Đỗ Trung Lai đã bỏ ra hai năm toàn tâm toàn ý, thôi cả việc đang làm với cương vị là Phó Tổng biên tập thường trực Báo Đài Tiếng nói Việt Nam, bỏ nhiều tiền của và công sức để có được triển lãm này.
Mất một năm cặm cụi, ngày nào cũng như ngày nào, anh đã dịch xong gần 200 bài thơ (78 bài của Lý Bạch, 47 bài của Đỗ Phủ và 45 bài của Bạch Cư Dị), xếp thành ba cuốn của ba tác giả. Sau đó, mất một năm nữa cặm cụi sưu tập, hệ thống các bản dịch, tham khảo người đi trước, hiệu đính, sửa sang. Và mất ba tháng ròng rã cho triển lãm, với số tiền không nhỏ: hơn 100 triệu đồng, để có những bài thơ và bức tranh trình bày trên gỗ lần đầu tiên có ở Việt Nam.
Thừa nhận mình là một người biết chữ Hán không quá số ngón tay trên hai bàn tay, chỉ có lòng đam mê thơ Đường ngấm vào máu, việc dịch và công bố một lúc ba tập thơ của ba tác giả được coi là “tuyệt đỉnh” của thi ca Trung Hoa, đối với Đỗ Trung Lai quả thật là một việc “tày đình” theo như cách nói của nhà phê bình Phan Cẩm Thượng.
Chính Phan Cẩm Thượng là người giúp hiệu đính văn bản chữ Hán những bài thơ dịch của anh.
Ra đời cách đây đã hơn 1300 năm, Đường thi là một thành tựu không chỉ của riêng đất nước Trung Hoa. Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng cho rằng, “Đường thi đã nêu ra tính bất biến của đời sống nhân văn và một giá trị văn chương giản dị mà sâu sắc, tới mức trở thành một khái niệm mỹ học”.
Trong lịch sử thi ca Việt, thơ Đường cũng để lại một dấu ấn đậm nét. Nhiều tác phẩm dịch Đường thi, sáng tác theo kiểu Đường thi đã trở nên bất hủ. Những bản dịch như Tỳ bà hành của Phan Huy Vịnh, Hoàng hạc lâu, Phong kiều dạ bạc của Tản Đà, Thu hứng của Nguyễn Công Trứ… đã được coi là tuyệt đỉnh thi ca bởi khả năng Việt hoá tuyệt cùng mà vẫn giữ được cái tinh thần, cốt cách của Đường thi.
Tuy nhiên, di sản quý giá của cha ông đó, hầu như không được tiếp nối. Nền Hán học đứt đoạn, và vẻ đẹp của Đường thi hầu như bị bỏ quên trong kho sách cũ, không ai để tâm “bới lại”.
Bắt tay dịch lại Đường thi khi đã 60 tuổi, Đỗ Trung Lai cho biết, anh chỉ mong mình là người bắt tay nối lại sự đứt đoạn đó với hy vọng để người sau tiếp tục với Đường thi.