Cần nghiêm túc, nhìn thẳng vào sự thật !

NDO -

Sau khi đăng bài "Sớm xử lý nghiêm những sai phạm ở Trường đại học Ngoại thương" (trang 8, số ra ngày 21-1-2013), Báo Nhân Dân nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc đề nghị làm rõ những sai phạm có liên quan đến đạo đức, tư cách cán bộ, đảng viên và công tác tổ chức - cán bộ ở Trường đại học Ngoại thương (ÐHNT). Ðồng thời, trên một số tờ báo đăng ý kiến của Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, ở Trường ÐHNT không có sai phạm, mà do một số thầy, cô "ném đá giấu tay vì quy hoạch nhân sự"...(?). Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc để làm rõ dư luận.

Bài học về công tác xây dựng Ðảng

Bên cạnh những sai phạm trong thu, chi tài chính, buông lỏng quản lý, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tìm hiểu về công tác tổ chức - cán bộ ở Trường ÐHNT, chúng tôi được biết, công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các khoa, phòng đã từ lâu không có sự bàn bạc, thảo luận dân chủ trong Ban Giám hiệu. Ðang tồn tại nhiều bất cập và vi phạm các quy định của Ðảng, Nhà nước về công tác cán bộ tại Trường ÐHNT. Công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các khoa, phòng gần như do Hiệu trưởng nhà trường tự quyết định. Hiện nay, một số cán bộ là trưởng khoa của Trường ÐHNT không bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (một số trưởng khoa được bổ nhiệm chưa có học vị tiến sĩ). Thậm chí, có cán bộ đã quá độ tuổi giữ chức vụ quản lý tới ba năm, nhưng vẫn đang nắm giữ chức vụ quan trọng trong trường.

Là một Ðảng bộ có bề dày truyền thống với 53 năm xây dựng và phát triển (1960 - 2013), đa số đảng viên trong Ðảng bộ Trường ÐHNT luôn có ý thức rèn luyện tốt. Tuy nhiên, trước thời điểm nhà trường triển khai, thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Ðảng, thì những vi phạm các quy định của Ðảng và pháp luật của Nhà nước kéo dài nhiều năm vẫn chưa  bị phanh phui. Thực tế cho thấy, việc đấu tranh của các chi bộ, đảng viên trong nhà trường gặp phải nhiều khó khăn, vì đảng viên sai phạm lại là Bí thư Ðảng ủy, Ủy viên Thường vụ Ðảng ủy nhà trường. Khi triển khai, thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Ðảng tại Trường ÐHNT, Ðảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường mới nhận được sự góp ý phê bình thẳng thắn, tâm huyết từ các chi bộ, đảng viên trong nhà trường. Nội dung và hình thức góp ý kiến của đội ngũ cán bộ, đảng viên Trường ÐHNT thể hiện tinh thần trách nhiệm, dũng cảm đấu tranh tự phê bình và phê bình.

Tiêu biểu là những ý kiến đóng góp của các Chi bộ Khoa Kinh tế, Kinh doanh quốc tế (16 trong số 17 đảng viên dự họp) và Khoa Tài chính, Ngân hàng (9 trong số 11 đảng viên dự họp) ngày 22-10-2012, với nội dung: Ðề nghị làm rõ những vấn đề có liên quan đến việc công khai tài chính, những dấu hiệu về tham nhũng của lãnh đạo nhà trường, sự việc Phó hiệu trưởng Ðào Thị Thu Giang thu tiền trái phép của giảng viên trong Chương trình tiên tiến và Dự án MUTRAP III, những yếu kém trong công tác quản lý đào tạo, quản lý cơ sở vật chất của nhà trường. Ý kiến của Phó hiệu trưởng, PGS, TS Bùi Ngọc Sơn với năm điểm cần làm rõ trong cuộc họp Ðảng ủy nhà trường chiều 19-12-2012, gồm các nội dung: Cần chỉ rõ nguyên nhân của những tiêu cực, mất dân chủ, đoàn kết trong nhà trường; làm rõ nội dung chất vấn của Chi bộ Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế. Ý kiến phản ánh của PGS, TS Bùi Thị Lý, TS Ðỗ Hương Lan tại hội nghị quy hoạch cán bộ của trường tháng 8-2012: Có sự chỉ đạo trong bỏ phiếu quy hoạch chức danh Hiệu trưởng cho TS Ðào Thị Thu Giang.

