Tác quyền điện ảnh: Muôn vàn cái khó

NDO -

NDĐT - Vi phạm bản quyền điện ảnh ngày càng tinh vi và tràn lan. Quyền tác giả, quyền nhân thân của ekip sáng tạo đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Bó gối, chùn chân đã lâu, chưa lúc nào những người làm điện ảnh lại mạnh dạn mong muốn có một Trung tâm bảo vệ tác quyền cho mình như lúc này.

Phim tài liệu "Hồ Chí Minh - Chân dung một con người" thường xuyên bị sử dụng tư liệu mà không xin phép.
Phim tài liệu "Hồ Chí Minh - Chân dung một con người" thường xuyên bị sử dụng tư liệu mà không xin phép.

Bài 1: Muôn hình, vạn trạng với vấn nạn vi phạm bản quyền điện ảnh

Những tác phẩm điện ảnh – truyền hình thường được sử dụng cắt ghép rời rạc, in sao đĩa lậu, được sử dụng làm trích đoạn cho sản phẩm khác hay dễ dàng bắt gặp bản miễn phí trên Internet. Bản quyền tác phẩm điện ảnh bị vi phạm nghiêm trọng thực sự là một vấn nạn khiến các nhà sáng tạo chỉ biết than trời.

Khác với các lĩnh vực nghệ thuật khác, sản phẩm của bộ môn nghệ thuật thứ 7 là sáng tạo tập thể. Vì thế, việc đòi tác quyền cho một sản phẩm tập thể sẽ gặp nhiều khó khăn ở nhiều khâu. Ngoài việc bản quyền thuộc đơn vị bỏ tiền ra sản xuất thì việc tác quyền của tác phẩm điện ảnh gồm nhiều quyền khác như quyền tác giả, quyền nhân thân liên quan đến ekip sáng tạo như đạo diễn, biên kịch, diễn viên, âm thanh, ánh sáng…

Mới đây nhất, trong Đại hội Chi hội quản lý điện ảnh. Nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh – NSND Bùi Đình Hạc một lần nữa phải lên tiếng bức xúc vì tác phẩm của ông “Hồ Chí Minh – Chân dung một con người” đã bị một số đạo diễn truyền hình cắt ra từng mảng để dùng cho phim của mình nhưng không hề xin phép tác giả. Dù đó có là tác phẩm do Viện Tư liệu phim Việt Nam nắm bản quyền, nhưng khi trích dẫn, những “đồng nghiệp” trẻ đã không tính tới việc phải xin phép tác giả của tác phẩm – người đã xây dựng và tạo nên hình hài cho bộ phim mà năm nào cũng được xem là tư liệu quý công chiếu cho khán giả cả nước.

Ở một góc độ vi phạm tinh vi hơn, điện ảnh Việt Nam không phải chưa từng gặp những vụ chấn động vì vi phạm bản quyền. Nghệ sĩ Chánh Tín rơi vào cảnh vỡ nợ, phải rời khỏi ngôi nhà vì bị tịch thu liên quan tới việc bộ phim “Dòng máu anh hùng” mà ông là một trong hai nhà sản xuất bị ăn cắp bản quyền trầm trọng tại nước ngoài. Bộ phim từng được coi là bộ phim vàng của điện ảnh Việt thời kỳ mới có sự góp mặt của những nhà làm phim Việt kiều, từng mang lại con số doanh thu khủng 4 tỷ và trụ vững ở rạp chiếu Việt. Đó cũng là một trong những phim hiếm hoi được giải thưởng hạng Ưu tại Châu Á Thái Bình Dương, được hãng phim nổi tiếng The Weinstein Company mua bản quyền để phát hành ở thị trường Bắc Mỹ, châu Đại Dương và Anh, cuối cùng lại mang lại cho nghệ sĩ già một cái kết nhiều đau đớn ở tuổi xế chiều.

Một vụ chấn động cũng không kém là “Bụi đời Chợ Lớn” – bộ phim không lọt qua khe cửa kiểm duyệt của Hội đồng duyệt phim cũng bất ngờ bị rò rỉ trên mạng. Dù không công bố người ăn cắp trắng trợn tung lên mạng, nhưng đó là một bài học cho thấy, đã đến lúc cần phải mạnh tay với những kẻ “ăn trên ngồi trốc” vào thành quả của người khác. Vi phạm bản quyền đã thành một vấn nạn, không chỉ làm thiệt hại cho nhà sản xuất khi 16 tỷ đồng bỏ ra đầu tư chưa thu, thậm chí không thể thu lời một ngày lại bị công chiếu tràn lan. Mà nó còn làm cho những nhà sản xuất thật sự hoang mang trước việc, họ sẽ phải làm gì để bảo vệ đứa con tinh thần của mình, dù chỉ là mượn hình ảnh để làm tư liệu truyền thông.

“Những đứa con của biệt động Sài Gòn” chưa kịp bán cũng rất nhanh được phục vụ miễn phí trên mạng. “Cánh đồng bất tận” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình cũng không tránh khỏi số phận chưa ra rạp đã bị in băng đĩa lậu. “Siêu nhân X” thì có ngay bản full trên mạng đúng ngày ra rạp.

Vi phạm trong lĩnh vực phim Tài liệu cũng khá nghiêm trọng khi không phải ai cũng ghi lại được những thước phim quý giá. Đó là một thực trạng đáng báo động đã trở thành “thói quen” của các nhà sản xuất chương trình hiện nay. Khán giả Việt quá quen với dòng chữ “Trong phim có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp”, nhưng lại không có sự trân trọng tới mức không ghi tên tác phẩm, tác giả. Đó là chưa kể tới, tác giả - người sáng tạo tác phẩm hầu như chẳng nhận được cuộc điện nào, một lời xin phép nào cho việc sử dụng tư liệu của họ.

Riêng truyền hình, sai phạm cũng vô cùng đa dạng, từ việc các bộ phim bị ăn cắp bản quyền phát lại vô tư trên các kênh từ Youtube đến các kênh online khác khiến nhà Đài thiệt hại trăm bề. Trong khi các kênh khác ung dung thu lời từ hàng chục đến trăm triệu lượt view từ việc xem lại của khán giả online, thì nhà Đài đã bị mất trắng nguồn thu từ đó, dù bản quyền vẫn ghi rành rành là thuộc Đài Truyền hình.

Sai phạm nghiêm trọng, biến tướng về hình thức ăn cắp, tính bảo mật chưa chặt chẽ, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh… khiến cho nhiều kẻ nhìn thấy lợi mà lao vào, dù không biết, đằng sau việc chỉ đơn giản là vi phạm bản quyền đó, còn là cả câu chuyện đáng xấu hổ cho nền điện ảnh Việt trước thực trạng không có sự chặt chẽ trong bảo vệ tác quyền, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.