Năm 2018, chị Thạch Thị Chal Thi vừa lấy bằng Thạc sĩ Công nghệ thực phẩm. Niềm vui chưa được bao lâu, chị nhận được một cuộc điện thoại của bố khiến tim rụng rời. Ở đầu máy bên kia, giọng ông cụ run rẩy: "Dừa rớt giá quá, 12 trái chỉ bán được 20 nghìn đồng. Năm nay lỗ to rồi con ơi..."
Vội vàng bắt chuyến xe sớm nhất trở về quê ở Trà Vinh, chị Chal Thi chỉ kịp gửi một tin nhắn ngắn gọn cho chồng là anh Phạm Đình Ngãi: "Em về trước. Ổn thì anh hãy về". Vậy nhưng, hy vọng mong manh về ổn định lại đầu ra cho vườn dừa đã không bao giờ tới.
Đứng trước nguy cơ toàn bộ cơ nghiệp sắp thua lỗ kéo dài, lại sẵn trong lòng niềm đam mê khởi nghiệp, anh Ngãi đưa ra một quyết định khiến gia đình và bạn bè vô cùng ngạc nhiên, đó là bỏ công việc giảng viên tại một trường cao đẳng ở TP Hồ Chí Minh, tập trung nghiên cứu cách thu hoạch mật hoa dừa.
Sau thời gian dài "chạy ngược chạy xuôi", trăn trở suy nghĩ để tìm hướng đi mới cho cây dừa, anh Ngãi phát hiện ra rằng, tại những quốc gia lân cận như Philippines, Thái Lan, ngành nghề thu mật hoa dừa phát triển rất tốt, trong khi ở Việt Nam lại chưa có ai làm.
Sau thời gian nghiên cứu, sản xuất, mật hoa dừa của gia đình anh Ngãi và chị Chal Thi có vị ngọt thanh với chỉ số đường huyết thấp hơn so mật ong, đường mía nhưng lại sở hữu hàm lượng khoáng cao, thích hợp với người bị tiểu đường hoặc người có chỉ số đường huyết cao, người già cần bồi bổ cơ thể.
Chỉ sau hai năm, đôi vợ chồng nhà khởi nghiệp trẻ vừa tập trung phát triển vùng nguyên liệu theo hướng hữu cơ, an toàn trong toàn bộ quá trình canh tác nhằm bảo vệ hệ sinh thái và môi trường, vừa đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Vừa qua, anh Ngãi và chị Chal Thi đã thành lập dự án "Chế biến sản xuất các sản phẩm từ mật hoa dừa" với thương hiệu Sokfarm và tự tin tham gia Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn" năm 2020. Vượt qua hàng loạt đối thủ "nặng ký", dự án của anh chị xuất sắc giành giải nhất cuộc thi.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, nhận định, cách thức khởi nghiệp mới mẻ của anh Phạm Đình Ngãi và chị Thạch Thị Chal Thi đã nâng cao giá trị cho trái dừa - loại nông sản truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số người Khmer tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
"Cùng phần thưởng 50 triệu đồng, dự án sẽ nhận được khoản hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm của T.Ư Đoàn với mức vay một tỷ đồng. Mong rằng đây sẽ là nguồn lực hiệu quả, giúp dự án nhanh chóng vươn lên phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ trong thời gian tới", đồng chí Nguyễn Thị Thu Vân chia sẻ.
Được biết, ngoài giải nhất nêu trên, Ban tổ chức cuộc thi cũng đã trao hai giải nhì tặng các dự án "Mắm Gò Công và giá trị thực phẩm lên men tự nhiên" của tác giả Lê Ngọc Thảo (Tiền Giang) và "Dịch vụ du lịch bền vững tại Hà Giang" của tác giả Sùng Mí Phìn (Hà Giang).
Đồng thời, Ban tổ chức cũng đã trao hai giải ba, ba giải khuyến khích; trao nhóm giải thưởng "Hỗ trợ thiết bị nông nghiệp - Nâng cao năng lực sản xuất", " Chuỗi cung ứng và kinh doanh các sản phẩm" và "Dự án nông nghiệp phát triển bền vững".