê Thành Nghị có một hướng thơ đáng tin cậy.