Đồi Tức Dụp, xã An Tức, huyện Tri Tôn là một trong những biểu tượng của tỉnh An Giang trong kháng chiến. Đồi nằm trên núi Tô nên là chốt tiền tiêu, đầu cầu liên lạc vận chuyển vũ khí, nhân lực cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ ở các tỉnh lân cận An Giang trong kháng chiến.
Trong chiến tranh, Mỹ, ngụy quyền đã điều quân bắn phá, thả bom điên cuồng trong 128 ngày đêm (17-11-1968 – 24-3-1969) xuống đồi Tức Dụp hòng biến ngọn đồi cứ địa này thành vùng đất chết. Trận chiến đó, Mỹ, ngụy quyền dự tính chỉ vài tuần là đánh chiếm được ngọn đồi nhưng không ngờ lại gặp sự kháng cự mạnh mẽ. Thất bại, Mỹ đã phải treo giải thưởng hai triệu USD cho việc tiêu diệt quân đội trong vòng 18 ngày nên ngọn đồi được mệnh danh “ngọn đồi hai triệu đô la”.
Từ chiến công vang dội tại núi Tô, Bộ Tư lệnh Miền trao tặng tám chữ vàng “kiên cường bất khuất, giữ vững núi Tô”. Ngày 1-4-1985, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Tức Dụp là Di tích lịch sử văn hóa.
Chiến tranh trôi qua, đồi Tức Dụp đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng ở An Giang, đây là nơi mà học sinh, thế hệ trẻ và các cựu lão cách mạng hay tổ chức về nguồn ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang.
Ngày 5-12-1995, UBD tỉnh An Giang đã giao cho Công ty Thương mại và Đầu tư phát triển miền Núi tỉnh (Công ty cổ phần du lịch An Giang) phê duyệt dự án khai thác kinh doanh khu di tích lịch sử-văn hóa đồi Tức Dụp. Năm 2016, Công ty cổ phần du lịch An Giang trở thành công ty thành viên của Tập đoàn Sao Mai An Giang.
Nhưng khi khu du lịch vào tay doanh nghiệp tư nhân kéo theo giá vé tham quan tăng cao, cụ thể, từ cuối năm 2018, Công ty cổ phần du lịch An Giang đã thông báo điều chỉnh mức thu phí tham quan từ 60.000 đồng/vé đối với người lớn và 30.000 đồng/vé đối với trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi. Với giá vé tăng nhảy vọt này nhiều cử tri đã bức xúc phản ánh tới ngành chức năng, các đại biểu quốc hội. Còn khách du lịch cũng phàn nàn giá vé tăng cao nhưng khung cảnh vẫn không có gì khác so với trước đây.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao Du lịch tỉnh, cử tri và du khách bức xúc là đúng bởi theo quy định tại Nghị quyết số 42/2016/NQ-HĐND ngày 9-12-2016 của HĐND tỉnh về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng các loại lệ phí trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh thì mức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa do địa phương quản lý đối với người lớn là 20.000 đồng/lượt; trẻ em (từ 6 đến 15 tuổi) là 10.000 đồng/ lượt.
Với mức thu do Tập đoàn Sao Mai thống nhất áp dụng từ cuối năm 2018 thì mức thu phí đã tăng gấp đôi, gấp ba lần. Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao Du lịch đã có làm việc với Tập đoàn Sao Mai để hướng dẫn và đề nghị thực hiện thu phí tham quan theo quy định. Tuy nhiên, đến ngày 7-7-2020 tập đoàn vẫn chưa thực hiện điều chỉnh phí tham quan vì cho rằng sau khi tiếp nhận, họ đã đầu tư nâng cấp cải tạo nên cần có phương án thu phí để bù đắp chi phí đã đầu tư.
Trước phản ánh bức xúc của cử tri, ngày 9-7, UBND tỉnh cùng các sở, ngành đã làm việc với Tập đoàn Sao Mai, yêu cầu Công ty cổ phần du lịch An Giang phải điều chỉnh giá thu phí tham quan. Tại buổi làm việc, Tập đoàn Sao Mai đã thống nhất, điều chỉnh giá thu phí theo đúng Nghị quyết số 42/2016/NQ-HĐND ngày 9-12-2016 của HĐND tỉnh, thời gian điều chỉnh từ ngày 10-7-2020.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cũng cho biết, trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, thanh tra việc thu phí trong lĩnh vực văn hóa thể thao du lịch ở địa bàn tỉnh, tổ chức, cá nhân nào vi phạm quy định thu phí sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy định.