Đồ chơi đắt tiền - lợi ít hại nhiều

Có thể lựa chọn nhiều loại đồ chơi ít tiền <br> mà vẫn phù hợp với trẻ.
Có thể lựa chọn nhiều loại đồ chơi ít tiền <br> mà vẫn phù hợp với trẻ.

Cách đây 5, 7 năm, những hộp đồ chơi dạng lắp ráp của Lego trên dưới 500.000 đồng có lẽ chỉ dành cho con cái nhà quyền quý nhưng bây giờ đã "bình dân hóa" hơn nhiều! Không chỉ đồ chơi của Lego mà những nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Tommy, Babier... đã bán khắp Việt Nam, dù giá không rẻ. Tại gian hàng đồ chơi của những nhà sách lớn tại TP Hồ Chí Minh như Fahasa, Xuân Thu, Nguyễn Văn Cừ, và các trung tâm thương mại như Diamon, Tax... đều có quầy hàng riêng cho đồ chơi "hàng hiệu". Khó có thể tìm thấy những món đồ chơi tên tuổi nào lại có giá dưới 100.000 đồng, giá trên 500.000 nhiều vô kể! Những ngày thứ bảy, chủ nhật tại các quầy hàng này luôn đông thượng đế nhí và bán rất chạy! Một bộ sưu tập búp bê của Babier trị giá từ 600.000 - 1,2 triệu (chưa kể phụ trang đi kèm như nón, áo, mũ...) luôn được các bé gái ưa chuộng và các bậc phụ huynh mua ít đắn đo.

Chiều 7-7, tại nhà sách Xuân Thu, chúng tôi chứng kiến một phụ huynh mua cho bé gái mới hơn 3 tuổi 4 con búp bê trị giá 1,6 triệu đồng vì "con bé cứ đòi hoài dù ở nhà đã có 8 con!". Với các bé trai, những đồ chơi liên quan đến "siêu nhân" luôn là mối quan tâm hàng đầu và hàng của Tommy dù khá đắt vẫn rất hút khách. Chị Thu,người phụ trách gian hàng đồ chơi tại Fahasa cho biết "phụ huynh mua đồ chơi cho con trên 500.000 đồng/lần đang là chuyện thường"!

Đồ chơi của Lego phần lớn mang tính giáo dục nhưng gần đây cũng tung ra thị trường những đồ chơi mang tính bạo lực như đánh trận giả, lắp ráp quái vật, siêu nhân... và trớ trêu thay các đồ chơi lại dù rất đắt tiền nhưng vẫn bán khá chạy. Tại khu Hai Bà Trưng, nơi bán đồ chơi "hàng hiệu" nhiều nhất TP Hồ Chí Minh, những người bán hàng khẳng định không ngày nào họ lại không có khách mua trên dưới 1 triệu đồng các loại đồ chơi cho con!?

Giống như chuyện học "trường quốc tế" mua đồ chơi "hàng hiệu" cho con cái đang trở thành một mốt "khoe của" hay "khẳng định" mình của không chỉ phụ huynh mà đã lây sang cả con trẻ. Anh Lê Công T., một "đại gia" buôn bán xe hơi cho rằng: "Mình như vầy chẳng lẽ mua thứ đồ chơi vài ba chục ngàn cho cháu"! Thằng bé mới 5 tuổi của anh mỗi tháng mất hơn triệu rưỡi tiền đồ chơi, mua quen đến nỗi có đợt hàng nào mới về mà chủ cửa hiệu mang tận nhà cho chọn! Còn chị Nguyễn Minh T. chỉ là công chức nhà nước lương tròm trèm 1,5 triệu/tháng nhưng cũng sẵn sàng bỏ ra 500.000 - 600.000 đồng/tháng để mua đồ chơi cho con "đỡ tủi với bạn bè". Tại những trường học được xem là "quý tộc" trong TP Hồ Chí Minh như Hòa Bình, Lê Ngọc Hân, 19-5..., các em đã biết khoe khoang xem "đồ chơi đứa nào xịn hơn". Nếu bị chúng bạn chê "đồ chơi dỏm, đi chỗ khác chơi", không ít em lại về mè nheo ba mẹ và phụ huynh không cầm lòng, với lại "chẳng đáng bao nhiêu, mua đại cho rồi". Với các em, ít đồ chơi nào chúng thích quá 1 tuần và ngày qua ngày chất lại hàng thùng, tính toán lại không ít, cha mẹ giật mình khi tiền đồ chơi cho đứa trẻ đã ngót nghét hàng chục triệu đồng!

Nhà xã hội học Nguyễn Thị Oanh cho rằng "nuông chiều trẻ càng sớm càng khó dạy dỗ chúng trong khi hậu quả sẽ lâu dài". Trên thực tế với những đứa trẻ dễ dàng được mua đồ chơi với giá đủ để nuôi sống những gia đình nghèo hàng tháng trời sẽ nhiễm thói quen tiêu xài hoang phí từ nhỏ. Không chỉ vậy, thói xấu coi thường đồng tiền và khinh rẻ bạn nghèo sẽ sớm bộc lộ. Chúng không những khó hòa nhập mà còn bị cô lập nếu gặp một môi trường khác sau này. Trên thị trường, những loại đồ chơi chỉ trên dưới 10.000 - 20.000 đồng khá tốt và đầy tính giáo dục không phải hiếm. Ngày hôm nay là những món đồ chơi vài ba triệu và luôn luôn có được. Mai sau lớn lên, trẻ đòi những món hàng đắt tiền gấp nhiều lần và nếu không được chúng sẽ xử sự ra sao khi thói quen "muốn là có" đã nhiễm từ lâu? Vợ tỷ phú Bill Gates khẳng định "chúng tôi dành 95% gia tài để làm từ thiện, con cái đều có tài khoản riêng nhưng không phải chúng muốn mua gì là được, có những món đồ chúng phải tự để dành tiền khi nào đủ mới được phép mua". Một cách dạy con đáng để tham khảo. Hơn nữa, dạy cho chúng tính tiết kiệm, biết quý trọng đồng tiền và triệt tiêu thói xấu "khoe của, hợm hĩnh" ngay từ nhỏ vẫn là điều đáng làm trong xã hội còn rất nhiều người chỉ cần 500.000 đồng/tháng để thoát khỏi sự nghèo khổ.