Tối 17/1, tại Hà Nội, Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội (HBA) tổ chức “Chương trình gặp mặt đối ngoại chào năm mới 2024 - Xuân Giáp Thìn”.
Tới dự chương trình có lãnh đạo các cơ quan Đảng và Nhà nước; các ủy ban của Quốc hội; các bộ, ban, ngành Trung ương; thành phố Hà Nội và một số địa phương; các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp của Trung ương và các địa phương.
Đặc biệt, trong 300 đại biểu tham dự chương trình, có gần 60 vị khách quốc tế là các đại sứ, đại biện; các vị tham tán kinh tế, tham tán thương mại của nước ngoài tại Việt Nam; các trưởng văn phòng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu là hội viên của VACOD và HBA tại Hà Nội và trên toàn quốc.
Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD, kiêm Chủ tịch HBA cho biết, chương trình “Gặp mặt đối ngoại chào năm mới 2024 - Xuân Giáp Thìn” là sự kiện thường niên, truyền thống của VACOD và HBA. Đây là dịp để Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp nhìn lại những hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, báo cáo kết quả đã đạt được trong năm qua với các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của các cơ quan Trung ương, lãnh đạo Hà Nội, lãnh đạo một số địa phương mà Hiệp hội đã có phối hợp trong các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
Phát biểu tại sự kiện, TS Võ Trí Thành (Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh) dự báo, bước sang năm 2024, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy vậy, kinh tế Việt Nam sẽ vẫn có cơ hội phục hồi tích cực hơn nếu các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế.
Theo TS Nguyễn Hồng Sơn, năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, linh hoạt, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Nhờ đó, kinh tế Việt Nam đã phục hồi, tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,05%. Đây là kết quả tích cực, mặc dù chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng cũng thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới và khu vực.
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam. |
Chia sẻ quan điểm này, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, năm 2024 sẽ là năm nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Nhưng dưới góc nhìn tình hình ngoại giao, hiện nay cũng là cơ hội đối với kinh tế Việt Nam khi Việt Nam quyết tâm theo mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Việt Nam đã chuyển mình thành một trong những nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và mở rộng thị trường xuất khẩu. Vị trí chiến lược, lực lượng lao động trẻ và cam kết cải cách kinh tế của Việt Nam đã khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp.
Liên hợp quốc đánh giá cao cam kết của Việt Nam đối với hợp tác toàn cầu và chủ nghĩa đa phương, định hình các chương trình nghị sự khu vực và thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia. Đồng thời, Việt Nam cũng đã tích cực theo đuổi tự do hóa thương mại và đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, mở cửa thị trường mới, tăng cường tiếp cận hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, kích thích tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc cải thiện mức sống và đưa hàng triệu người thoát nghèo, với tầm nhìn trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD, kiêm Chủ tịch HBA, phát biểu khai mạc chương trình “Gặp mặt đối ngoại chào năm mới 2024 - Xuân Giáp Thìn”. |
Đồng thời, theo TS Nguyễn Hồng Sơn, với dự báo của các chuyên gia đã đưa ra, chương trình càng thêm ý nghĩa khi giúp tăng cường tạo dựng, duy trì môi trường hợp tác kinh tế quốc tế; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập kinh tế, thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, mở rộng thị trường với nhiều quốc gia trên thế giới. Tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển, vượt qua khó khăn, thách thức của năm 2024.
“Các doanh nghiệp của hai hiệp hội HBA và VACOD đã và đang phải nỗ lực để vượt qua những thách thức của thời đại, giữ vững nhịp điệu sản xuất kinh doanh với tinh thần của một chiến binh dũng cảm. Trong khó khăn, các doanh nhân Việt Nam vẫn chuẩn bị tâm thế và sẵn sàng cho bước phát triển của năm 2024. Năm mới là cơ hội để chúng ta tiếp tục thúc đẩy sự đổi mới trong quản trị, trong việc áp dụng công nghệ cao, đa dạng hóa sản phẩm và tạo ra những chuỗi giá trị mới. Chúng ta có thể cùng nhau xây dựng những cầu nối mạnh mẽ hơn giữa các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và các cộng đồng toàn cầu, tạo ra môi trường kinh doanh rộng lớn, lành mạnh và bền vững hơn”, TS Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.
Với mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, với thế và lực đang có trong năm vừa qua, tại chương trình, theo nhận định của Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công, năm 2024 và nhiều năm tới, Việt Nam đang đứng trước các cơ hội phát triển to lớn, cũng đồng thời là các cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài, đối tác quốc tế tại Việt Nam. Chìa khóa để tạo sức mạnh nắm bắt cơ hội chính là sự liên kết, hợp tác.
Vì vậy, VCCI với sứ mệnh liên kết, thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, cam kết đồng hành, hỗ trợ HBA, VACOD và các hiệp hội doanh nghiệp khác trong các chương trình nghiên cứu, tham vấn chính sách tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp, các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư trong và ngoài nước, chương trình đào tạo và bồi dưỡng nâng cao năng lực hiệp hội, nâng cao năng lực quản lý điều hành doanh nghiệp…