Những tín hiệu tích cực về tăng trưởng lượng khách, đặc biệt ở thị trường nội địa kể từ khi Việt Nam mở cửa lại toàn bộ hoạt động du lịch đã mang đến nhiều hy vọng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, vừa bước vào mùa cao điểm du lịch hè, giá xăng dầu tăng cao đã khiến niềm hy vọng của nhiều doanh nghiệp lung lay. Đến thời điểm này, giá vé máy bay ở nhiều chặng đã tăng lên cả triệu đồng so với vài tháng trước; chi phí ăn uống cũng tăng, chi phí lưu trú ở nhiều điểm đến cũng đã điều chỉnh cao hơn, mà việc vận hành tour cần đến sự hợp thành của tất cả các yếu tố trên.
Tổng Giám đốc Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho biết: Chi phí đầu vào tăng cao khiến giá sản phẩm du lịch bị đội lên, trong khi đó, du khách lại đang đặt nhiều kỳ vọng vào chính sách khuyến mại, giảm giá khi thị trường du lịch phục hồi nên gây nhiều khó khăn cho việc thu hút khách. Thêm nữa, sau hai năm bị giữ chân bởi đại dịch, nhu cầu du lịch của du khách đang rất lớn, lại tập trung chủ yếu vào du lịch biển nên một số tuyến đang có giá rất cao, khó đặt dịch vụ, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty du lịch.
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty Real Vietnam Travel cho hay: Dù chi phí đầu vào tăng rất mạnh nhưng giá tour không thể tăng cao theo ngay được bởi sẽ gây mất thiện cảm và khó hút khách. Đơn cử, trước dịch, vé ô-tô chiều Hà Nội-Sa Pa là 250.000 đồng/chuyến, giờ giá xăng đã tăng gấp đôi nhưng các hãng vận tải cũng chỉ có thể tăng nhẹ thêm 50.000 đồng/chuyến. Làm thế nào để vừa bình ổn giá, vừa bảo đảm chất lượng dịch vụ trong khi vật giá leo thang là bài toán vô cùng đau đầu của các công ty du lịch. Đó là chưa kể, các doanh nghiệp còn phải duy trì vốn để vận hành, thuê mặt bằng, tuyển dụng và trả lương nhân sự sau thời gian dài phân tán lực lượng do dịch Covid-19…, tất cả đang đặt doanh nghiệp vào tình thế khó chồng khó.
Nhiều chuyên gia lo lắng, sau đại dịch, kinh tế người dân bị ảnh hưởng, lại phải đối mặt tình cảnh giá hàng hóa tăng cao nên nếu giá tour cũng tăng nhiều sẽ chi phối lớn đến quyết định đi du lịch của du khách, khiến lượng khách giảm sâu, khó bảo đảm tốc độ phục hồi du lịch. Còn nếu doanh nghiệp vẫn cố giữ giá tour khi mọi thứ đều tăng có thể sẽ làm giảm chất lượng dịch vụ, gây ảnh hưởng hình ảnh du lịch của đất nước.
Đối mặt với “bão giá”, không thể có sức bù lỗ, nhiều doanh nghiệp đang buộc phải điều chỉnh giá tour hoặc đề nghị khách giảm thời gian hành trình, giảm hạng khách sạn để cân đối chi phí. Ông Nguyễn Công Hoan cho hay, trước đây doanh nghiệp thường chào giá trọn gói cả tour nhưng nay doanh nghiệp đang tách nhỏ từng thành phần để công bố cơ cấu giá tới du khách, nếu có sự biến động về giá ở từng thành phần sẽ có thể điều chỉnh và thuyết phục khách thuận lợi hơn… Nhiều doanh nghiệp cũng đang ưu tiên giới thiệu về các điểm đến có chi phí chưa tăng quá cao để phù hợp mức chi tiêu của du khách. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tình thế.
Mùa du lịch hè vừa mới bắt đầu, học sinh cũng còn khoảng hai tháng nữa mới quay lại trường học. Điều này có nghĩa, nhu cầu du lịch vẫn còn rất lớn. Để không bỏ lỡ giai đoạn vàng phục hồi du lịch, các chuyên gia cho rằng các cơ quan hữu quan cần sớm có chính sách hiệu quả để kiểm soát giá cả, đặc biệt là giá xăng dầu.
Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn Nhà nước sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ông Nguyễn Thành Trung hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp được tạo điều kiện tiếp cận vốn vay ngân hàng với mức lãi suất ưu đãi, đồng thời được hỗ trợ về các loại thuế, phí. Ông Trung cũng bày tỏ, để thúc đẩy tốc độ phục hồi du lịch, cần lấp khoảng trống về thị trường du lịch quốc tế với chính sách thông thoáng hơn nữa về visa, thu hút khách nước ngoài đến Việt Nam nhanh và nhiều hơn...