NGÀY THI ÐẤU THỨ TƯ TẠI PARALYMPIC TOKYO 2020

Đoàn Trung Quốc vượt trội ở nhiều môn thi đấu

Hôm qua, ngày 28/8 tiếp tục là “ngày vàng” của Ðoàn thể thao người khuyết tật (NKT) Trung Quốc khi có thêm 10 Huy chương vàng (HCV), nâng tổng số HCV lên con số 30. Họ cũng dẫn đầu ở một loạt môn thi đấu, như đấu kiếm, bóng bàn, bơi... Vượt trội là đội tuyển cử tạ Trung Quốc khi có năm HCV sau bốn ngày thi đấu tại Thế vận hội. Cũng trong ngày 28/8, đoàn Malaysia đã đoạt HCV đầu tiên môn cử tạ.

VÐV Chen Minyi giúp Trung Quốc giành HCV ở nội dung bắn cung đồng đội hỗn hợp W1. Ảnh: IPC/Getty
VÐV Chen Minyi giúp Trung Quốc giành HCV ở nội dung bắn cung đồng đội hỗn hợp W1. Ảnh: IPC/Getty

Thành tích xuất sắc giành năm HCV và dẫn đầu môn cử tạ qua bốn ngày thi đấu tại Paralympic Tokyo 2020 là sự tiếp nối thành công tại Olympic Tokyo 2020 vừa qua của các VÐV cử tạ Trung Quốc. Nổi bật là tấm gương vượt khó của Tan Yujiao, đô cử đã đoạt HCV ở hạng dưới 67 kg nữ chiều 28/8. Khi nói về tấm HCV của mình, nhà vô địch cử tạ của Thế vận hội NKT năm 2016 và 2020 này chỉ diễn tả một cách đơn giản: “Tạ là thứ bạn nâng lên hoặc có thể bị nó đè bẹp”. Sinh ra ở Tương Ðàm, tỉnh Hồ Nam, Tan Yujiao bị teo cơ ở chân phải do viêm tủy xương cấp tính khi mới 7 tuổi. Ngay từ khi còn nhỏ, cô đã suy nghĩ về việc làm thế nào để vượt qua sự khiếm khuyết về thể chất để có thể thực hiện những ước mơ và khẳng định mình trong cuộc sống. Năm 13 tuổi, khi còn là một học sinh tiểu học, cô đã được một HLV cử tạ chọn và đưa về huấn luyện tại Trường thể thao Xiangtan. Chỉ một tháng sau, Yujiao đã tham gia thi đấu tại Ðại hội thể thao NKT lần thứ sáu của tỉnh Hồ Nam. Khi bước vào năm thứ nhất trung học cơ sở, cô dần cảm thấy áp lực, mặc dù luôn học giỏi, xếp đầu lớp. Yujiao giải thích: “Nếu phải đi học hoặc đi làm sau này, tôi luôn phải dành nhiều thời gian hơn khi đi bộ cùng quãng đường với những người khác và cũng không thể tham gia các hoạt động thể thao như những người khác. Vì vậy, tôi nghĩ mình phải tìm ra một con đường phù hợp với riêng mình”. Lớn lên, Yujiao đã tự quyết định sự nghiệp mình sẽ hướng tới. Cô liên lạc với HLV cũ và nói rằng sẽ quyết tâm tập cử tạ. Ngay khi đó, HLV đã nêu lên những khó khăn, thách thức và cho rằng cô cần suy nghĩ kỹ bởi có rất nhiều người tập luyện, nhưng chỉ có một nhà vô địch và sự nghiệp thể thao là không hề dễ dàng. Bây giờ đã 31 tuổi, cô nhớ lại cuộc điện thoại với HLV khi đó và khẳng định: “Tôi đã đúng và tự hào với sự lựa chọn đó khi mới 13 tuổi”.

Ðến Paralympic Tokyo 2020, Tan Yujiao đã xuất sắc giành HCV với mức tạ 133 kg, song đáng tiếc lại không phá được kỷ lục thế giới của chính mình khi thất bại ở mức tạ 141 kg.

