Độc đáo Bảo tàng các nhạc cụ thất truyền của Nga

NDO -

NDĐT - Với niềm đam mê và nỗ lực của mình, nghệ nhân Sergei Plotnikov ở thành phố Voronezh (LB Nga) đã sưu tập và tìm cách phục chế nhiều loại nhạc cụ đã bị thất truyền của Nga. Ông đã lập ra Viện bảo tàng Các nhạc cụ thất truyền để khách tham quan Nga và quốc tế có dịp tìm hiểu rõ hơn về các nhạc cụ âm nhạc dân gian xa xưa của người Nga.

Nghệ nhân Sergei và bảo tàng nhỏ của mình.
Nghệ nhân Sergei và bảo tàng nhỏ của mình.

Do đã có hẹn từ trước, ông Plotnikov ra tận cửa Cung Văn hóa thành phố để chờ đón chúng tôi. Ông đưa chúng tôi lên thăm bảo tàng của mình, nằm trong một căn phòng khiêm tốn ở tầng 3 Cung văn hóa. Có vẻ như nhận ra chúng tôi hơi thất vọng trước diện tích khiêm tốn của căn phòng, ông giải thích do Cung Văn hóa đang sửa chữa nâng cấp nên ông phải tạm chuyển các hiện vật của lên căn phòng này, còn thông thường, bảo tàng của ông trưng bày trong một căn phòng dưới tầng 1 tòa nhà.

Trong căn phòng nhỏ đơn sơ, những nhạc cụ với đủ hình dáng kỳ lạ để la liệt khắp mọi nơi. Nghệ nhân Sergei cho biết, trong bộ sưu tập của mình có tới hơn 80 loại nhạc cụ cổ truyền khác nhau. Trong bộ trang phục dân tộc của Nga, ông vui vẻ dẫn chúng tôi đi thăm và giới thiệu cho chúng tôi tỉ mỉ về từng bộ nhạc cụ trong bộ sưu tập của mình.

Độc đáo Bảo tàng các nhạc cụ thất truyền của Nga ảnh 1

Chỗ này là cả một bộ đàn hạc cổ với những chiếc đàn hạc với nhiều kiểu dáng khác nhau. Cổ nhất trong bộ sưu tập là chiếc đàn hạc ba dây của người Slavơ cổ miền Đông, còn được người Nga gọi là Gudok, ra đời từ thế kỷ thứ 10. Thay vì sử dụng các ngón tay để gảy, chiếc đàn này lại sử dụng vĩ để kéo như đàn violon ngày nay. Cạnh đó là một chiếc đàn cổ khác có từ thế kỷ 11 trông khá đơn giản với sáu dây hay một chiếc đàn chín dây từng được người Nga sử dụng tới tận những năm 1980.

Ở gần đó là những chiếc đàn Balalaika nổi tiếng của người Nga. Chiếc đàn Balalaika cổ của ông Sergei khác với những chiếc đàn hiện nay với cần đàn dài và chỉ có hai dây. Ông cho biết đàn Balalaika cổ được người Nga sử dụng từ thế kỷ 17, 18 và cho tới 130 năm trước đây mới có hình dáng và số lượng dây như loại đàn Balalaika hiện đại như ngày nay. Thậm chí, ông Sergei còn có cả một chiếc đàn cỡ đại, với đường kính thân đàn lên tới 70cm. Bộ sưu tập các loại sáo cổ của ông Sergei cũng hết sức đa dạng. Từ chiếc sáo cổ Kalyuka đơn giản làm từ một ống sậy khoét lỗ cho tới những cây sáo phức tạp hơn chút ít như chiếc Dutka với nhiều lỗ giống như chiếc sáo hiện đại ngày nay.

Nghệ nhân Sergei Plotnikov giới thiệu cho chúng tôi một chiếc đàn trông khá lạ, hình dáng giống như phần bầu đàn của chiếc cello nhưng lại có tay quay và phím đàn. Ông cho biết chiếc đàn này được gọi là đàn Lyre quay, ra đời ở Trung Âu từ thế kỷ thứ 11. Khi đó, chiếc đàn này thường được các nhạc công mù dùng để nói lên những nỗi niềm trong tâm hồn mình. Để chơi đàn, người nghệ sĩ cần phải quay liên tục chiếc cần quay để đàn phát ra âm thanh, đồng thời sử dụng các phím bấm để thay đổi cung bậc âm thanh.

