Cờ tướng là hoạt động thường được tổ chức ở rất nhiều lễ hội truyền thống. Nhưng trên cả nước, chỉ có duy nhất một lễ hội dành riêng cho cờ tướng, đó là lễ hội cờ ở chùa Vua. Chùa Vua được khởi dựng vào thời Lý mang tên Hưng Khánh tự. Ngôi chùa này có điện thờ Đế Thích, trở thành một trong Tứ Quán của Kinh thành Thăng Long. Từ xa xưa, dân gian coi Đế Thích giỏi cờ nhất cả cõi người, cõi trời. Tương truyền, đến đời Lê, vì ngưỡng vọng Đế Thích, một vị hoàng tử nhà Lê mê cờ đã chọn chùa Vua làm trung tâm đấu cờ tướng của Kinh đô Thăng Long. Tục lệ mở hội đánh cờ tướng được lưu giữ từ đó đến nay.
Tham dự lễ hội cờ năm nay có gần 100 kỳ thủ là những đại kiện tướng cờ cấp quốc gia, quốc tế và những người yêu cờ. Nơi đây là điểm hẹn của những cao thủ cờ tướng Hà Nội cũng như ở nhiều tỉnh thành miền bắc. Thi đấu cờ theo thể thức quốc tế tính giờ, vừa tuân thủ theo thể thức truyền thống.
Quân đỏ là nam giới....
... và quân xanh là những cô thanh nữ, tuổi đôi mươi, ăn mặc diêm dúa.
Những "quân" cờ người khoác trên mình những sắc áo xanh, áo đỏ cũng vào vị trí.
Nữ “Tướng bà”.
Cùng với các hoạt động nghi lễ tôn giáo thông thường, thi đấu cờ được coi là nội dung chính của Hội.
Chăm chú theo dõi, vừa xem, vừa luận nước cờ, vừa học hỏi cách đánh của người chơi.
Hà Nội có Văn Miếu, Y Miếu, còn Chùa Vua, với lễ hội cờ "độc nhất vô nhị", xứng đáng được gọi là "Kỳ Miếu Thăng Long".
Sân Chùa Vua chính được lát bằng đá tảng xanh, là bàn cờ người khổng lồ được dành cho trận đấu cờ chung kết diễn ra vào ngày chính hội (mùng 9 tháng Giêng)
Giá trị giải thưởng tuy không nhiều về vật chất, song có ý nghĩa về tinh thần, bởi đây là giải đấu có uy tín cao. Với những danh thủ đạt giải ba năm liền, sẽ được khắc tên vào bia đá của chùa.