Các khách mời đến từ hai nước đã có cuộc trao đổi trực tuyến với tinh thần cởi mở và chuyên sâu về thực trạng văn học dành cho người trẻ tuổi. Ông Vyacheslav Konovalov, Chủ tịch Festival Văn học Nga và văn học khu vực Thái Bình Dương nhận định, yếu tố cần quan tâm chính là mã văn hóa giữa các thế hệ, bởi đã có sự khác biệt rất lớn giữa các thế hệ. Để giải quyết sự khác biệt này, cần một số công cụ, trong đó văn học đóng vai trò quan trọng, vì đó là ngôn ngữ.
Tại Việt Nam, những năm gần đây, văn học dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên đã nhận được nhiều sự quan tâm cụ thể. Mới nhất, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam thành lập Giải thưởng văn học thiếu nhi hằng năm với mong muốn tạo cảm hứng, khuyến khích sự sáng tạo, cống hiến của người viết để có những tác phẩm xứng tầm.
Trao đổi tại cuộc giao lưu, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: Sau hàng chục năm, Hội Nhà văn Việt Nam lại đặt văn học thiếu nhi vào chiến lược lâu dài, lập Hội đồng Văn học thiếu nhi, lần đầu tiên mở cuộc vận động kéo dài, kêu gọi các nhà văn Việt Nam sáng tác cho thiếu nhi. Các cuộc giao lưu, tọa đàm trong khuôn khổ Festival “Văn học Nga và văn học khu vực Thái Bình Dương” lần thứ tư là khởi động tốt đẹp cho văn học Việt Nam phát triển trong tương lai.
Trong chương trình giao lưu, các nhà văn hai nước nhận định, diện mạo của văn học cho thanh thiếu niên Việt Nam và Nga đương đại có nhiều điểm tương đồng. Tuy còn những thiếu hụt, song, mỗi nền văn học ở từng giai đoạn đều có một số tác giả chuyên nghiệp, lựa chọn sáng tác cho thanh thiếu niên từ khi còn trẻ và vẫn tiếp tục sáng tác khi tuổi đã cao là điều đáng quý và cần thiết.
Ở Việt Nam những năm trở lại đây, các tác phẩm cho tuổi thanh thiếu niên cũng xuất hiện nhiều hơn. Nhà văn Văn Thành Lê (Nhà xuất bản Kim Đồng) cho biết, mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng hơn 250 tác phẩm văn học thiếu nhi được xuất bản, trong đó khoảng 100 tác phẩm mới. So với các mảng khác, văn học thiếu nhi chiếm tỷ lệ không hề nhỏ. Ngoài sách văn học, còn xuất hiện các dòng sách bổ trợ kỹ năng, kiến thức...
Khép lại buổi tọa đàm, ông Aleksandr Zubritski, Giám đốc Quỹ Thế giới Nga, nhấn mạnh, vấn đề trao truyền mã văn hóa rất quan trọng trong tình hình thế giới rất nhiều nhiễu động. Sự phi đạo đức khiến chúng ta không ngừng suy ngẫm. Hiện nay, nhiều nhà văn không mấy quan tâm đến vấn đề của thanh thiếu niên nhưng chúng ta cần thiết phải khẳng định: Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước và cũng chính đối tượng này có thể trao truyền cho chúng ta rất nhiều ý tưởng, sáng tạo và văn học luôn là công cụ quan trọng góp phần chuyển tải các ý tưởng, nội dung, đồng thời lý giải người lớn sẽ học được những gì từ trẻ em và người trẻ tuổi.