Về phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian

Ðể tôn vinh và bảo vệ có hiệu quả hơn những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang tiến hành lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, trong đó có việc phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân dân gian. Phóng viên Nhân Dân cuối tuần đã phỏng vấn TS Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa chung quanh vấn đề này.

PV: Thưa đồng chí, vì sao đến thời điểm này, vấn đề phong tặng danh hiệu cho nghệ nhân dân gian mới được đặt ra?

TS Lê Thị Minh Lý: Thực tế, vấn đề xét phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân dân gian đã được đề cập tại Ðiều 26 Luật Di sản văn hóa (được Quốc hội thông qua ngày 29-6-2001), ghi rõ: "Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công phổ biến nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp có giá trị đặc biệt". Tuy nhiên, tại Ðiều 65 Luật Thi đua, khen thưởng lại chỉ quy định tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân", "Nghệ nhân Ưu tú" cho "cá nhân có nhiều năm trong nghề, kế tục, giữ gìn, sáng tạo và phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống". Do đó, cho đến nay, các nghệ nhân không thuộc lĩnh vực thủ công truyền thống không được phong tặng danh hiệu này. Trong khi, nghề thủ công truyền thống chỉ là một trong tám lĩnh vực cơ bản của văn hóa phi vật thể.

Xét thấy việc phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân dân gian là cần thiết và cấp bách, nên Cục Di sản văn hóa đã kiến nghị và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận, đưa vào nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa điều khoản bổ sung khoản 1, Ðiều 26: "Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ có tài năng xuất sắc, nắm giữ và có công bảo vệ, phổ biến, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể" và khoản 2: "Danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân", "Nghệ nhân Ưu tú" được quy định tại Ðiều 65 Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng được áp dụng để xét phong tặng đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Ðiều này". Nếu những nội dung trên được Quốc hội thông qua, thì Bộ sẽ tiến hành các bước tiếp theo để xây dựng quy trình xét danh hiệu trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

PV: Ðồng chí vừa nhắc đến hai cụm từ "cần thiết" và "cấp bách"...?

TS Lê Thị Minh Lý: Có một thực tế là hiện nay hầu hết các nghệ nhân dân gian đều đã cao tuổi, một số loại hình đứng trước nguy cơ mai một do chỉ còn một, hai nghệ nhân nắm giữ. Bên cạnh ý nghĩa tạo hình thức đãi ngộ đối với những nghệ nhân đang nắm giữ những giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc, việc phong tặng danh hiệu còn hướng đến mục đích khuyến khích trao truyền di sản cũng như khuyến khích những người trẻ nhiệt tâm hơn với văn hóa dân tộc. Mà sự mai một của văn hóa phi vật thể rất nhanh chóng.

PV: Tuy nhiên, văn hóa phi vật thể là những giá trị rất khó định vị chính xác, việc xét phong tặng danh hiệu, vì thế, hẳn sẽ gặp không ít khó khăn?

TS Lê Thị Minh Lý: Việc xét duyệt sẽ dựa trên một số tiêu chí cơ bản. Một là, phải có tài năng xuất sắc, thể hiện ở kiến thức mà nghệ nhân nắm giữ, như các bài bản hay trình độ kỹ thuật mà họ thể hiện. Hai là, phải có vai trò xứng đáng với cộng đồng, tức là họ phải có tài năng, nhưng phải có sự cống hiến, tham gia vào đời sống văn hóa cộng đồng. Ðiều này đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay, khi các nghệ nhân đều đã cao tuổi và nhiều di sản đang đứng trước nguy cơ mai một, để nhấn mạnh, khuyến khích sự tình nguyện trong việc truyền dạy di sản. Quy trình phong tặng chắc chắn sẽ phải có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa với chính cộng đồng để có thể xác định được những nghệ nhân thật sự xứng đáng. Ðiều băn khoăn hiện nay là, có những nghệ nhân đã từng nắm giữ nhiều bài bản, có kỹ thuật biểu diễn rất xuất sắc, nhưng hiện tại không còn khả năng trình diễn hay truyền dạy nữa, liệu có nên có hình thức phong tặng danh hiệu danh dự nào đó không, vì những nghệ nhân ấy sẽ không đáp ứng được tiêu chuẩn truyền dạy?

Còn có một vấn đề nữa, đặt ra từ sự tham khảo kinh nghiệm của các nước khác, là họ đặt ra quy định: khi các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu rồi, nếu làm một việc gì đó trái với đạo đức nghề nghiệp thì phải hủy bỏ sự công nhận. Theo chúng tôi, điều đó như một cam kết, nếu nghệ nhân đó tình nguyện phục vụ xã hội, phục vụ cộng đồng thì được tặng danh hiệu đó, còn nếu họ giấu bí quyết nghề nghiệp, cản trở công  việc truyền dạy thế hệ kế tiếp thì sẽ bị thu hồi danh hiệu, tôi nghĩ điều đó cũng hợp lý thôi. Có điều, theo phong tục, tập quán của dân tộc ta, thì có nên làm thế hay không...

PV: Sẽ có hai cấp độ danh hiệu: Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú?

TS Lê Thị Minh Lý: Theo Luật Thi đua, khen thưởng thì sẽ có hai cấp độ: Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân tôi thì chỉ nên là một cấp độ thôi. Vì Luật Thi đua, khen thưởng áp dụng tiêu chuẩn của nghệ thuật chuyên nghiệp (có những căn cứ như năm cống hiến, huy chương tại các kỳ liên hoan, hội diễn...) chứ nghệ nhân dân gian thì họ sống với cộng đồng, không thể tính như nghệ thuật chuyên nghiệp được. Qua khảo sát ở các nước, tôi thấy họ đặt vấn đề truyền dạy là quan trọng nhất, nên họ đặt ra các cấp độ danh hiệu: Nghệ nhân Danh dự, người thừa kế và người thực hành để khuyến khích lớp trẻ.

PV: Ðược biết Cục Di sản văn hóa đã có kế hoạch chuẩn bị nội dung cho các bước tiếp theo của quy trình phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian để trình Chính phủ một khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa được Quốc hội thông qua. Ðồng chí có thể cho biết cụ thể hơn về những ưu đãi, dự kiến, đối với những nghệ nhân được nhận danh hiệu?

TS Lê Thị Minh Lý: Dự kiến, các nghệ nhân, khi được phong tặng, sẽ được nhận danh hiệu, kèm theo một phần quà tặng, theo Luật Thi đua, khen thưởng hiện nay là hai triệu đồng. Bên cạnh đó, chúng tôi đang tính đến sự ưu đãi bền vững hơn, không phải là tiền, mà là các chế độ đãi ngộ như bảo hiểm y tế, thăm hỏi khi ốm đau, việc hiếu, được mời tham dự các sự kiện đặc biệt của địa phương... Kinh nghiệm của một số nước còn xây dựng chế độ cho con cái và những người kế tục sự nghiệp ấy nữa. Ðó là những cách hỗ trợ, theo tôi, văn hóa và bền vững hơn, thay vì những khoản trợ cấp bằng tiền một lần hay hằng tháng. Ứng xử với các giá trị văn hóa phi vật thể vốn là việc làm không đơn giản. Biết là khó, nhưng vẫn phải làm thôi, bởi nếu không nhanh tay, thì sẽ có nhiều di sản văn hóa đặc sắc sẽ mai một.

PV: Xin cảm ơn đồng chí.

Luân Vũ (thực hiện)