Ðáng chú ý, trong bản góp ý gửi Ban Thường vụ Ðảng ủy nhà trường ngày 21-10-2012 của GS, TS Nguyễn Thị Mơ (nguyên Hiệu trưởng giai đoạn 1998 - 2005, hiện là Ủy viên Hội đồng Khoa học và Ðào tạo nhà trường) đã không ngần ngại, thẳng thắn nêu rõ: "Trong hai năm gần đây, dư luận trong giáo viên và cán bộ trong trường cho rằng, có sự thiên vị trong phân công công việc cho Hiệu phó Giang và sự thiếu bàn bạc dân chủ trong Ban Giám hiệu...". Tuy nhiên, cũng vì sự góp ý phê bình thẳng thắn, cho nên ngày 28-1-2013, Hiệu trưởng đã quyết định không phân công GS, TS Nguyễn Thị Mơ tham gia hướng dẫn tốt nghiệp cho học viên cao học năm 2013 với lý do: Không phân công giáo viên đã về  hưu hướng dẫn, vì nếu sai phạm thì không xử lý được?!

Những diễn biến bất thường chung quanh cuộc họp Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở Trường ÐHNT năm 2012 có liên quan đến Phó hiệu trưởng Ðào Thị Thu Giang và việc xác minh, giải quyết những kiến nghị của cán bộ, đảng viên về vấn đề thu chi tài chính có liên quan đến Phó hiệu trưởng Ðào Thị Thu Giang đã cho thấy một số nội dung trong bản góp ý kiến của GS, TS Nguyễn Thị Mơ gửi Ban Thường vụ Ðảng ủy nhà trường ngày 21-10-2012 nêu trên không phải không có cơ sở.

Lẽ ra, trước những sự việc sai phạm, trong bối cảnh triển khai, thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, Ðảng ủy, Ban Giám hiệu Trường ÐHNT cần có trách nhiệm kiểm điểm, xem xét, đánh giá thấu đáo, chính xác những việc làm được, chưa được của nhà trường, cũng như cá nhân từng đồng chí trong Ðảng ủy, Ban Giám hiệu, nhất là đồng chí Phó hiệu trưởng Ðào Thị Thu Giang. Thay vào đó, để "che mắt" dư luận, lãnh đạo nhà trường cho thành lập một Tổ công tác giúp việc Ðảng ủy, thực hiện thẩm tra, xác minh riêng một vấn đề là thu chi tài chính liên quan đến Phó hiệu trưởng Ðào Thị Thu Giang.

Tổ công tác do Trưởng Khoa đào tạo sau đại học, PGS, TS Tăng Văn Nghĩa làm Tổ trưởng, tiến hành kiểm tra sự việc một cách qua loa, chiếu lệ (phỏng vấn một số người không có liên quan đến vấn đề cần xác minh và ngược lại, với người có liên quan thì hỏi về một nội dung, sau đó lại kết luận về một nội dung khác), tiếp đó, căn cứ vào một số chứng từ, phiếu thu (được lập vào tháng 6-2012 để hợp thức hóa các khoản thu từ 2008 đến 2012, đưa vào sổ kế toán năm 2011) để từ đó đưa ra kết luận.

Ði sâu tìm hiểu về vấn đề lập phiếu thu trái pháp luật, được biết, từ tháng 10-2008 đến tháng 5-2010 các giảng viên: Vũ Ðức Cường, Lê Thị Thu Hường, Nguyễn Thị Tường Anh, Phạm Thị Mai Khanh, Hoàng Xuân Bình, Lương Thị Ngọc Oanh, Phạm Thanh Hà, Phan Thu Hiền đã phải nộp số tiền 491.908.944 đồng, là kinh phí đi đào tạo theo Chương trình Tiên tiến cho TS Ðào Thị Thu Giang mà không có chứng từ. Ðến tháng 6-2012, mặc dù không có sự ủy quyền của các giảng viên khác, một giảng viên đã đại diện cho tám người hợp thức hóa chứng từ, ghi phiếu thu số T05/2 ghi ngày 28-2-2011.

