Là một trong những doanh nghiệp có số lượng đông công nhân, người lao động đang làm việc. Để hạn chế số ca nhiễm mới, bảo đảm duy trì hoạt động ổn định với số lao động còn lại, Công ty Casablanca Việt Nam khu công nghiệp Châu Sơn (thành phố Phủ Lý) đã quan tâm nâng cao chất lượng bữa ăn trưa, ăn ca để bảo đảm sức khỏe cho người lao động, đồng thời, tổ chức cho công nhân làm xét nghiệm sàng lọc Covid-19, 2 lần/tuần vào ngày đầu tuần và cuối tuần. Nếu phát hiện công nhân nào bị mắc Covid-19, sẽ cho công nhân đó nghỉ để điều trị theo quy định.
Ông Nguyễn Viết Thạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Casablanca Việt Nam, cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến như hiện nay đã ảnh hưởng đến việc sản xuất của công ty, do nhân lực thường xuyên phải nghỉ việc để điều trị do bị mắc Covid-19. Để ứng phó với tình hình dịch bệnh như hiện nay, chúng tôi đưa vào ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại hơn để rút ngắn thời gian, giảm chi phí, nhân lực, nâng cao năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Bộ phận nhân sự và bộ phận sản xuất chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí nguồn nhân lực để không ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất cũng như tiến độ giao hàng cho đối tác.
Bình thường Công ty TNHH YIC-Vina, đóng tại khu công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý có 500 công nhân làm việc thường xuyên tại 12 dây chuyền sản xuất. Nhưng từ sau Tết Nguyên đán đến nay, công ty chỉ duy trì được hơn 300 công nhân làm việc. Do số lao động còn lại đang thuộc đối tượng F0 và F1 có nguy cơ cao phải nghỉ việc để điều trị Covid-19 theo quy định.
Chị Lương Thị Thìn, phụ trách nhân sự Công ty TNHH YIC-Vina cho biết: Việc thường xuyên thiếu hụt khoảng 30% lao động cũng có ảnh hưởng đến việc sản xuất tại các dây chuyền sản xuất. Để ứng phó với vấn đề thiếu lao động tạm thời do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công ty đã có những chính sách phù hợp, linh hoạt như: yêu cầu công nhân thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch tại nơi ở và nơi sản xuất.
Công ty thực hiện phun khử khuẩn định kỳ máy móc, trang thiết bị, khu vực nhà xưởng, nhà ăn bảo đảm an toàn. Để bảo đảm tiến độ hợp đồng của các đơn hàng mà công ty đã ký kết, công ty đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, đáp ứng được tiến độ sản xuất, kịp thời gian giao hàng.
Tình trạng số ca nhiễm Covid-19 trong công nhân lao động tăng lên đã khiến nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam bị thiếu nhân lực. Theo thống kê của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam, hiện có khoảng 82% số doanh nghiệp trong khu công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 do thiếu nguồn lao động để phục vụ sản xuất vì bị F0 phải cách ly điều trị. Một số doanh nghiệp khác thì khó tuyển dụng lao động vì không có nguồn lao động để tuyển hoặc doanh nghiệp gặp khó khăn vì không thể phỏng vấn trực tiếp đối với những vị trí quan trọng.
Cùng với đó là việc phải bỏ chi phí test khi tuyển dụng nên một số người lao động còn e dè chưa ứng tuyển… Dẫn đến một số doanh nghiệp lớn tính đến thời điểm hiện tại đang thiếu hụt nguồn lao động để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp linh hoạt ứng phó với tình hình dịch bệnh, duy trì chuỗi sản xuất trong bối cảnh hiện nay, các sở, ban, ngành của tỉnh Hà Nam đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: về các thủ tục hành chính hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết thông qua bưu điện, điện tử, email để giải quyết công việc hành chính cho doanh nghiệp bảo đảm nhanh nhất.
Ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam cho biết, các giải pháp về nguồn cung ứng lao động cho doanh nghiệp như mở sàn giao dịch việc làm online, offline. Tăng cường hơn nữa trong việc phối hợp với các tỉnh lân cận, các tỉnh vùng cao trong vấn đề tạo nguồn lao động cho doanh nghiệp; phối hợp với các trường liên kết việc làm khi tuyển dụng các vị trí phục vụ sản xuất trực tiếp, gián tiếp.
Chúng tôi cũng đã thông qua Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội cũng như chính quyền các huyện, thị xã, thành phố cũng như Sở Lao động-Thương binh và Xã hội làm việc với các chính quyền địa phương, các xã, thôn để hỗ trợ người lao động nắm bắt được các thông tin tuyển dụng lao động, cơ chế chính sách của doanh nghiệp để tham gia nộp đơn làm việc. Các trường đào tạo nghề mở rộng các lớp tuyển sinh đào tạo lao động tay nghề cao, đa dạng nhiều ngành nghề để đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều của doanh nghiệp.
Dịch Covid-19 hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam đang nỗ lực để duy trì sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình dịch bệnh, bảo đảm đúng thời gian cung ứng các đơn hàng và bảo đảm ổn định đời sống của công nhân người lao động.