Đình Lập phấn đấu về đích huyện nông thôn mới

Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn), từ một huyện nghèo thuộc diện 30a, nhưng sau 10 năm nỗ lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đến năm 2022, đã thoát khỏi danh sách huyện nghèo. Đình Lập quyết tâm bước sang năm 2025 sẽ trở thành huyện đầu tiên của tỉnh về đích xây dựng nông thôn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Lâm Ca, huyện Đình Lập làm đường giao thông nông thôn.
Người dân xã Lâm Ca, huyện Đình Lập làm đường giao thông nông thôn.

Giờ đây, đến với các xã ở Đình Lập, ở đâu cũng thấy sự đổi thay, diện mạo nông thôn mới hiện diện tới từng bản làng, ngõ xóm... Bà Sầm Thị Vui, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đình Lập (huyện Đình Lập) kể: Năm 2011, xã được chọn làm xã điểm của huyện xây dựng nông thôn mới nhưng, qua rà soát, tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 vẫn còn tới 49%... Nhìn vào con số này, cùng với điều kiện thực tế thời điểm bấy giờ và so với những tiêu chí nông thôn mới, nhiều người thật sự “e ngại”. Để đả thông tư tưởng, cán bộ xã đã xuống các thôn tâm sự, trò chuyện, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Qua nắm bắt, lãnh đạo địa phương nhận thấy thực tế có một số hộ dân có mức thu nhập cao hơn, nhưng vì sinh sống ở địa bàn khó khăn, tâm lý muốn nhận trợ cấp của Nhà nước cho nên không khai báo mức thu nhập trung thực. Từ thực tế đó, cấp ủy, chính quyền xã, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã tổ chức họp bàn, tìm giải pháp để huy động nguồn lực nội sinh, giúp người dân phát huy vai trò chủ thể, tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Lý Bá Hội, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đình Lập cho biết: Để thực hiện được phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội của xã đã tổ chức nhiều cuộc họp để phổ biến quán triệt, giao nhiệm vụ cho các thành viên; đồng thời tuyên truyền cho người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, cán bộ, đảng viên phát huy vai trò nêu gương, đi đầu vận động người dân tham gia góp công, hiến đất, góp tiền mặt... xây dựng đường, trường, trạm y tế và hạ tầng thiết yếu. Từ đó, người dân hiểu và tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đồng thuận chung sức xây dựng quê hương.

Giai đoạn 2012-2015, người dân trong xã hiến hơn 5.300 m2 đất để xây dựng trường học, nhà văn hóa, đường giao thông, đóng góp gần 7 tỷ đồng (chiếm 12,8% tổng nguồn lực huy động cho xây dựng nông thôn mới); hơn 100 gia đình tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Đến năm 2015, diện mạo nông thôn mới ở Đình Lập có sự chuyển biến rõ nét, hạ tầng được củng cố, đời sống người dân được nâng lên. Trên địa bàn có hai hợp tác xã và 31 hộ tham gia mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: chăn nuôi bò, dê; chăn nuôi vườn-ao-chuồng; trồng nấm sò; chăn nuôi vịt siêu trứng… Nhờ đó vào năm 2015, xã Đình Lập là xã đầu tiên của huyện Đình Lập đạt chuẩn nông thôn mới.

Xã Đình Lập đạt chuẩn nông thôn mới đã tạo “làn gió mới”, trở thành điểm sáng để các xã khác trong huyện đến học tập kinh nghiệm. Nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu được nhân rộng. Trên cơ sở học tập kinh nghiệm, cách làm của xã Đình Lập, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đều ban hành nghị quyết, kế hoạch, chương trình về xây dựng nông thôn mới phù hợp với thực tế của địa bàn, đơn vị, tạo sự đồng thuận, chung tay góp sức của nhân dân. Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm OCOP bước đầu mang lại kết quả tích cực.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đình Lập, Vũ Thị Hương cho biết: Trong giai đoạn 2011-2020, nhân dân trên địa bàn huyện đóng góp gần 44 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ gần 4,5% so với tổng nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn chuyển biến tích cực; kinh tế, xã hội phát triển khá toàn diện. Nhiều mô hình sản xuất tập trung được hình thành, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm... Những xã vùng đặc biệt khó khăn dần trở thành miền quê đáng sống.

Tuy xuất phát điểm là một huyện nghèo nhưng sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đình Lập đã có những công trình hạ tầng khang trang, những mô hình kinh tế quy mô lớn cho thu nhập bình quân lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng/năm. Đến nay, huyện Đình Lập đã có 9 trong số 10 xã về đích nông thôn mới, trong đó có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: Cường Lợi, Châu Sơn, Bắc Lãng và Đình Lập.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đình Lập, Nguyễn Văn Hà khẳng định: Để thực hiện mục tiêu về đích nông thôn mới vào năm 2025, huyện dự kiến đến tháng 10/2024 sẽ đưa xã Đồng Thắng, xã cuối cùng của huyện về đích nông thôn mới và bước sang năm 2025, trở thành huyện đầu tiên của tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới.