Doanh nghiệp nào đáp ứng được thì tiếp tục hoạt động, còn doanh nghiệp chưa bảo đảm phải tạm ngừng hoạt động. Trước những yêu cầu trên, các doanh nghiệp đồng tình hưởng ứng và thực hiện rất nghiêm túc.
Ngay sau khi chủ trương được ban hành, Công ty TNHH Royal Foods thuộc Khu công nghiệp Mỹ Tho (Tiền Giang) đã xây dựng phương án và triển khai thực hiện sản xuất, kinh doanh theo phương châm “ba tại chỗ”.
Công ty đã bố trí 344/563 nhân viên, công nhân của công ty ăn, nghỉ, làm việc tại doanh nghiệp từ ngày 15/7 cho đến khi có thông báo mới của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang. Các khu ăn, nghỉ của công nhân được công ty chuẩn bị chu đáo, an toàn và sạch sẽ. Ngoài ra, công ty cũng tăng thêm chế độ 50% lương, chăm lo 3 bữa ăn, trang bị nệm, mền, mùng… cho những công nhân ở lại làm việc tại công ty.
Khu công nghiệp Tân Hương có số lượng công nhân đông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được phương án “ba tại chỗ” nên phải tạm dừng hoạt động. Một số doanh nghiệp đăng ký cho số ít công nhân và chuyên gia ở lại tiếp tục làm việc. Ông Bùi Thanh Vũ, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH HanSae Tiền Giang cho biết, hiện nay, công ty bố trí cho 300/6.000 người ở lại công ty làm việc, gồm chuyên gia, công nhân xuất xưởng và bảo vệ. Công ty đang tiếp tục hoàn thiện phương án để công nhân có thể làm việc trong thời gian tới.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, trong thời gian tạm nghỉ việc để phòng, chống dịch Covid-19, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn bảo đảm chế độ, chính sách cho người lao động theo quy định.
Đồng chí Nguyễn Nhật Trường, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, đồng thời duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã tổ chức sắp xếp, xây dựng phương án bố trí nơi ăn, nghỉ, làm việc cho người lao động theo phương châm “ba tại chỗ”.
Tính đến cuối ngày 15/7, toàn tỉnh Tiền Giang có 68 doanh nghiệp đăng ký thực hiện theo phương án “ba tại chỗ”, với tổng số lao động trên 12.100 người; trong đó có 58 doanh nghiệp (49 doanh nghiệp FDI) tại các khu công nghiệp, với số lao động hơn 10.000 người/tổng số lao động của các doanh nghiệp khoảng 43.500 người; 10 doanh nghiệp (3 doanh nghiệp FDI) tại các cụm công nghiệp, với tổng số lao động hơn 2.100 người/tổng số lao động các doanh nghiệp thực hiện phương án khoảng 5.200 người.
Sau khi tỉnh Tiền Giang có văn bản, các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp đều đồng tình hưởng ứng. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng, tổ chức, sắp xếp, hoạt động phương án bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn còn một vài tiêu chí chưa thực hiện tốt.
Theo đồng chí Nguyễn Nhật Trường, đối với các doanh nghiệp còn lại trong khu, cụm công nghiệp do không đáp ứng nhu cầu, điều kiện thực hiện phương án nên thông báo tạm ngưng hoạt động, chỉ bố trí số lượng ít người lao động thuộc bộ phận bảo vệ, kho trực theo ca để bảo vệ tài sản nhà máy. Trong đó, khu công nghiệp có 39/107 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, với số lượng công nhân hơn 46.500 người và 60/70 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động với số lượng lao động hơn 11.000 người.