Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Tín, Giám đốc ITPC cho biết, Aeon là một trong những nhà bán lẻ lâu đời nhất tại Nhật Bản, đồng thời là một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất thế giới. ITPC là đơn vị đã sớm có mối quan hệ hợp tác với Aeon từ những ngày đầu tập đoàn này đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Đây là năm thứ ba liên tiếp ITPC phối hợp Aeon Việt Nam tổ chức hội thảo nhằm thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp (DN) những kiến thức về nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Nhật Bản, cũng như quy trình lựa chọn nhà cung cấp cho nhãn hàng Aeon Topvalu, các tiêu chuẩn kỹ thuật để đưa hàng vào hệ thống siêu thị Aeon… nhằm giúp DN có sự chuẩn bị tốt cho bước đầu thâm nhập thị trường Nhật Bản thông qua Aeon.
Ông Nishitohge Yasuo, Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam cho biết, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam qua hệ thống Aeon năm 2019 đạt 381 triệu USD, trong đó 75% là hàng may mặc. Tỷ trọng hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng vẫn còn thấp. Đối với hệ thống bán lẻ tại Việt Nam, cơ cấu nhà cung cấp cho Aeon hiện nay bao gồm 53% là các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm; 28% là các mặt hàng may mặc và 19% là mặt hàng điện máy, điện tử, thiết bị, đồ dùng gia đình. Doanh thu các mặt hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị Aeon vào khoảng 81%.
Để có thể đưa hàng vào hệ thống siêu thị Aeon Việt Nam, theo bà Nguyễn Thị Duy Xuân, Giám đốc bộ phận quản lý nhà cung cấp của Aeon Việt Nam, nhà cung ứng cần đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật với sáu yêu cầu cơ bản: Sản phẩm phải bảo đảm về chất lượng; có đủ giấy phép, giấy chứng nhận theo quy định của Việt Nam; điều kiện vận chuyển, thùng chứa sản phẩm phải phù hợp với yêu cầu của từng loại sản phẩm; sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc; kiểm soát được nguồn gây ô nhiễm tiềm ẩn về vi sinh vật, kim loại nặng; sử dụng thuốc, phụ gia (thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, thuốc thú y…) trong sản xuất phải tuân thủ theo quy định.
Tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh, mặc dù Việt Nam đã kiểm soát dịch Covid-19 rất tốt, nhưng diễn biến đại dịch trên thế giới còn phức tạp, khó lường, do đó nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Nguồn cung nguyên liệu và đầu ra sản phẩm của các ngành sản xuất, nhất là các ngành có giá trị xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
“Trạng thái bình thường mới” là cơ hội để các DN tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn. Đây được đánh giá là “cơ hội vàng” để các DN có thể tập trung đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí rẻ hơn, đồng thời thúc đẩy liên kết, mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài, nâng cao chất lượng, giảm giá sản phẩm, dịch vụ để tận dụng cơ hội chiếm lĩnh và củng cố thị phần.