Từ tháng 9-2010 đến tháng 4-2012, các thành viên Ban thực hiện dự án MUTRAP III, gồm có: Trịnh Thị Thu Hương, Nguyễn Thị Việt Hoa, Phạm Thị Mai Khanh, Vũ Ðức Cường, Nguyễn Huyền Minh, Nguyễn Thị Xuân Hường, Phạm Thanh Hà, Nguyễn Cương đã phải nộp toàn bộ tiền lương theo hợp đồng khoán việc, với số tiền lên tới cả tỷ đồng cho Phó hiệu trưởng Ðào Thị Thu Giang và Kế toán trưởng Phạm Thu Hương (theo chỉ đạo của Phó hiệu trưởng Ðào Thị Thu Giang) mà không có chứng từ. Lý do chính khiến các giảng viên phải mang tiền của mình được hưởng đến nộp là vì không muốn dự án bị Phó hiệu trưởng Ðào Thị Thu Giang gây khó khăn, làm mất uy tín của trường và việc học tập ở nước ngoài của những giảng viên khác đang diễn ra theo dự án.

Sau khi dự án MUTRAP III kết thúc, Ban Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế đã báo cáo Ban Giám hiệu những sai phạm về tài chính của Phó hiệu trưởng Ðào Thị Thu Giang. Tháng 6-2012, PGS, TS Nguyễn Ðình Thọ đã báo cáo Hiệu trưởng về vấn đề này và đề nghị Hiệu trưởng giải quyết bức xúc của giảng viên. Tuy nhiên, thay cho việc giải thích với giảng viên, trưa chủ nhật, ngày 17-6-2012, tại phòng khách của Hiệu trưởng đã diễn ra "vụ" làm phiếu thu trái pháp luật, có sự chứng kiến của Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Phạm Thu Hương và TS Nguyễn Thị Việt Hoa (theo tường trình của PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương, TS Nguyễn Thị Việt Hoa, TS Nguyễn Huyền Minh, Ths Phạm Thị Mai Khanh, Ths Phạm Thanh Hà, Ths Nguyễn Thị Xuân Hường và Cử nhân Nguyễn Cương). Thực tế có năm lần thu tiền trong ba năm, nhưng chỉ có bốn phiếu thu được lập, trong đó có một phiếu thu ghi gộp cho hai đợt nộp tiền.

Việc sai trái đã rõ, thế nhưng bản Báo cáo kết quả thẩm tra của Tổ công tác giúp việc Ðảng ủy ban hành ngày 14-12-2012 lại khẳng định là: Không có sự việc Phó hiệu trưởng Ðào Thị Thu Giang ép buộc giảng viên nộp lại tiền mặt trực tiếp cho mình tại phòng làm việc và sảnh nhà A; việc nộp tiền là có thật, nhưng diễn ra tại phòng Kế hoạch Tài chính, có phiếu thu hợp pháp, chứ không phải là nộp cho đồng chí Giang. Kết luận nêu trên của Tổ công tác đồng nghĩa với việc 13 giảng viên (hầu hết là đảng viên) đã phản ánh không đúng sự thật. Nếu đúng như vậy, dư luận đang chờ đồng chí Bí thư Ðảng ủy, Hiệu trưởng Trường ÐHNT xem xét trách nhiệm của những đảng viên thiếu trung thực (!?).