Sau khi liên tục phá năm kỷ lục Paralympic và thế giới môn bắn cung ở ngày thi đấu trước đó, hôm qua (28/8), đoàn Trung Quốc đã đoạt HCV, lập kỷ lục Thế vận hội ở nội dung bắn cung đồng đội hỗn hợp hạng thương tật W1 do bộ đôi Chen Minyi và Zhang Tianxin lập công với 138 điểm. Họ cũng “càn quét” ở môn bóng bàn với ba HCV của Feng Panfeng - đơn nam lớp 3, Liu Li - đơn nam hạng F32 và Liu Jing - đơn nữ hạng 1-2. Các kiếm thủ lá liễu Trung Quốc cũng thống trị ở môn đấu kiếm xe lăn khi có ba HCV và chỉ chịu nhường lại một HCV cho VÐV Bebe Vio của Italia ở nội dung kiếm liễu xe lăn của nữ. Nữ kiếm thủ 24 tuổi của Italia (mắc bệnh viêm màng não từ năm 11 tuổi và bị cụt cả hai chân và cẳng tay) đã đánh bại đối thủ Jingjing Zhou của Trung Quốc với tỷ số 15-9 trong trận chung kết và bảo vệ thành công ngôi vô địch mình từng giành được tại Paralympic Rio 2016. Trước đó, Vio đã lần lượt vượt qua các đối thủ mạnh của Georgia, Nhật Bản và đoàn Nga (trung lập).

Hôm qua, các võ sĩ Azerbaijan ở môn judo đã giành thêm ba HCV, nâng tổng số HCV của họ ở môn võ này lên con số 5. Trong môn điền kinh, đoàn Nam Phi có hai HCV do Ntando Mahlangu mang về ở nội dung nhảy xa hạng T63 nam với thành tích 7,02 m, đồng thời cũng xác lập kỷ lục thế giới và của Anrune Weyers chạy 400 m nữ hạng thương tật T47 với thành tích 56 giây 05. Môn bơi cũng có một “ngày vàng” khi có 15 HCV được trao cho các VÐV. Riêng các VÐV Ukraine đoạt tới năm HCV, trong đó “kình ngư” Maksym Krypak vô địch nội dung 100 m tự do nam S10 với thời gian kỷ lục thế giới 50 giây 64. Ðội tuyển bơi Trung Quốc cũng đoạt được hai HCV, trong đó có một kỷ lục thế giới do VÐV Cal Liwen lập được ở nội dung bơi ngửa nữ 100 m hạng thương tật S11 với thành tích 1 phút 13 giây 46. 

Trong ngày thi đấu đầu tiên ở môn điền kinh, VÐV Cao Ngọc Hùng của Việt Nam đã thi đấu rất nỗ lực. Kết thúc sau lần ném lao ở hạng F57 giành cho các VÐV ngồi ném, Cao Ngọc Hùng vươn lên dẫn đầu với thành tích 43,91m, nhưng đáng tiếc không thể giành huy chương vì riêng ở nội dung này đã có hai lượt VÐV phá kỷ lục thế giới. VÐV Papi của Iran phá kỷ lục thế giới với thành tích 49,56m, song chỉ giành HCB. VÐV Hamed của Azerbaijan giành HCV và được công nhận kỷ lục thế giới với thành tích 51,42m. VÐV Nguyễn Thị Hải thi đấu chung kết ném đĩa nữ hạng F57 chỉ đạt thành tích chung cuộc xếp thứ 9/12. Trên đường đua xanh, VÐV Ðỗ Thanh Hải giành quyền vào thi đấu chung kết 100m bơi ếch hạng SB5 nhưng về đích xếp thứ 6/8; VÐV Trịnh Thị Bích Như cũng có mặt ở chung kết 100m bơi ếch nữ và về đích xếp thứ 7/8.

Một đại diện của Ðông Nam Á là đoàn Malaysia đã đoạt HCV đầu tiên tại Thế vận hội do VÐV Bonnie Bunyau Gustin lập công sau khi đạt thành tích cử tạ tốt nhất là 228kg ở nội dung cử tạ 72kg nam, giúp Malaysia vươn lên vị trí 35 trên bảng xếp hạng thành tích, trong khi đoàn Việt Nam tụt xuống vị trí 48. Hôm nay (29/8), các VÐV Việt Nam đều không có nội dung thi đấu.

Mời bạn đọc theo dõi diễn biến thi đấu của Paralympic Tokyo 2020  trên Báo Nhân Dân điện tử: https://nhandan.vn.

Đoàn Trung Quốc vượt trội ở nhiều môn thi đấu -0