THẾ VẬN HỘI NGƯỜI KHUYẾT TẬT- PARALYMPIC PARIS 2024

Đoàn Trung Quốc tiếp tục vượt xa trên bảng thành tích

Theo thông tin cập nhật từ bảng xếp hạng thành tích huy chương Paralympic Paris 2024 tính đến 22 giờ 30 phút ngày 5/9 (theo giờ Việt Nam), Ðoàn Thể thao người khuyết tật Trung Quốc vẫn gia tăng cách biệt ở ngôi đầu với 64 Huy chương vàng (HCV), 51 Huy chương bạc (HCB) và 31 Huy chương đồng (HCÐ). Ðoàn Anh đứng thứ 2 với 33 HCV, 25 HCB và 19 HCÐ, trong khi đoàn Mỹ củng cố ngôi thứ 3 với 26 HCV, 29 HCB và 14 HCÐ.
Đoàn Trung Quốc tiếp tục vượt xa trên bảng thành tích. (Ảnh: TTXVN)
Đoàn Trung Quốc tiếp tục vượt xa trên bảng thành tích. (Ảnh: TTXVN)

Noelle Malkamaki của Mỹ đã trở thành vận động viên (VÐV) đẩy tạ nữ hạng F46 đầu tiên đạt thành tích xa hơn 14m, đồng thời hai lần phá kỷ lục thế giới của chính mình trên con đường chinh phục HCV. Thành tích của Noelle Malkamaki là 14,06m ở lần đẩy thứ tư. Trước đó, ở lần đẩy thứ hai, chị đã phá kỷ lục thế giới với khoảng cách 13,95m.

Với HCV ở nội dung ném đĩa nữ hạng F41 hôm qua, VÐV Raoua Tlili của Tunisia hiện đã giành được cả hai danh hiệu Paralympic đẩy tạ và ném đĩa ở ba kỳ Thế vận hội liên tiếp. Raoua Tlili đã lập kỷ lục thế giới và kỷ lục Paralympic ở môn ném đĩa nữ với thành tích 36,55m. Trước đó, cô cũng giành HCV đẩy tạ hạng F41 với thành tích 10,41m, nâng tổng số HCV của cá nhân qua các giải lên con số 7.

* VÐV bơi lội Jessica Long của Mỹ đã ghi dấu mốc quan trọng là giành huy chương Paralympic thứ 30 với tấm HCV bơi 400m tự do nữ hạng S8. Cô nổi bật với việc liên tục có HCV tại tất cả các kỳ Paralympic kể từ kỳ Thế vận hội ở Athens năm 2004.

Hai VÐV của Hà Lan Sam Schroder và Niels Vink vẫn là nhà vô địch quần vợt xe lăn Paris 2024 sau khi giành chiến thắng hai séc liên tiếp trước Andy Lapthorne và Gregory Slade của Anh để bảo vệ thành công danh hiệu vô địch đôi nữ Paralympic của họ.

* Ðoàn Thể thao người khuyết tật Ukraine đã giành thêm ba HCV. Trong đó, VÐV Andrii Trusov đã phá kỷ lục thế giới của chính mình ở nội dung bơi 50m tự do nam S7 với thành tích 26 giây 38 để đoạt HCV và Yaroslav Denysenko giành HCV ở nội dung 100m tự do nam. Ukraine cũng vô địch nội dung tiếp sức 4 x100m tự do hỗn hợp. Ðến nay, đoàn Ukraine đã có 14 HCV chia đều cho điền kinh và bơi.

* VÐV cử tạ thứ hai của Việt Nam bước vào thi đấu sau Lê Văn Công là Nguyễn Bình An ở nội dung chung kết hạng 54 kg nam. Ở phần thi này, Bình An đã phải đua tranh với các VÐV rất mạnh và không thành công ở lần cử đầu tiên với mức tạ đăng ký là 168 kg. Nữ lực sĩ Ðặng Thị Linh Phượng là VÐV thứ sáu của Việt Nam bước vào thi đấu tại Thế vận hội ở nội dung chung kết hạng dưới 50 kg nữ. Trong lượt nâng đầu, Linh Phượng đã đạt thành tích nâng 93 kg, ở lượt cử thứ hai, nữ VÐV đến từ TP Hồ Chí Minh đạt thành tích 98 kg và xếp thứ tám về thành tích nâng trong tổng số chín VÐV dự thi đấu ở nội dung này.

Lực sĩ Lê Văn Công nhận tin vui

Sau tấm HCÐ quý giá ở môn cử tạ, VÐV Lê Văn Công liên tiếp nhận tin vui với khoản tiền thưởng 235 triệu đồng, trong đó có 85 triệu đồng theo quy định của Nhà nước, 100 triệu đồng từ đơn vị chủ quản là TP Hồ Chí Minh và 50 triệu đồng từ nhà tài trợ. Dù đã 40 tuổi và gặp vấn đề về sức khỏe, bị ảnh hưởng chấn thương vai trước thềm chung kết hạng cân 49 kg nam môn cử tạ, song Lê Văn Công vẫn thi đấu nỗ lực và đã nâng thành công mức tạ 171 kg và lọt vào tốp ba tranh huy chương.

VĐV cao nhất Thế vận hội gặp khó

Với chiều cao 2,46m, ngôi sao bóng chuyền ngồi người Iran Morteza Mehrzad đã gặp khó khăn trong việc tìm một chiếc giường đủ lớn để phù hợp với chiều cao ngoại cỡ của anh tại Làng Thế vận hội. Ban Tổ chức đã phải hai lần tìm cách kéo dài, mở rộng giường cho VÐV của Iran, song vẫn không đáp ứng được yêu cầu của anh. Nhiều khi để cho thoải mái, Morteza đã nằm trên sàn. Mehrzad được chẩn đoán mắc bệnh acromegaly từ khi còn nhỏ, dẫn đến việc cơ thể sản xuất quá mức hormone tăng trưởng. Thi đấu cho đội tuyển bóng chuyền ngồi quốc gia Iran, anh và đồng đội từng giành HCV liên tiếp trong hai kỳ Thế vận hội năm 2016 và 2020 và vào bán kết tại thế vận hội này.