Tiếng nói của những người trong cuộc

Trao đổi với chúng tôi về tình hình nhà trường, ngày 25-1-2013, khi được hỏi về số tiền học phí luyện thi sau đại học ở Trường ÐHNT trong những năm qua có được nộp vào nguồn thu chung của trường hay không? Phó hiệu trưởng, PGS, TS Nguyễn Ðình Thọ cho biết: "Từ những năm 2009, 2010, 2011 cho tới cuộc họp Hội đồng Khoa học và Ðào tạo ngày 29-5-2012, Khoa Sau đại học tự quản lý thu chi khoản tiền này với số tiền rất lớn, lên tới nhiều tỷ đồng. Kể từ tháng 6-2012 đến nay, vẫn chưa có báo cáo chính thức về việc số tiền này đã được nộp vào nguồn thu chung của nhà trường bắt đầu từ khi nào và với số tiền là bao nhiêu".

Cùng ngày, khi trao đổi với đồng chí Phó Bí thư Ðảng ủy, Phó hiệu trưởng Nguyễn Văn Hồng về vấn đề có liên quan đến tình hình công tác cán bộ của nhà trường, chúng tôi được biết công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các khoa, phòng tại Trường ÐHNT rất ít khi được trao đổi, bàn bạc trong Ban Giám hiệu nhà trường. Ðược biết, ngày 21-1-2013, Hiệu trưởng Trường ÐHNT đã ký Quyết định số 112/QÐ-ÐHNT-TCHC, bổ nhiệm bà Nguyễn Lệ Hằng giữ chức vụ Phó Trưởng phòng, phụ trách Phòng Thanh tra kể từ ngày 1-2-2013. Trước thông tin về sự việc trên, với tư cách là Phó Bí thư Ðảng ủy, Phó hiệu trưởng nhà trường, PGS, TS Nguyễn Văn Hồng nói: "Chủ trương thành lập Phòng Thanh tra có được thông qua trong Ðảng ủy nhà trường, song việc bổ nhiệm bà  Nguyễn Lệ Hằng giữ chức vụ Phó Trưởng phòng, phụ trách Phòng Thanh tra thì khoảng 8 giờ 30 phút sáng nay (25-1-2013) tôi mới được biết !".

Ngay từ những phút đầu trao đổi về tình hình nhà trường, Phó hiệu trưởng, PGS, TS Bùi Ngọc Sơn khẳng định: "Lâu nay, ở Trường ÐHNT thiếu đi bầu không khí dân chủ thật sự. Những vấn đề vừa qua dư luận phản ánh chưa thấm gì so với những gì đã và đang diễn ra ở Trường ÐHNT. Từ khi được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường ÐHNT (2008) đến nay, tôi chưa bao giờ được thảo luận, hội ý hay bàn bạc trong Ban Giám hiệu về bổ nhiệm cán bộ và thu, chi tài chính. Chúng tôi mong muốn các cơ quan có thẩm quyền sớm vào cuộc, làm rõ các vấn đề có liên quan đến sự độc đoán, chuyên quyền, những sai phạm nghiêm trọng trên nhiều mặt công tác và hành vi tham nhũng".

Thiết nghĩ, những sai phạm ở Trường ÐHNT là rất nghiêm trọng. Trách nhiệm trước hết thuộc về Ðảng ủy, Ban Giám hiệu Trường ÐHNT. Mỗi cán bộ, đảng viên trong nhà trường, trước hết là các đồng chí trong Ðảng ủy, Ban Giám hiệu, lãnh đạo các chi bộ, khoa, phòng cần thấy được trách nhiệm của mình trước những vi phạm kéo dài. Do trong Ðảng ủy, Ban Giám hiệu không có sự mạnh dạn, thẳng thắn đấu tranh phê bình, tự phê bình ngay từ khi xuất hiện sai phạm nhỏ, cho nên đã để xảy ra vi phạm lớn. Những người có liên quan ở trường cần nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, thẳng thắn thừa nhận những sai phạm của mình, không lợi dụng các diễn đàn để đánh lừa dư luận. Ðề nghị Bộ Giáo dục và Ðào tạo cùng các cơ quan liên quan nhanh chóng kiểm tra, xử lý nghiêm minh để Trường ÐHNT ổn định và phát triển.