Độc đáo Bảo tàng các nhạc cụ thất truyền của Nga ảnh 2

Nghệ nhân Plotnikov còn giảng giải, giới thiệu với chúng tôi nhiều nhạc cụ khác như cây đàn organ quay tay đường phố Sharmanka của châu Âu do một nghệ nhân ở Lipetsk tăng với các bản nhạc đã được “lập trình” trên giấy đục lỗ; hay chiếc kèn túi Volynka của người Slavow có họ hàng với chiếc kèn túi của người Scotland. Không chỉ có vậy, trong bộ sưu tập của ông Plotnikov còn có những loại nhạc cụ hết sức kỳ lạ khác. Cái thì như một chiếc lưỡi cưa cỡ lớn, cái thì giống như một chiếc mái chèo bằng gỗ.

Trong quá trình giới thiệu các loại nhạc cụ cho chúng tôi, ông Plotnikov trình bày tỉ mỉ các thông tin và trình diễn cho chúng tôi xem cách chơi từng nhạc cụ. Ông tỉ mẩn hướng dẫn chúng tôi cách bấm nốt trên từng dây đàn của chiếc đàn hạc, rồi cách thổi hơi, điều khiển âm lượng, thay đổi âm thanh trên chiếc sáo cổ Kalyuka. Rồi cách dùng môi để điều khiển luồng hơi trên chiếc sáo Dutka do nhạc cụ này không có bộ phận lưỡi gà. Dưới sự hướng dẫn cẩn thận của ông, những âm thanh thánh thót của từng loại nhạc cụ cổ vang lên thật thú vị. Và sau những nỗ lực hết sức vất vả để học một số hợp âm, cuối cùng, chúng tôi cũng có thể chơi một đoạn nhạc ngắn đơn giản và vui vẻ cùng với ông Sergei bằng chiếc hạc cầm của người Slavơ.

Tâm sự với chúng tôi, nghệ nhân Sergei Plotnikov cho biết ông bắt đầu công việc sưu tập và phụ chế các loại nhạc cụ cổ của Nga từ 16 năm trước, khi vợ ông tặng ông một cuốn sách với sơ đồ thiết kế các loại nhạc cụ. Ông chia sẻ: "Khi đó tôi chẳng có kiến thức gì về âm nhạc song vẫn tìm cách phục chế các nhạc cụ cổ dựa trên các sơ đồ thiết kế trong sách". Để phục chế chính xác các loại nhạc cụ, ông còn phải tìm hiểu các hình vẽ thiết kế trong các cuốn từ điển bách khoa và các nghiên cứu khảo cổ học. Ban đầu, ông Plotnikov nghiên cứu chế tạo cả các nhạc cụ của châu Á lẫn châu Âu, trong đó có các nhạc cụ của Nga. Tuy nhiên, sau đó vợ ông đã khuyên ông nên tập trung chế tạo các nhạc cụ của Nga để người dân Nga biết tới các nhạc cụ đã thất truyền của họ.

Độc đáo Bảo tàng các nhạc cụ thất truyền của Nga ảnh 3

Ông Plotnikov cho biết, sau khi phục chế và sưu tập được một số nhạc cụ cổ truyền, nhiều người bày tỏ sự quan tâm, mong muốn biết thêm về lịch sử của các nhạc cụ đó và đã đề nghị ông lập nên một bảo tàng. Với sự ủng hộ của một số bạn bè, ông Sergei đã quyết định đã lập ra bảo tàng nhạc cụ thất truyền này. Viện bảo tàng nhỏ bé của ông cũng đã nhận được sự hỗ trợ tích cự từ phía chính quyền địa phương. Thành phố đã dành cho ông một phòng trong cung văn hóa để làm nơi trưng bày các hiện vật của bảo tàng, đồng thời cũng trả lương hằng tháng cho ông. Ông cho biết ông cảm thấy rất hạnh phúc khi vừa được làm việc với niềm đam mê của mình mà còn được trả lương. Ông nói: “Trên thế giới có rất ít người được làm việc với niềm say mê của mình mà còn được trả lương như tôi”.

Và những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt những năm qua, giờ đây bảo tàng của ông Plotnikov cũng đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Dù quy mô bảo tàng vẫn còn rất khiêm tốn, nhưng nó đã thu hút được một lượng khách tham quan đông đảo, trong đó có nhiều thanh, thiếu niên. Không chỉ có vậy, từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm, ông lại đi khắp mọi miền nước Nga để giới thiệu về các nhạc cụ cổ truyền. Nhiều người sau khi tới thăm bảo tàng của ông cũng đã bắt tay vào chế tạo các nhạc cụ cổ truyền của Nga.

Trong suốt buổi thăm quan bảo tàng, bằng những nhạc cụ giản dị, đơn sơ tự chế, ông Sergei Plotnikov đã cho chúng tôi được thưởng thức những bản nhạc, điệu dân ca Nga hết sức thú vị. Và nhờ những âm thanh mộc mạc này, chúng tôi có thể dễ dàng hình dung ra một không gian làng quê Nga cổ kính và yên bình thuở xa xưa.